Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Việt Nam chuẩn bị đủ năng lực xét nghiệm cho tình huống có 30.000 ca nhiễm SARS-CoV-2

PV - 16:27, 13/05/2021

Thông tin từ Bộ Y tế, Việt Nam đã ban hành đầy đủ hướng dẫn thực hiện đối với từng loại hình xét nghiệm cho các tình huống, trong đó có tình huống toàn quốc có 30.000 ca nhiễm virus SARS-CoV-2.

Các địa phương đang tăng tốc lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân khu vực có nguy cơ cao. Ảnh: TTXVN
Các địa phương đang tăng tốc lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân khu vực có nguy cơ cao. Ảnh: TTXVN

Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế, khẳng định hiện Việt Nam có đầy đủ các kỹ thuật xét nghiệm để phát hiện, chẩn đoán virus SARS-CoV-2, bao gồm: Realtime RT-PCR để xét nghiệm khẳng định mắc COVID-19; test nhanh kháng nguyên và test nhanh kháng thể.

Về năng lực xét nghiệm, công suất xét nghiệm của Việt Nam hiện nay cải thiện rất nhiều, gấp từ 2-3 lần so với các đợt dịch trước đây. Hiện các phòng xét nghiệm trên cả nước có thể thực hiện tới 100.000 mẫu đơn/ngày. Công suất tăng mạnh gấp 5 - 10 lần nếu thực hiện bằng phương pháp gộp mẫu (gộp 5, gộp 10...).

Cùng với đó, Việt Nam đã ban hành đầy đủ hướng dẫn thực hiện đối với từng loại hình xét nghiệm cho các tình huống, trong đó có tình huống toàn quốc có 30.000 ca nhiễm SARS-CoV-2.

So với các đợt dịch trước, trong đợt dịch thứ 4 này khả năng xét nghiệm tăng rất nhanh. Chỉ tính từ 27/4 đến nay, Việt Nam đã thực hiện gần 310.000 mẫu xét nghiệm.

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng cho biết sẽ tăng cường truyền thông để người dân rõ hơn về vai trò, ý nghĩa của xét nghiệm SARS-CoV-2 trong phòng, chống dịch COVID-19.

Thông tin cụ thể về năng lực xét nghiệm, bà Nguyễn Minh Hằng - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết: Test nhanh kháng nguyên nhằm hỗ trợ giám sát, dịch bệnh COVID-19, hỗ trợ cho kết quả của RT-PCR, hiện nay Việt Nam mới có và bắt đầu sử dụng. Còn test nhanh kháng thể mang tính chất sàng lọc, nghiên cứu, đánh giá dịch tễ.

Các kỹ thuật này đều đã được Bộ Y tế ban hành hướng dẫn thực hiện đầy đủ, nhằm hỗ trợ các phòng xét nghiệm được cấp phép trên cả nước nâng cao năng lực xét nghiệm.

Theo báo cáo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, cả nước hiện có 100 bệnh viện có phòng xét nghiệm (gồm cả phòng xét nghiệm khẳng định và phòng xét nghiệm sàng lọc). Đến nay, toàn quốc có 175 phòng xét nghiệm có khả năng thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2, trong đó, có 125 phòng đủ năng lực xét nghiệm khẳng định.

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn mới đây cho biết: Bộ Y tế đã có công văn chỉ đạo tất cả các bệnh viện có 300 giường bệnh trở lên phải có phòng xét nghiệm khẳng định.

Về sinh phẩm xét nghiệm, hiện có 3 loại sinh phẩm phục vụ cho các kỹ thuật xét nghiệm. Trong đó, có 16 loại sinh phẩm cho xét nghiệm RT-PCR, 4 loại sinh phẩm cho test nhanh kháng nguyên và 9 loại cho test kháng thể. Đây là các loại sinh phẩm được Bộ Y tế cấp phép lưu hành. Ngoài ra, Việt Nam còn sử dụng sinh phẩm do Tổ chức Y tế thế giới hay US CDC khuyến cáo.