Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Chương trình 1719

Vĩnh Phúc quan tâm phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Vân Khánh - 06:24, 08/11/2024

Xác định công tác giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, những năm qua, các cấp chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc luôn quan tâm, chú trọng tới công tác đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng trường học, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học cho đội ngũ giáo viên, học sinh.

Trường Mầm non Quang Yên, xã Quang Yên, huyện Sông Lô là một trong những điển hình thực hiện tốt công tác chăm sóc, giáo dục trẻ.
Trường Mầm non Quang Yên, xã Quang Yên, huyện Sông Lô là một trong những điển hình thực hiện tốt công tác chăm sóc, giáo dục trẻ

Nâng cao chất lượng dạy và học vùng đồng bào DTTS&MN

Quang Yên là xã miền núi nằm ở phía Tây Bắc huyện Sông Lô (tỉnh Vĩnh Phúc), với gần 2.000 hộ dân, khoảng 10.000 nhân khẩu sinh sống, trong đó có tới 2/3 là người đồng bào DTTS.

Những năm qua, nhờ sự quan tâm của các cấp uỷ đảng, chính quyền, kinh tế - xã hội xã Quang Yên phát triển mạnh mẽ, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho Nhân dân. Nhờ kinh tế phát triển, công tác giáo dục của xã cũng được quan tâm đầu tư.

Tiêu biểu như Trường Mầm non Quang Yên đã được các cấp chính quyền và Phòng Giáo dục Đào tạo (GDĐT) huyện Sông Lô đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất. Nhà trường tập trung xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, trong và ngoài lớp học đều thiết kế các khu, góc phục vụ hoạt động giáo dục, vui chơi, vận động của trẻ, đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho trẻ… Nhờ đó, chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ được nâng cao, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm, tỷ lệ trẻ chuyên cần, chăm ngoan đạt cao, 100% trẻ 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non.

Trong khi đó đối với Trường Tiểu học Quang Yên cũng được chính quyền bố trí nguồn kinh phí xây dựng mới cơ sở vật chất khang trang, đồng bộ, gồm: Dãy nhà điều hành, dãy nhà 12 phòng học, dãy nhà phòng học bộ môn, nhà giáo dục thể chất, thư viện đạt chuẩn, nhà công vụ cho giáo viên ở xa, nhà ăn - ngủ bán trú cho học sinh. Đến nay,  trường có hơn 40 cán bộ, giáo viên, nhân viên có trình độ đạt chuẩn, đáp ứng yêu cầu giảng dạy. Trong công tác chuyên môn, nhà trường xây dựng và tổ chức hiệu quả kế hoạch năm học, trong đó, tổ chức đa dạng các hoạt động giáo dục tạo điều kiện để học sinh phát triển toàn diện.

Ngoài ra, nhà trường còn tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh DTTS. Nhờ đó, chất lượng giáo dục của trường luôn đứng tốp đầu của huyện. Năm học 2021-2022, nhà trường được nhận Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Năm học 2022-2023, nhà trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 và đạt kiểm định chất lượng mức độ 3, có 5 giáo viên dự thi và đều đạt giải Giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp huyện, 100% học sinh lớp 5 hoàn thành chương trình giáo dục và lên lớp 6.

Bảo tồn tiếng dân tộc của đồng bào dân tộc Cao Lan, xã Quang Yên, huyện Sông Lô luôn được quan tâm và truyền dạy cho các cháu
Bảo tồn tiếng dân tộc của đồng bào người Cao Lan, xã Quang Yên, huyện Sông Lô luôn được quan tâm và truyền dạy cho các cháu

Tương tự cấp mầm non và tiểu học, Trường THCS Quang Yên có tới 28% học sinh thuộc con em đồng bào DTTS. Thời gian qua, nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền và ngành Giáo dục, chất lượng dạy và học của nhà trường từng bước được nâng cao.

Theo thầy Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường THCS Quang Yên, cho biết: Nhà trường ưu tiên các điều kiện để triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới từ khối lớp 6 - lớp 8, trọng tâm là đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới hình thức kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh.

Đối với khối học sinh cuối cấp, nhà trường rà soát chương trình, xây dựng kế hoạch giảng dạy, bồi dưỡng, ôn luyện hiệu quả cho học sinh cũng như lựa chọn giáo viên có chuyên môn, kinh nghiệm hướng dẫn học sinh ôn tập hiệu quả.

Kết quả các năm học được cải thiện rõ rệt. Cụ thể, năm học 2022-2023, nhà trường đã vươn lên vị trí thứ 10/18 của huyện, có giải Nhì kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 cấp tỉnh. Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023-2024, nhà trường có hơn 74% học sinh tốt nghiệp THCS thi đỗ vào THPT, 3 học sinh thi đỗ Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc, đứng thứ 7/18 của huyện và đứng thứ 100 của tỉnh.

Ông Vi Đình Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Yên khẳng định, những năm qua, giáo dục luôn là lĩnh vực được địa phương quan tâm, chú trọng hàng đầu. Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp, để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm nhằm đẩy mạnh phát triển giáo dục, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của Quang Yên.

Nhiệm vụ chính trị quan trọng

Những năm qua, sự nghiệp giáo dục và đào tạo vùng đồng bào DTTS&MN đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước. Các chủ trương, chính sách đối với đồng bào vùng DTTS&MN được thể chế hóa thành các văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời, đáp ứng yêu cầu phát triển GD&ĐT, được Nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Các em học sinh DTTS tại huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc trong buổi lễ khai giảng lớp truyền dạy tiếng nói và Soọng Cô của đồng bào dân tộc Sán Dìu.
Các em học sinh DTTS tại huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc trong buổi lễ khai giảng lớp truyền dạy tiếng nói và Soọng Cô của đồng bào dân tộc Sán Dìu

Nhận thức được tầm quan trọng đó, các cấp chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc luôn quan tâm, chú trọng tới công tác đầu tư, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào DTTS&MN trên địa bàn.

Phát triển giáo dục, đào tạo vùng đồng bào DTTS&MN cũng là một trong những nội dung quan trọng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025 (gọi tắt là là Chương trình mục tiêu quốc gia MTQG 1719).

Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia MTQG 1719, trong 9 tháng đầu năm và nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2024, công tác đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyển đổi số giáo dục phục vụ việc giảng dạy và học tập trực tuyến cho học sinh vùng đồng bào DTTS&MN trên địa bàn được các cấp chính quyền đặc biệt quan tâm.

Hiện nay, trang thiết bị dạy và học của các trường trên địa bàn tỉnh nói chung và các trường có học sinh ở bán trú vùng đồng bào DTTS&MN nói riêng cơ bản đã được đầu tư hoàn thiện, đầy đủ, đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục, hầu hết các trường đã đạt chuẩn theo quy định.

Có thể nói, trong sự thành công của ngành Giáo dục Vĩnh Phúc có sự đóng góp không nhỏ của các thầy, cô giáo và các em học sinh, sinh viên DTTS&MN trên địa bàn tỉnh. Tiêu biểu, năm học 2022-2023, tỉnh Vĩnh Phúc có 19 thầy, cô giáo là người DTTS đạt thành tích giáo viên giỏi cấp huyện, thành phố và cấp tỉnh; 19 học sinh DTTS đoạt giải quốc gia các môn học; 65 học sinh đoạt giải tại các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh; 80 em đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, thành phố và nhiều em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên đạt thành tích xuất sắc trong học tập.

Với những kết quả nổi bật và tiền đề vững chắc nêu trên, thời gian tới, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực, đẩy mạnh đầu tư hơn nữa cho hệ thống giáo dục vùng đồng bào DTTS&MN, từng bước góp phần xóa nhòa khoảng cách với các khu vực khác trên địa bàn.