Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Vĩnh Phúc tập trung nguồn lực giữ gìn, phát huy giá trị làng nghề truyền thống

Hải Khánh - 23:46, 04/06/2023

Các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đều có lịch sử lâu đời, là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, mang tính cộng đồng cao. Bởi vậy, việc giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa của làng nghề truyền thống là hướng đi quan trọng, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Những người thợ tại làng nghề đá Hải Lựu (huyện Sông Lô) cần mẫn tạo ra nhiều sản phẩm giá trị cung cấp cho thị trường.
Những người thợ tại làng nghề đá Hải Lựu (huyện Sông Lô) cần mẫn tạo ra nhiều sản phẩm giá trị cung cấp cho thị trường

Ban hành nhiều chính sách đặc thù

Toàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 28 làng nghề với 8 nghề truyền thống, trong đó có 8.298 cơ sở sản xuất gồm: 47 doanh nghiệp, 1 hợp tác xã và 8.250 hộ gia đình. Nhóm ngành nghề sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát và cơ khí nhỏ có số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh nhiều nhất với 4.170 cơ sở.

Các làng nghề trên địa bàn tỉnh hiện thu hút hơn 16.000 lao động, trong đó có 14.690 lao động thường xuyên với mức thu nhập cao và ổn định khoảng 7 - 12 triệu đồng/người/tháng. Đến nay, UBND tỉnh đã công nhận 186 thợ giỏi và 23 nghệ nhân cấp tỉnh trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn, làng nghề. Các nghệ nhân, thợ giỏi sau khi được công nhận tiếp tục phát huy tay nghề, là tấm gương sáng trong hoạt động ngành nghề nông thôn nói chung và công tác bảo tồn, gìn giữ và phát triển nghề truyền thống của từng làng nghề, từng địa phương nói riêng.

Để bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc luôn quan tâm, ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở, hộ kinh doanh ngành nghề nông thôn. Trong đó, phê duyệt nhiều đề án, dự án, giao các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện. Đồng thời, tổ chức hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP hằng năm. Việc công nhận sản phẩm OCOP là cơ hội để các chủ thể phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử địa phương, thúc đẩy việc đầu tư phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn, xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Giai đoạn 2022 - 2025, Vĩnh Phúc tập trung phát triển các sản phẩm OCOP tại các làng nghề truyền thống. Trong đó, bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới, cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với phát triển du lịch, dịch vụ và bảo vệ môi trường sinh thái.

Để thực hiện mục tiêu trên, Vĩnh Phúc đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cụ thể như: Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm làng nghề, hỗ trợ xây dựng bộ nhận diện thương hiệu, xây dựng website làng nghề… Đồng thời, gắn công tác bảo tồn và phát triển làng nghề với chương trình phát triển du lịch, thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan.

Nhiều làng nghề truyền thống tại Vĩnh Phúc trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước.
Nhiều làng nghề truyền thống tại Vĩnh Phúc trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước

Nơi lưu giữ bản sắc văn hóa

Là xã miền núi, nơi có đồng bào DTTS sinh sống, Hải Lựu (huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc) nổi tiếng với làng nghề đá Hải Lựu.

Theo các cụ cao niên trong xã kể lại, thì nghề chế tác đá Hải Lựu có từ những năm đầu của thập kỷ 20,30 của thế kỷ XX. Nơi đây có khu Đồng Trăm, Đồng Trổ với bạt ngàn đá nổi vân màu ngũ sắc, đá xanh, đá xám…

Đá ở Hải Lựu có một đặc điểm rất đặc biệt, đó là đá mềm, có thể chẻ ra thành mảng như người ta xẻ gỗ. Đá có màu xanh và bền, có thể phơi mưa, phơi nắng nhưng chẳng bao giờ mòn được. Đây là những tiêu chuẩn lý tưởng để cho những bàn tay vàng của người thợ đá tạo ra vô vàn sản phẩm đẹp, bền chắc, tồn tại song hành cùng thời gian.

Đá ở Hải Lựu có thể làm thành nhiều mặt hàng khác nhau. Đơn giản là những vật dụng, nông cụ thường ngày người dân cần đến như cối đá, cột nhà, đá lát nhà... tinh xảo thì có những sản phẩm như cột đình, bia đá, những con vật linh thiêng với nhiều hoa văn, những pho tượng Phật.

Là một làng nghề truyền thống tồn tại hàng trăm năm, nên nghề đá ở đây thuộc dạng nghề “cha truyền con nối”, thế hệ này tiếp nối thế hệ kia. Cả xã hiện có 1.400 hộ với hơn 6.400 nhân khẩu thì có tới 900 lao động chuyên về làm nghề đá. Với trữ lượng đá lớn trên diện tích hơn 4 km2 nằm tập trung ở các thôn như Đồng Trổ, Đồng Chăm, Dừa Cả, Dừa Lẽ... Người dân Hải Lựu ai nấy đều rất quý trọng nghề truyền thống của làng. Càng yêu nghề, người thợ càng yêu ngọn núi đá của quê hương đã cho nguyên liệu để hành nghề. Người ta vẫn nói “Nhiều như đá núi” nhưng những người dân nơi đây không ai lãng phí đá. Dù khai thác được hòn đá to hay viên đá nhỏ, người thợ đều phải có tính toán chi li xem từng thớ đá có thể cho ra những sản phẩm thích hợp.

Mặc dù có nhiều tiềm năng, thế mạnh, nhưng hiện nay làng nghề đá Hải Lựu đang gặp khá nhiều khó khăn. Do không được đầu tư kịp thời về trình độ kỹ thuật, nhiều lao động chưa đáp ứng được thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng. Bên cạnh đó với quy mô nhỏ lẻ, vốn đầu tư còn thiếu, mặt bằng sản xuất chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, làng nghề đá Hải Lựu còn thiếu thông tin về thị trường, giá cả, luật pháp, cũng như các vấn đề về xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng còn rất xa lạ với nhiều chủ sản xuất. Công tác quảng cáo, tiếp thị chưa được quan tâm đúng mức.

Do được hỗ trợ nguồn vốn, nhiều hộ gia đình tại làng nghề rèn Lý Nhân (huyện Vĩnh Tường) đầu tư trang thiết bị để đẩy mạnh sản xuất.
Do được hỗ trợ nguồn vốn, nhiều hộ gia đình tại làng nghề rèn Lý Nhân (huyện Vĩnh Tường) đầu tư trang thiết bị để đẩy mạnh sản xuất

Chúng ta đang tiến tới xây dựng nền công nghiệp hóa - hiện đại hóa tuy có nhiều ưu điểm nhưng vẫn không thể thay thế chất liệu đá trong đồ dùng bằng đá mang đậm nét truyền thống văn hóa của mỗi gia đình người Việt. Những người thợ đá ở xã Hải Lựu vẫn cần cù đục đẽo để cho ra đời mỗi năm hàng vạn đồ đá cho Nhân dân khắp vùng, vừa có việc làm trong lúc nông nhàn vừa góp phần giữ gìn nghề truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Khách nước ngoài về đây đã mua nhiều sản phẩm làm quà kỷ niệm, bởi họ hiểu rõ giá trị của các sản phẩm này. Chính vì vậy, chúng ta cần phải giữ gìn nghề của cha ông để truyền lại cho mai sau.

Một làng nghề truyền thống khác ở Vĩnh Phúc cũng được nhiều người biết đến là làng nghề rèn Lý Nhân (huyện Vĩnh Tường). Với bề dày lịch sử hàng trăm năm, nơi đây nổi tiếng tạo ra những sản phẩm dao thép có chất lượng hiếm có. Trẻ em ở Lý Nhân sinh ra đã quen mắt, quen tai với tiếng búa quai, tiếng ống bễ phì phò thâu đêm suốt sáng. Ngày nay, cùng với sự phát triển của khoa học - kỹ thuật, máy móc dần dần được đưa vào quy trình sản xuất, những người thợ rèn ở Lý Nhân đã không còn phải vất vả như xưa.

Nhằm tạo điều kiện để người dân phát triển làng nghề truyền thống, các cấp chính quyền đã tạo cơ chế cho các hộ vay vốn, đầu tư trang thiết bị hiện đại vào sản xuất. Đồng thời, tập trung phát triển khu làng nghề rèn với diện tích hơn 3 ha cho hàng chục hộ có nhu cầu mở rộng sản xuất và đầu tư máy mọc thiết bị.

Từ một làng nghề truyền thống nhỏ, rèn Lý Nhân đã phát triển mạnh bằng sự khẳng định chất lượng và lòng tin của người tiêu dùng. Giờ đây, rèn Lý Nhân không chỉ đơn thuần mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương mà còn góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa làng nghề truyền thống.