Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Vụ án tại Công ty Tây Hồ: Cụ bà 91 tuổi mòn mỏi kêu oan cho con gái!

Tuấn Trình - Nhóm PVĐT - 17:31, 28/07/2023

Vừa qua, tòa soạn Báo Dân tộc và Phát triển nhận được đơn thư của bà Đặng Thị Ngọc Bảo (91 tuổi), trú phường Phúc Xá, quận Ba Đình, TP. Hà Nội. Trong đơn, bà Bảo viết: “con gái bà là Chu Thị Ngọc Ngà bị oan trong vụ án hình sự “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” xảy ra tại Công ty Tây Hồ…”.

Bà Đặng Thị Ngọc Bảo (91 tuổi, trú phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội) cung cấp thông tin cho phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển
Cụ bà Đặng Thị Ngọc Bảo (91 tuổi), trú phường Phúc Xá, quận Ba Đình tìm đến Tòa soạn Báo Dân tộc và Phát triển mong muốn được Báo quan tâm, giúp đỡ bà trên hành trình kêu oan cho con gái mình

Thức trắng đêm nghiên cứu luật để tìm công lý

Viện KSND tỉnh Bắc Ninh vừa ban hành cáo trạng truy tố 5 bị can, gồm: Đặng Quang Tuấn (nguyên Chủ tịch HĐQT); Tân Tú Hải (nguyên Tổng giám đốc); Phan Việt Anh (nguyên Phó Tổng giám đốc), Chu Thị Ngọc Ngà (nguyên Trưởng ban kiểm soát) và Nguyễn Tấn Hoàng (nguyên Trưởng phòng kinh doanh) của Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển nhà và Xây dựng Tây Hồ (Công ty Tây Hồ) về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015.

Kết luận cáo trạng của Viện kiểm sát Nhân dân (KSND) tỉnh Bắc Ninh xác định, năm 2017, Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội có 98,83% vốn Nhà nước và nắm giữ 50,09% vốn điều lệ tại Công ty Tây Hồ. Đặng Quang Tuấn và Tân Tú Hải với vai trò là Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc đại diện phần vốn của Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội tại Công ty Tây Hồ đã bàn bạc, thống nhất với Phan Việt Anh, Chu Thị Ngọc Ngà và Nguyễn Tấn Hoàng là thành viên Hội đồng quản trị, trưởng phòng kinh doanh thực hiện hành vi bán 118 lô đất ở khu đô thị mới huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh không đúng trình tự quy định và không theo kết quả thẩm định giá, gây thất thoát hơn 91 tỷ đồng là tài sản Nhà nước.

Trong quá trình cơ quan điều tra tiến hành các bước tố tụng vụ án, gia đình bà Đặng Thị Ngọc Bảo (91 tuổi), trú phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội đã có nhiều đơn kêu oan cho con gái là Chu Thị Ngọc Ngà gửi đến Bộ Công an, TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao, TAND tỉnh Bắc Ninh… và các cơ quan báo chí.

Ngày 28/6/2023, bà Bảo đã trực tiếp tìm đến Tòa soạn Báo Dân tộc và Phát triển phản ánh, cung cấp thông tin với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển. Bà Đặng Thị Ngọc Bảo cho biết, từ ngày con gái bà là Chu Thị Ngọc Ngà  bị khởi tố, bắt tạm giam, ngày bà quên ăn, đêm thường xuyên thức trắng suy nghĩ và đọc những quyển sách về luật pháp. Bản thân bà là đảng viên, nguyên lãnh đạo một ngành thuộc TP. Hà Nội ở cái tuổi gần đất xa trời, niềm vui là ở gần con, gần cháu. Vậy mà giờ đây, bà vẫn phải lọ mọ đi gõ cửa kêu oan cho con gái.

Theo bà Bảo, con gái bà là Chu Thị Ngọc Ngà vừa là cổ đông, vừa là người lao động tại Công ty Tây Hồ. Con gái bà bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí”, nhưng tội danh này pháp luật quy định chỉ áp dụng cho những người được Nhà nước giao vốn - tức phải là "Người đại diện vốn Nhà nước tại doanh nghiệp" mà Công ty Tây Hồ là doanh nghiệp ngoài Nhà nước, tại Công ty cũng không có ai là “Người đại diện vốn Nhà nước”.

Bà Đặng Thị Ngọc Bảo cho biết thêm: Sau khi Cơ quan CSĐT khởi tố vụ án, khởi tố bị can, gia đình bà đã có rất nhiều đơn phản ánh, kêu oan, nhưng chưa một lần được cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết trả lời.

Một điều đáng lưu ý, trong cuộc nói chuyện với phóng viên, bà Bảo còn nhắc đến chi tiết: Trước khi bị bắt, con gái bà luôn kêu ca về việc tại Công ty có cổ đông nhiều lần “đe dọa sẽ cho bắt con tôi cùng với mọi người”, nhằm mục đích thâu tóm Công ty, nhưng vì bà đã lớn tuổi, cũng chỉ biết nghe con nói vậy chứ không biết hết việc xảy ra với con tại nơi làm việc.

Bà Bảo rất mong các cơ quan chức năng liên quan cần xác minh làm rõ nhiều chi tiết còn khuất tất trong vụ án: “Nếu con gái tôi thực sự có tội thì sẽ bị pháp luật xử lý nghiêm minh, bản thân là người mẹ tôi cũng không bao che, ngụy biện cho hành vi sai trái. Tuy nhiên, chỉ mong các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước, cơ quan chức năng của tỉnh Bắc Ninh cần xem xét nội dung vụ án một cách khách quan, đúng người, đúng tội; bản thân người mẹ như tôi cũng thấy yên lòng”, bà Đặng Thị Ngọc Bảo chia sẻ trong nước mắt!.

Những dấu hiệu bất thường trong quá trình tố tụng

Để có được thông tin khách quan và đa chiều, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã trao đổi với luật sư Phan Quốc Thắng - Giám đốc Công ty luật TNHH Faith thuộc Đoàn luật sư TP. Hà Nội.

Luật sư Thắng cho biết: “Trong vụ án này, cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh đang có dấu hiệu điều tra trái thẩm quyền, truy tố oan sai đối với bị can Chu Thị Ngọc Ngà và 4 bị can khác trong vụ án. Cụ thể, cơ quan Cảnh sát điều tra (PC03) khởi tố, tổ chức điều tra vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” là trái thẩm quyền điều tra theo quy định của pháp luật, do vụ án hình sự này không thuộc thẩm quyền xét xử của TAND tỉnh Bắc Ninh”. 

Về khái niệm vi phạm “quy định về quản lý, sử dụng tài sản”, thì quy định quản lý tài sản chỉ được áp dụng tại Công ty Tây Hồ, tức nơi doanh nghiệp đóng trụ sở tại số 2, ngõ 9 Đặng Thai Mai, phường Quảng An, quận Tây Hồ (TP. Hà Nội) mà không thể xảy ra tại địa bàn tỉnh Bắc Ninh được, do Công ty Tây Hồ không đăng ký trụ sở tại Bắc Ninh, không có chi nhánh hoạt động tại tỉnh Bắc Ninh và theo Hồ sơ vụ án hành vi ký hợp đồng mua bán 118 lô đất đã được UBND tỉnh cấp sổ đỏ, mà Cơ quan điều tra cho rằng “có vi phạm pháp luật” cũng như việc khách hàng nộp tiền mua đất, cùng các việc liên quan đến số tiền này cũng diễn ra ngay tại trụ sở Công ty Tây Hồ mà không diễn ra tại Bắc Ninh, luật sư Phan Quốc Thắng phân tích.

Chính vì vậy, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Bắc Ninh (PC03) và Viện KSND tỉnh Bắc Ninh tổ chức điều tra, ra cáo trạng truy tố 5 bị cáo là cổ đông, người lao động Công ty Tây Hồ là trái với thẩm quyền luật định do hành vi phạm tội (nếu có) không xảy ra tại địa bàn tỉnh Bắc Ninh mà xảy ra tại địa bàn TP. Hà Nội nơi Công ty Tây Hồ đặt trụ sở.

Cũng theo luật sư Phan Quốc Thắng, Công ty Tây Hồ không phải là doanh nghiệp Nhà nước. Tại thời điểm 2017 - 2020 cơ cấu cổ phần tại Công ty Tây Hồ có 49,91% vốn điều lệ của cổ đông ngoài nắm giữ (cán bộ, nhân viên, người ngoài công ty), số vốn còn lại (50,09%) thuộc Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - Công ty Cổ phần nắm giữ. Tại thời điểm này Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - Công ty Cổ phần là doanh nghiệp cổ phần có vốn Nhà nước mà không phải doanh nghiệp Nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014. 

Hơn nữa, sau khi cổ đông Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - Công ty cổ phần mua 50,09% vốn điều lệ Công ty Tây Hồ số tiền góp vốn này đã được chuyển quyền sở hữu tài sản, từ sở hữu của cổ đông góp vốn (Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - Công ty cổ phần) sang sở hữu của doanh nghiệp (Công ty Tây Hồ) theo quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 36 Luật Doanh nghiệp 2014 (điểm b, khoản 1 Điều 35 Luật Doanh nghiệp 2020), tức toàn bộ tiền góp vốn của cổ đông theo Luật Doanh nghiệp là “Tài sản của Công ty Tây Hồ” mà không phải là “Tài sản Nhà nước” và Công ty Tây Hồ cũng là doanh nghiệp ngoài Nhà nước, có nghĩa tài sản của Công ty Tây Hồ, là tài sản của doanh nghiệp ngoài Nhà nước, cổ phần góp vốn của Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - Công ty Cổ phần vào Công ty Tây Hồ “không phải vốn Nhà nước” mà là “vốn của công ty cổ phần có vốn nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp khác” theo nội dung trả lời của Chính phủ trên Báo Điện tử Chính phủ ngày 29/11/2018 - luật sư Phan Quốc Thắng cho biết thêm.

Tại Công ty Tây Hồ giai đoạn 2015 - 2020, không có ai là người được Bộ Xây dựng, hoặc Chủ tịch UBND TP. Hà Nội ủy quyền giao vốn bằng văn bản, được hiểu tại Công ty Tây Hồ “không có Người đại diện vốn Nhà nước” mà chỉ có bị cáo Đặng Quang Tuấn (Nguyên Chủ tịch HĐQT), bị cáo Tân Tú Hải (Nguyên Tổng giám đốc) là người được Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - Công ty cổ phần ủy quyền giao vốn, tức là 2 người này là “Người đại diện phần vốn của cổ đông” - Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - Công ty cổ phần tại Công ty Tây Hồ.

Với bị cáo Chu Thị Ngọc Ngà (thành viên BKS) và Nguyễn Tấn Hoàng, họ còn không phải là người được Công ty Tây Hồ giao quản lý, sử dụng tài sản và cũng không có quyền quyết định đối với tài sản Công ty Tây Hồ, do vậy 2 người này không có quyền và không chịu trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng tài sản Công ty Tây Hồ.

Như đã phân tích ở trên, trong vụ án này không có khách thể của tội phạm, tức không có “sở hữu Nhà nước, không có chế độ quản lý sử dụng tài sản Nhà nước tại Công ty Tây Hồ”, ông Đặng Quang Tuấn, Tân Tú Hải đều không phải là Người đại diện vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, do vậy cũng không có đối tượng là “Người nào được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước” theo quy định tại Điều 219 Bộ luật Hình sự 2015, tức “không có Chủ thể của tội phạm” thì làm sao có tội phạm xảy ra - luật sư Phan Quốc Thắng nhấn mạnh.

Luật sư Phan Quốc Thắng cho biết thêm: “vừa qua Ban Nội chính Trung ương đã có văn bản số: 4410-CV/BNCTW ngày 11/07/2023 gửi Viện Kiểm sát Tối cao yêu cầu xem xét, giải quyết theo thẩm quyền và báo cáo kết quả giải quyết cho Ban Nội chính Trung ương”, Luật sư cùng người thân bị cáo đang trông chờ kết quả giải quyết của Cơ quan tố tụng tỉnh Bắc Ninh và Viện Kiểm sát Tối cao để làm sáng tỏ những uẩn khúc trong vụ án này.

Báo Dân tộc và Phát triển sẽ theo dõi và thông tin đến bạn đọc về vụ án này.