Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Vụ sản xuất thuốc giả quy mô "khủng": Thuốc chữa xương khớp chủ yếu thành phần chất "cấm" dùng trong Đông y

Minh Nhật - 19:34, 18/04/2025

Liên quan tới vụ đấu tranh, triệt phá đường dây sản xuất thuốc giả quy mô toàn quốc, kết quả phân tích, xét nghiệm mẫu thuốc giả thuộc nhóm thuốc Đông dược, phát hiện trong thành phần thuốc có lượng lớn thuốc giảm đau, không được phép sản xuất trong Đông y.

Cơ quan công an kiểm tra tang vật là thuốc giả. Ảnh:TL
Cơ quan Công an kiểm tra tang vật là thuốc giả. (Ảnh:TL)

Sáng 18/4, đại diện Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, kết quả phân tích, xét nghiệm ban đầu phát hiện nhóm thuốc Đông dược giả (chữa các bệnh về xương khớp) chứa hàm lượng lớn thuốc giảm đau, không được phép sản xuất trong Đông y. Còn nhóm thuốc tân dược giả chưa phát hiện dược tính độc hại, nhưng không có dược tính kháng sinh để chữa bệnh như hướng dẫn sử dụng in trên bao bì.

Trước đó, ngày 17/4, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế liên quan tới vụ án này, Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa đã có báo cáo vụ việc. Theo đó, Sở Y tế Thanh Hóa và các cơ quan chức năng chưa phát hiện các sản phẩm thuốc giả nói trên tại cơ sở khám chữa bệnh công lập. Lý do là các loại thuốc này không có giấy tờ hợp lệ để tham gia đấu thầu. Phần lớn số thuốc giả được tiêu thụ qua mạng và các kênh bán lẻ.

Trong số 21 loại sản phẩm đã bị cơ quan Công an thu giữ có 4 loại giả thuốc tân dược (44 hộp Tetracyclin, 40 hộp Clorocid, 49 hộp Pharcoter, 52 hộp Neo-Codion). Đây là những thuốc giả được làm giống với các thuốc đang được công bố lưu hành; còn lại là 39.323 hộp gồm 17 loại sản phẩm giả nghi là thuốc Đông dược, sản phẩm có nhãn ghi mục đích sử dụng như thuốc chữa bệnh.

21 loại thuốc giả được cơ quan công an phát hiện. Ảnh:TL
21 loại thuốc giả được cơ quan Công an phát hiện. (Ảnh:TL)

Như truyền thông đã đưa tin, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Thanh Hóa vừa đấu tranh triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả do là Nguyễn Tiến Đạt (SN 1991, trú tại Chung cư Hapulico, quận Thanh Xuân, Hà Nội) và Trịnh Doãn Giáo (SN 1985; trú quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh) cầm đầu.

Lực lượng Công an Thanh Hóa đã phối hợp khám xét khẩn cấp 6 địa điểm là nơi sản xuất, nơi làm việc, nơi cất giấu hàng hóa của ổ nhóm trong đường dây sản xuất thuốc giả trên địa bàn TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Vĩnh Phúc, Hưng Yên, An Giang, Đồng Tháp. Qua khám xét, lực lượng Công an đã thu giữ 21 loại thuốc tân dược, thuốc chữa xương khớp giả. Tổng khối lượng thuốc tân dược giả và nguyên liệu để làm thuốc tân dược giả Công an thu giữ được gần 10 tấn.

Nhóm đối tượng này sử dụng thủ đoạn không làm giả các sản phẩm đang lưu hành trên thị trường, mà tự đặt ra tên thuốc và tên công ty, trong đó phần lớn có trụ sở "ảo" ở nước ngoài như Malaysia, Singapore… nhằm đánh lừa người tiêu dùng. Ngoài ra, các đối tượng thuê kho làm nơi sản xuất tại các khu vực vắng người qua lại, ngõ cụt, sâu trong hẻm. Sau đó, chúng thuê công nhân sản xuất là người nhà hoặc người quen, chủ yếu từ các địa phương khác. Trong quá trình sản xuất, công nhân ăn ở khép kín tại kho xưởng, không tiếp xúc với người dân xung quanh.

Dưới vỏ bọc là nhân viên dược sĩ buôn bán thuốc cho các công ty dược, các đối tượng sử dụng mạng xã hội để quảng cáo, giới thiệu là "hàng xách tay". Để tạo niềm tin, ban đầu chúng trà trộn thuốc thật vào thuốc giả trước khi bán ra thị trường. Khi đã có lượng khách hàng ổn định, các đối tượng chỉ bán thuốc giả do chính mình sản xuất, đối tượng khách hàng chủ yếu là dược sĩ kinh doanh thuốc tự do tại các chợ thuốc. Kể từ năm 2021 đến khi bị bắt, đường dây này đã bán ra thị trường số lượng thuốc giả rất lớn, ước tính gần 200 tỷ đồng.

Vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra, mở rộng. 

Tin cùng chuyên mục
Thay đổi “nếp nghĩ cách làm” nhờ Chương trình MTQG 1719

Thay đổi “nếp nghĩ cách làm” nhờ Chương trình MTQG 1719

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn 1: từ 2021 đến 2025 (Chương trình MTQG 1719) đã đi vào chặng đường cuối của giai đoạn 1. Cùng với những thay đổi to lớn về kết cấu hạ tầng, đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã có nhiều bước chuyển đáng mừng. Đặc biệt, với trợ lực từ Chương trình MTQG 1719, đã có nhiều thay đổi trong “nếp nghĩ cách làm” của đại bộ phận đồng bào DTTS và miền núi.