Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Thế giới có 161 triệu người mắc COVID-19, Indonesia nhiều ca nhiễm nhất Đông Nam Á

PV - 09:56, 13/05/2021

Tính đến sáng nay, thế giới có 161 triệu người mắc COVID-19, trong đó có 3,3 triệu trường hợp tử vong bởi đại dịch.

Thi thể người mắc COVID-19 hỏa táng bên bờ sông Hằng ở bang Uttar Pradesh. Ảnh: Reuters
Thi thể người mắc COVID-19 hỏa táng bên bờ sông Hằng ở bang Uttar Pradesh. Ảnh: Reuters

Châu Á hiện đang là "tâm chấn" của đại dịch với tâm dịch là Ấn Độ, nước đã ghi nhận hơn 23,3 triệu ca nhiễm, trong đó có 254.388 ca tử vong.

Mới đây nhất, quần đảo Maldives đã quyết định cấm nhập cảnh đối với những người đến từ các nước Nam Á, trong đó có Ấn Độ, trong nỗ lực nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch. Theo đó, chính phủ tạm ngừng cấp thị thực du lịch cho khách đến từ các nước Nam Á như Afghanistan, Bangladesh, Bhutan, Ấn Độ, Nepal, Pakistan và Sri Lanka.

Lệnh cấm này cũng áp dụng với các hành khách quá cảnh hơn 24 giờ tại các nước trên và những người đã từng đến các nước này trong vòng 14 ngày qua. Trong khi đó, khách đến từ các nước khác vẫn được phép tới các đảo nghỉ dưỡng Maldives nếu có xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 96 giờ trước khi nhập cảnh, nhưng không được tiếp xúc với người dân địa phương.

Tại Đông Nam Á, Indonesia là nước có nhiều ca nhiễm nhất khu vực, với hơn 1,7 triệu ca, trong khi Philippines đã ghi nhận hơn 1,1 triệu ca. Thái Lan lại ghi nhận số ca tử vong trong 24 giờ qua ở mức cao kỷ lục, với 34 ca. Quan chức Bộ Y tế Malaysia, Tiến sĩ Noor Hisham Abdullah cảnh báo tình hình dịch bệnh có thể sẽ tồi tệ hơn trong những ngày tới. Số ca nhiễm mới có thể vượt mức 5.000 ca/ngày và giữa tháng trong kỳ lễ hội sau tháng Ramadan bắt đầu từ ngày 13/5.

Tại Đông Bắc Á, Bộ Y tế Nhật Bản thông báo, số bệnh nhân có triệu chứng bệnh nghiêm trọng do mắc COVID-19 hiện ở mức cao nhất là 1.189 ca, cao hơn 13 ca so với một ngày trước đó. Nhật Bản đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở 6 tỉnh, thành gồm thủ đô Tokyo và 3 tỉnh phía Tây, gồm Osaka, Kyoto và Hyogo cùng với Aichi và Fukuoka. Tình trạng khẩn cấp lần này sẽ có hiệu lực tới ngày 31/5.

Trong khi đó, Chính phủ Hàn Quốc đang xem xét dự thảo thay đổi cách thức giãn cách xã hội sẽ áp dụng vào tháng 7 tới, theo đó sẽ điều chỉnh một cách linh hoạt các biện pháp hạn chế kinh doanh, giới hạn số người khi tụ tập riêng nếu số ca nhiễm mới duy trì ở ngưỡng dưới 500 ca/ngày. Hiện số ca mắc mới ở nước này đang có chiều hướng giảm, hệ số lây nhiễm cũng đang giảm trong 4 tuần liên tiếp.

Y tá người Hà Lan 39 tuổi, tiêm mũi vaccine đầu tiên. Ảnh: Reuters
Y tá người Hà Lan 39 tuổi, tiêm mũi vaccine đầu tiên. Ảnh: Reuters

Tại châu Âu, Pháp vẫn đứng đầu với hơn 5,8 triệu ca nhiễm, tiếp theo là Nga với hơn 4,9 triệu ca trong khi các nước Anh, Italy đều đã có hơn 4,1 triệu ca. Xét về số ca tử vong, Anh ghi nhận nhiều nhất (127.629 ca) tiếp đến là Italy với 123.282 ca và Nga với 114.331 ca.

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh tại châu Âu đang có xu hướng đỡ căng thẳng hơn, Bỉ thông báo sẽ cho phép các cơ sở ăn uống và vui chơi trong nhà, có lượng khách lên tới 200 người mở cửa trở lại kể từ ngày 9/6 tới, thời điểm chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 đạt kết quả nhất định.

Hà Lan cũng dự kiến nới lỏng các biện pháp hạn chế để chống dịch kể từ tuần sau. Theo Thủ tướng Mark Rutte, các phòng tập gym, bể bơi và công viên giải trí sẽ được phép mở cửa trở lại từ ngày 19/5, trong khi các quán cà phê và nhà hàng có chỗ ngoài trời, vốn đã hoạt động trở lại từ tuần trước, sẽ được phép kéo dài thời gian mở cửa.

Ngày 12/5, Nội các Đức đã thông qua kế hoạch cho phép những người đã được tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19, người đã khỏi bệnh sau khi mắc COVID-19 hoặc người có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 khi nhập cảnh nước này không phải thực hiện cách ly. Việc nới lỏng quy định cách ly chỉ áp dụng với những người tiêm một trong những loại vaccine được Liên minh châu Âu (EU) cấp phép sử dụng gồm Pfizer/BioNTech, Moderna, AstraZeneca và Johnson & Johnson.

Cùng ngày, Quốc hội Pháp đã bỏ phiếu ủng hộ đề xuất của Tổng thống Emmanuel Macron về việc áp dụng "thẻ thông hành y tế" đối với những người được chứng nhận đã tiêm vaccine ngừa COVID-19, những người gần đây xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2, hoặc người đã bình phục sau khi mắc COVID-19. Những người có "thẻ thông hành y tế" sẽ được phép tham gia các sự kiện thể thao hoặc các sự kiện tập trung đông người, nhưng không được phép vào nhà hàng, cửa hiệu hoặc rạp chiếu phim.

Khu vực Bắc Mỹ đã ghi nhận hơn 38,9 triệu ca nhiễm và khu vực Nam Mỹ có 26,1 triệu ca. Mỹ vẫn là nước đứng đầu thế giới về số ca nhiễm (hơn 33,55 triệu ca) và tử vong (596.946 ca). Brazil đứng thứ hai thế giới về số ca tử vong với 425.711 ca, nhiều gấp đôi Ấn Độ, nhưng số ca nhiễm chỉ bằng 2/3 của Ấn Độ, ở mức hơn 15,2 triệu ca. Colombia và Argentina đều đã ghi nhận hơn 3 triệu ca nhiễm. Mexico đã có 2,3 triệu ca trong khi Canada, Peru và Chile đều có hơn 1 triệu ca.

Khu vực châu Phi hiện ít bị ảnh hưởng hơn so với các nơi khác, song tình hình được cảnh báo sẽ có thể xấu đi vì thiếu vaccine ngừa COVID-19. Đến nay châu lục này ghi nhận tổng cộng hơn 4,6 triệu ca nhiễm. Trong đó, riêng Nam Phi đã có 1.599.272 ca nhiễm. Tiếp đến là Maroc với hơn 500.000 ca.