Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Vĩnh Phúc: Nhiều chính sách khơi dậy tiềm năng của phụ nữ trong thời 4.0

Vĩnh Sơn - 14:05, 19/07/2023

Cùng với sự phát triển của đất nước và việc thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới, phụ nữ ngày nay đã đạt được nhiều thành tựu trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Nhằm khơi nguồn sáng tạo cho phụ nữ khởi nghiệp và sản xuất kinh doanh, những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, ưu tiên cho phụ nữ phát triển. Theo đó phụ nữ nói chung, phụ nữ DTTS nói riêng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã thể hiện vị thế, vai trò của mình trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều mô hình, tấm gương điển hình đã xuất hiện trên các lĩnh vực, giúp phụ nữ khẳng định bản thân cũng như làm giàu cho gia đình và xã hội.

Phụ nữ vùng DTTS ở tỉnh Vĩnh Phúc ngày càng khẳng định được vai trò, vị thế trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Phụ nữ vùng DTTS ở tỉnh Vĩnh Phúc ngày càng khẳng định được vai trò, vị thế trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ban hành nhiều chính sách đặc thù

Việt Nam luôn xác định thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao vị thế của người phụ nữ nói chung, phụ nữ DTTS nói riêng. Đây là một trong những nội dung quan trọng, được  Đảng, Nhà nước quan tâm thông qua việc ban hành nhiều chính sách ưu tiên phát triển phụ nữ nhằm phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội. Bám sát các chỉ đạo từ Trung ương, các cấp chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc luôn quan tâm, chú trọng công tác nâng cao vai trò, vị thế phụ nữ DTTS trong thời kỳ hội nhập. 

Theo đó, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều chính sách ưu tiên phát triển phụ nữ. Cụ thể như: Chính sách về xây dựng người phụ nữ phát triển toàn diện, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 16/2020/NQ-HĐND, ngày 14/12/2020 "Quy định một số chính sách hỗ trợ công tác dân số trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2020 - 2025", trong đó tập trung hỗ trợ đối tượng là phụ nữ từ 15 - 49 tuổi có chồng, có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Vĩnh Phúc thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, vùng nông thôn, vùng DTTS và miền núi, đối tượng bảo trợ xã hội tự nguyện thực hiện dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, qua đó giúp phát hiện sàng lọc trước khi sinh, đảm bảo sức khỏe sinh sản, cho các đối tượng; Chính sách hỗ trợ để phát triển, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó có những nội dung ưu tiên đối với phụ nữ; Một số nghị quyết về chính sách an sinh xã hội, trong đó nhóm đối tượng là phụ nữ, trẻ em được quan tâm hướng đến và chiếm tỷ lệ lớn.... 

Đặc biệt, ngày 15/8/2022, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Kế hoạch số 207/KH-UBND về việc thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc với mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Kế hoạch đề ra nhiều mục tiêu, trong đó phấn đấu 100% nam, nữ thanh niên trước khi kết hôn được giáo dục, tư vấn về hôn nhân gia đình, kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc; 100% vụ việc bạo lực gia đình được giải quyết theo quy định pháp luật; 100% người bị bạo lực được hỗ trợ cung cấp các dịch vụ thiết yếu; 100% địa phương có mô hình can thiệp, phòng ngừa và ứng phó bạo lực gia đình nhằm giảm tác hại của bạo lực gia đình, đặc biệt với phụ nữ, người yếu thế và trẻ em...

Trong hoạt động của các tổ chức chính trị xã hội, nhiều năm qua, Vĩnh Phúc cũng đã có nhiều cơ chế quan tâm, tạo điều kiện cho cán bộ nữ nhằm động viên, khích lệ trong công tác và tinh thần học tập, nâng cao trình độ về lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Vĩnh phúc đã ban hành Quy định số 05-QĐ/TU ngày 29/3/2022 về công tác quy hoạch cán bộ. Trong đó, quy định cụ thể về cơ cấu, tỷ lệ quy hoạch cấp uỷ và các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp theo hướng cán bộ nữ từ 25% trở lên. Ngoài ra, Tỉnh Vĩnh Phúc còn có nhiều chủ trương, chính sách để lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện hỗ trợ cán bộ nữ phấn đấu, rèn luyện, nâng cao nhận thức về lý tưởng cách mạng, năng lực, trình độ chuyên môn, thực tiễn công tác, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao trong giai đoạn hiện nay. 

Mô hình trồng cây trà hoa vàng của gia đình chị Lưu Thị Tám ở huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc mang lại lợi nhuận kinh tế cao.
Mô hình trồng cây trà hoa vàng của gia đình chị Lưu Thị Tám ở huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc mang lại lợi nhuận kinh tế cao.

Tấm gương phụ nữ DTTS điển hình

Nhờ những chính sách nhân văn nói trên mà phụ nữ nói chung, phụ nữ vùng đồng bào DTTS của Vĩnh Phúc ngày càng khẳng định được vị thế, vai trò trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều tấm gương điển hình đã không ngừng nỗ lực vươn lên, học hỏi để khẳng định bản thân cũng như làm giàu cho gia đình và xã hội.

Tiêu biểu như chị Lưu Thị Tám, người dân tộc Sán Dìu, Chi Hội trưởng Chi Hội phụ nữ Tổ dân phố Đồng Hội thị trấn Đại Đình, Tam Đảo.

Kể về hành trình thoát nghèo ngay trên chính mảnh đất quê hương của mình, chị Tám cho biết: Năm 2014, qua tìm hiểu thông tin trên báo đài, chị biết tới công dụng của cây trà hoa vàng. Chị mạnh dạn trồng thử nghiệm. Sau một thời gian chị nhận thấy, giống cây này phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của vùng chân núi Tam Đảo. Năm 2017, với số vốn tích cóp được và vay thêm ngân hàng, chị Tám đã mạnh dạn đầu tư trồng hơn 600 cây trà hoa vàng để phát triển kinh tế gia đình. Hiện, chị đã nhân giống thành công và xây dựng thương hiệu “Trà hoa vàng Hoàng Long” với nhiều loại trà khác nhau như: Kim hoa trà, trà hoa vàng Tam Đảo, trà hoa vàng lá dày, hải đường vàng… đáp ứng nhu cầu của người dân trong và ngoài tỉnh. Hằng năm, trừ chi phí, gia đình chị Tám thu nhập từ 400 - 500 triệu đồng. Không những vậy, trang trại trà hoa vàng của gia đình chị đã tạo việc làm thường xuyên cho 5 - 6 lao động, với thu nhập trung bình 3 - 4 triệu đồng/người/tháng.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Tám còn gương mẫu đi đầu trong các hoạt động phong trào của Hội phụ nữ địa phương. Là Chi Hội trưởng chi hội phụ nữ Tổ dân phố Đồng Hội, chị đã tích cực tuyên truyền cho chị em hội viên thực hiện tốt các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời vận động những hội viên khác cùng tham gia xây dựng các mô hình kinh tế có hiệu quả. Chị Tám luôn nêu cao tinh thần xung phong, gương mẫu, sẵn sàng hỗ trợ, hướng dẫn nhiều hộ dân trong tổ dân phố trồng trà hoa vàng để thoát nghèo, tạo điều kiện cho vay vốn không lấy lãi để giúp đỡ chị em trong chi hội mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế…

Phụ nữ vùng DTTS luôn luôn được các cấp chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc quan tâm, hỗ trợ
Phụ nữ vùng DTTS luôn luôn được các cấp chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc quan tâm, hỗ trợ

Ông Nguyễn Thanh Tùng - Trưởng Ban Dân vận tỉnh Vĩnh Phúc nhận định: vai trò và những đóng góp của chị em phụ nữ nói chung, phụ nữ DTTS nói riêng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương là rất lớn. Hội phụ nữ các cấp đã làm tốt vai trò tham mưu, tổ chức thực hiện hiệu quả nhiều nhiệm vụ, trong đó, tích cực hỗ trợ hội viên tiếp cận nguồn vốn để phát triển kinh tế, sản xuất kinh doanh. Đến nay, tổng nguồn vốn do các cấp Hội đang quản lý trên 1.800 tỷ đồng cho trên 60.000 lượt hội viên, phụ nữ vay vốn. Nhiều phong trào nhận được sự đồng tình, ủng hộ của hội viên, phụ nữ và Nhân dân, được các cấp ủy, chính quyền đánh giá cao như: "Rèn luyện phẩm chất đạo đức: Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang", "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch", "Phong trào phụ nữ Vĩnh Phúc cử chỉ đẹp, sống nhân văn"…

Trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, phụ nữ tỉnh Vĩnh Phúc đã tích cực tham gia các hoạt động giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn, xã hội, phòng chống tội phạm. Từ các phong trào công tác xã hội, nhiều chị em phụ nữ trưởng thành, được giao giữ trọng trách quan trọng trong hệ thống chính của tỉnh, cụ thể như: nhiệm kỳ 2020-2025 tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy 3 cấp ở tỉnh là 18,46%, tăng 4,14% so với nhiệm kỳ 2015-2020. Tỷ lệ nữ tham gia Đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021 - 2026 ở 3 cấp là 25% (tăng 3,35% so với nhiệm kỳ 2016 - 2021).

Nhìn chung, phụ nữ Vĩnh Phúc đã được thụ hưởng nhiều chính sách về học tập, nâng cao trình độ về lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ , đào tạo nghề hỗ trợ tạo việc làm, chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi; chính sách ưu đãi vay vốn đối với các hộ phụ nữ nghèo làm chủ hộ, phụ nữ đơn thân, phụ nữ dân tộc thiểu số… khuyến khích phụ nữ vay vốn đầu tư cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Việc triển khai thực hiện các Đề án, chương trình, chính sách của tỉnh Vĩnh Phúc đã góp phần chăm lo, bảo vệ phụ nữ, đáp ứng kịp thời nhu cầu, tình cảm, nguyện vọng của đông đảo phụ nữ và Nhân dân