Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Vitamin B12-Đôi điều cần biết

Như Ý - 17:44, 09/10/2023

Vitamin B12 là vitamin đóng vai trò quan trọng đối với cơ thể con người, giúp cải thiện và bảo vệ sức khỏe toàn diện. Thiếu vitamin B12 có thể dẫn đến các triệu chứng như chóng mặt, mất thăng bằng, suy giảm trí nhớ, nhức đầu, đau váng đầu…nặng hơn có thể tổn thương thần kinh, không thể hồi phục nếu không được điều trị kịp thời. Vậy để hiễu rõ hơn về tầm quan trọng của vitamin B12 hãy cùng chúng tôi tìm hiểu những thông tin sau.

(Tổng hợp) Vitamin B12-Đôi điều cần biết

Vitamin B12 là gì?

Vitamin B12 còn được gọi là cobalamin, là một vitamin tan trong nước quan trọng giúp giữ cho các tế bào thần kinh và tế bào máu của cơ thể khỏe mạnh và giúp tạo ra DNA, vật liệu di truyền trong tất cả các tế bào. Vitamin B12 cũng giúp ngăn ngừa một loại thiếu máu gọi là thiếu máu megaloblastic khiến cơ thể mệt mỏi và yếu.

Nguồn thực phẩm giàu vitamin B12 bao gồm thịt gia cầm, cá và các sản phẩm từ sữa. Vitamin B12 cũng được thêm vào một số loại thực phẩm và có sẵn dưới dạng bổ sung đường uống.

Vai trò của Vitamin B12

Ngăn ngừa thiếu máu: Vitamin B12 có vai trò trong quá trình tạo ra các tế bào hồng cầu khỏe mạnh. Nó giúp ngăn ngừa bệnh thiếu máu ác tính, một căn bệnh dẫn đến các triệu chứng mệt mỏi và suy nhược mạn tính.

Duy trì sức khỏe tim mạch: Homocysteine ​​là một acid amin, hiện nay được xem là yếu tố nguy cơ chính gây ra bệnh tim. Nồng độ của nó trong máu bị ảnh hưởng bởi nồng độ vitamin nhóm B trong máu, bao gồm vitamin B12. Bằng cách hạ thấp mức homocysteine ​​trong máu, Vitamin B12 giúp ngăn ngừa các bệnh tim như nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.

Cải thiện tâm trạng, giảm triệu chứng trầm cảm: Tác dụng của vitamin B12 được nghiên cứu với khả năng giúp điều hòa hệ thần kinh, làm giảm các rối loạn tâm trạng như trầm cảm và lo âu. Chúng được kết hợp với vitamin B6 và folate để làm tăng hiệu quả trong vấn đề này.

Duy trì năng lượng: Vitamin B12 tham gia vào quá trình trao đổi chất của tế bào, giúp tạo ra năng lượng cần thiết cho các hoạt động.

(Tổng hợp) Vitamin B12-Đôi điều cần biết 1

Giảm nguy cơ thoái hóa thần kinh, tăng cường trí nhớ: Vitamin B12 có vai trò trong truyền tín hiệu thần kinh. Chúng còn giúp phát triển vỏ myelin – là chất bao bọc dây thần kinh để bảo vệ chúng khỏi bị hư hại, giúp giảm nguy cơ giảm trí nhớ và mắc bệnh Alzheimer.

Hỗ trợ tiêu hóa: Vitamin B12 là thành phần quan trọng trong quá trình sản xuất enzyme tiêu hóa và giúp nuôi dưỡng các vi khuẩn tốt trong môi trường đường ruột. Việc loại bỏ vi khuẩn có hại trong đường tiêu hóa và đồng thời nuôi dưỡng vi khuẩn có lợi sẽ ngăn ngừa các rối loạn tiêu hóa như viêm ruột hoặc Candida.

Giúp da, tóc, móng khỏe đẹp: Đóng vai trò quan trọng trong việc tái tạo tế bào vì thế rất cần để nuôi dưỡng da, tóc, móng khỏe mạnh. Hạn chế tình trạng khô da, mụn trứng cá, tóc gãy rụng cũng như móng dễ gãy.

Giúp thai kỳ khỏe mạnh: Vitamin B12 có vai trò trong việc tạo ra axit nucleic hoặc DNA – vật liệu di truyền cơ bản được sử dụng để tạo ra toàn bộ cơ thể. Do đó, vitamin B12 không chỉ là chất dinh dưỡng quan trọng cho sự tăng trưởng và phát triển mà còn là một thành phần quan trọng cho một thai kỳ khỏe mạnh.

(Tổng hợp) Vitamin B12-Đôi điều cần biết 2

Những đối tượng có nguy cơ thiếu vitamin B12

Người lớn tuổi, những người có tiền sử cắt đoạn dạ dày hoặc dùng thuốc giảm tiết dịch dạ dày kéo dài sẽ làm giảm khả năng tiết đủ axit hydrochloric trong dạ dày để hấp thụ B12 có trong thực phẩm. Những người trên 50 tuổi nên nhận hầu hết B12 từ thực phẩm tăng cường hoặc bổ sung chế độ ăn uống vì trong hầu hết các trường hợp, cơ thể có thể hấp thụ B12 từ những nguồn này.

Những người bị thiếu máu ác tính mà cơ thể không tạo ra yếu tố nội tại cần thiết để hấp thụ B12. Các bác sĩ thường điều trị thiếu máu ác tính có bổ sung bằng cách tiêm vitamin B12, mặc dù liều vitamin B12 uống rất cao cũng có thể có hiệu quả.

Những người đã phẫu thuật đường tiêu hóa chẳng hạn như phẫu thuật cắt dạ dày, hoặc bị các tình trạng rối loạn tiêu hóa như bệnh celiac hoặc bệnh Crohn cũng có thể làm giảm khả năng hấp thụ B12.

Một số người ăn ít hoặc không ăn thức ăn từ động vật như những người ăn chay. Chỉ có thực phẩm có nguồn động vật có B12 tự nhiên. Khi phụ nữ có thai và phụ nữ cho con bú ăn chế độ ăn chay nghiêm ngặt thì trẻ cũng có thể không nhận đủ B12.

(Tổng hợp) Vitamin B12-Đôi điều cần biết 3

Dấu hiệu cơ thể bị thiếu vitamin 12

Cơ thể dự trữ lượng vitamin B12 gấp 1.000 đến 2.000 lần lượng vitamin B12 chúng ta thường ăn trong một ngày. Vì vậy các triệu chứng thiếu hụt vitamin B12 có thể mất vài năm mới xuất hiện.

Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi hoặc yếu ớt thì đây có thể là các triệu chứng của bệnh thiếu máu nguyên bào khổng lồ, là một dấu hiệu của sự thiếu hụt vitamin B12.

Có triệu chứng tim đập nhanh, làn da nhợt nhạt, chán ăn, tiêu chảy, giảm cân và vô sinh. Bàn tay và bàn chân có thể bị tê hoặc ngứa ran, một dấu hiệu của các vấn đề về thần kinh.

Các triệu chứng khác của thiếu vitamin B12 bao gồm các vấn đề về thăng bằng, trầm cảm, lú lẫn, sa sút trí tuệ, trí nhớ kém và đau miệng hoặc lưỡi.

Ở trẻ sơ sinh, các dấu hiệu của sự thiếu hụt vitamin B12 bao gồm không phát triển, chậm đạt được các mốc phát triển điển hình và thiếu máu hồng cầu khổng lồ.

Thiếu hụt vitamin B12 có thể làm hỏng hệ thần kinh ngay cả ở những người không bị thiếu máu nguyên bào khổng lồ. Do đó, cần phải điều trị tình trạng thiếu hụt vitamin B12 càng sớm càng tốt.

(Tổng hợp) Vitamin B12-Đôi điều cần biết 4

Bổ sung vitamin B12 bằng cách nào?

Trước hết, chúng ta cần bổ sung đầy đủ dinh dưỡng từ các nguồn thực phẩm phong phú. Một số món ăn chứa nhiều vitamin B12 như thịt gia cầm, thịt heo, thịt bò, cá hồi, cá ngừ, sò, nội tạng động vật (gan, thận), ngũ cốc nguyên cám, trứng và các sản phẩm từ sữa. Vitamin B12 cũng được bổ sung vào từ một số loại thực phẩm, chẳng hạn như ngũ cốc ăn sáng tăng cường chất dinh dưỡng.

Không nên tuân theo một chế độ ăn kiêng hà khắc nào quá lâu, vì bất kỳ chế độ nào cũng sẽ dẫn đến các vấn đề sức khỏe và thiếu hụt vitamin nhất định.

Bên cạnh thực phẩm, nên bổ sung vitamin B12 thông qua thuốc. Vitamin B12 được tìm thấy trong các loại vitamin tổng hợp cũng như trong các chất bổ sung B-complex hoặc thuốc chỉ chứa B12.

(Tổng hợp) Vitamin B12-Đôi điều cần biết 5

Lưu ý

Vitamin B12 khá an toàn, khi sử dụng ở liều lượng bình thường, rất hiếm khi xảy ra tác dụng phụ. Các tác dụng phụ của Vitamin B12 xảy ra khi sử dụng với liều lượng quá cao như:

Các bệnh về da, chẳng hạn như mụn trứng cá và viêm da (phát ban).

Dùng liều Vitamin B12 trên 1.000mcg cũng dễ dẫn đến các biến cố mạch máu ở những người bị bệnh thận.

Nồng độ Vitamin B12 trong máu cực cao ở phụ nữ mang thai có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tự kỷ ở trẻ sau này.

Các phản ứng dị ứng với các chất bổ sung Vitamin B12 rất hiếm gặp, một số trường hợp dị ứng đã được báo cáo và có thể gây ra các triệu chứng như sưng, ngứa da và sốc phản vệ.

Đặc biệt lưu ý, không dùng Vitamin B12 cho người bệnh ung thư, người mẫn cảm với thuốc.

Vitamin B12 là một loại vitamin B thiết yếu cho hoạt động của cơ thể. Thiếu vitamin B12 có thể gây ra tình trạng không tốt cho sức khỏe, vì vậy bạn cần chú ý bổ sung vitamin B12 đầy đủ, tốt nhất là từ các thực phẩm trong chế độ ăn uống hàng ngày. Trường hợp thiếu vitamin B12 do bệnh tật mà không thể bù đắp thông qua thực phẩm, bạn nên điều trị bằng thuốc vitamin B12 dạng tiêm hoặc viên uống dưới chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.