Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Về thôn Nam Cao nghe đàn Tính, hát Then

PV - 17:48, 10/01/2023

Dù đã chuyển cư vào Đắk Nông lập nghiệp hơn 20 năm, nhưng đồng bào Tày, Nùng thôn Nam Cao, xã Đắk Sôr (Krông Nô) vẫn luôn gìn giữ, phát huy những nét văn hóa dân tộc đặc trưng, nhất là âm nhạc đàn Tính, hát Then…

Đoàn viên, thanh niên giao lưu với các nghệ nhân. (Ảnh MH)
Đoàn viên, thanh niên giao lưu với các nghệ nhân. (Ảnh MH)

Đàn Tính, hát Then nơi vùng đất mới

Thôn Nam Cao đa phần người Tày từ Cao Bằng, Lạng Sơn vào Krông Nô lập nghiệp từ năm 2007. Mặc dù cuộc sống có nhiều khó khăn, nhưng nét văn hóa dân tộc không thể nào phai nhạt và luôn được bà con gìn giữ, phát huy, nhất là đàn Tính, hát Then.

Sau những giờ làm việc vất vả, buổi tối bà con trong thôn Nam Cao lại tập trung về Nhà văn hóa thôn hoặc một gia đình trong Câu lạc bộ (CLB) đàn Tính hát then của thôn để cùng nhau ca hát. Người biết đàn thì gảy đàn, còn lại thì hát Then. Nghe tiếng đàn tính cũng phần nào giúp bà con vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê. Điều đáng quý là thế hệ trẻ thôn Nam Cao, cũng rất đam mê đàn Tính, hát Then.

Năm 2011, trên cơ sở nguyện vọng của bà con, CLB đàn Tính, hát Then thôn Nam Cao được thành lập. CLB hiện nay có 12 thành viên, gồm: 4 người đàn, 8 người hát. Từng thành viên sẽ phát huy thế mạnh của bản thân. Người có giọng tốt sẽ hát chủ đạo, người thì phụ trách xóc nhạc, người đánh đàn, tất cả đều phối hợp nhịp nhàng, hài hòa để tạo ra một tiết mục hay nhất. Dựa trên giai điệu then quen thuộc của dân tộc Tày, các thành viên còn sáng tác những làn điệu mới ca ngợi quê hương, đất nước, sự thay đổi của vùng đất mới Krông Nô như “Mừng Krông Nô đổi mới”, “Cây đàn Tính”, “Nhớ quê”…

Tại Phiên họp ngày 12/12/2019 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 14 của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) diễn ra tại Bogotá, Colombia, di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại
Tại Phiên họp ngày 12/12/2019 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 14 của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) diễn ra tại Bogotá, Colombia, di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Lan tỏa trong đời sống

Được sự quan tâm của chính quyền các cấp, tổ chức các sân chơi, từ đó CLB đã tham gia nhiều hội thi cấp xã, huyện, tỉnh, đạt nhiều giải thưởng cao. Đặc biệt, trong đợt giao lưu văn hóa văn nghệ, tiếp đón các đoàn chuyên gia UNESCO đến khảo sát thực địa và đại biểu tham dự Hội nghị quốc tế về Hang động núi lửa lần thứ 20 (ISV20) do tỉnh Đắk Nông đăng cai tổ chức, CLB đàn Tính, hát Then thôn Nam Cao đã mang đến lời ca tiếng hát hết sức đặc sắc, được mọi người tán thưởng.

Bà Nông Thị Bường - thành viên CLB đàn Tính, hát Then cho hay: “Mỗi người mỗi công việc, nhưng hễ nghe xã thông báo chuẩn bị biểu diễn văn nghệ là các thành viên CLB sẽ sắp xếp thời gian tập luyện, với mong muốn mang đến cho khán giả màn biểu diễn hay nhất để mọi người hiểu hơn về nghệ thuật đàn Tính, hát Then của người Tày, Nùng.

Còn ông Nông Thanh Độ - thành viên CLB đàn Tính, hát Then cho biết thêm: “Tiếng đàn, lời hát đã giúp chúng tôi xích lại gần nhau hơn. Do đó, với chúng tôi không chỉ là niềm đam mê, mà còn là cách để giữ được bản sắc văn hóa dân tộc. Chúng tôi nỗ lực lưu giữ nét văn hóa của dân tộc, không chỉ hôm nay mà cả thế hệ con cháu sau này”.

Nghệ thuật đàn Tính, hát Then đã được tổ chức UNESCO công nhận là di sản phi vật thể của thế giới. Hôm nay, giữa cuộc sống hiện đại, với nhiều dòng nhạc, nhạc cụ mới, cộng đồng người Tày ở thôn Nam Cao đã và đang góp phần không nhỏ cho việc bảo tồn và gìn giữ giá trị văn hóa dân tộc, để những giai điệu dân tộc lan tỏa sâu hơn trong cuộc sống.