Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Về thăm xã nông thôn mới đầu tiên của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định)

T. Nhân - H.Trường - 16:07, 22/10/2023

Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), có 2 tiêu chí được nhiều địa phương đặt lên hàng đầu đó là thu nhập và giảm nghèo. Khi hoàn thành tiêu chí này thì địa phương sẽ có nhiều thuận lợi và dễ dàng cán đích các tiêu chí khác. Tại huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định), sau 10 năm xây dựng NTM, Vĩnh Quang là xã NTM đầu tiên có bước phát triển ngoạn mục với thu nhập bình quân của người dân tăng hơn 4 lần.

Một góc xã NTM Vĩnh Quang hôm nay
Một góc xã NTM Vĩnh Quang hôm nay

Những ngày đầu tháng 10, chúng tôi có dịp trở lại huyện miền núi Vĩnh Thạnh. So với những năm trước đây, Vĩnh Thạnh giờ đây đã “khoác lên mình chiếc áo mới”, với những con đường bê tông thẳng tắp, những vựa rau xanh ngút ngàn chạy dọc theo những triền núi. Theo người dân địa phương cho biết, trước đây, đường sá còn lầy lội, người dân sống bằng nông nghiệp là chủ yếu, thì hiện nay, nhiều người đã tham gia các mô hình liên kết sản xuất để đẩy mạnh phát triển kinh tế. Hạ tầng giao thông, trường học, các cơ sở dịch vụ y tế cũng đã phủ sóng ở khắp nơi, nhất là ở các khu vực có người đồng bào DTTS sinh sống.

10 năm về trước, Vĩnh Quang là một trong những địa phương có tỉ lệ hộ nghèo cao nhất huyện Vĩnh Thạnh, với 54,6% hộ nghèo. Khi chưa triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM, người dân chủ yếu sống dựa vào nông nghiệp, thu nhập bình quân đầu người chỉ hơn 10 triệu đồng/năm. Từ năm 2014, xã Vĩnh Quang được chọn là một trong hai xã điểm của huyện Vĩnh Thạnh triển khai xây dựng NTM. Nhằm từng bước nâng cao thu nhập cho người dân, xã chú trọng quan tâm đầu tư phát triển sản xuất, tuyên truyền, vận động người dân tích cực chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, mùa vụ; nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả như mô hình cánh đồng mẫu lớn cây lúa, cây kiệu, cây ớt, cây ngô non…;. Xã đã quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa gắn với cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. 

Chợ Vĩnh Quang được đầu tư xây dựng khang trang
Chợ Vĩnh Quang được đầu tư xây dựng khang trang

Tại xã Vĩnh Quang, cụm công nghiệp Tà Súc đóng vai trò chủ lực, tạo việc làm cho bà con trong xã. HTX Nông nghiệp Dịch vụ Vĩnh Quang đã thực hiện chuỗi Liên kết sản xuất và tiêu thụ cây ngô non làm thức ăn gia súc từ năm 2022. Hình thành các vùng chuyên canh cây trồng nguyên liệu cho nhà máy chế biến trên địa bàn xã, đồng thời phát triển các vùng chuyên canh cây trồng cạn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến năm 2022, xã Vĩnh Quang đã thoát ra khỏi xã đặc biệt khó khăn, cơ bản đạt chuẩn các tiêu chí NTM: Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 44 triệu đồng/người/năm; Tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 4,66% , thấp hơn mức chuẩn theo quy định (5%); các tiêu chí về kinh tế, xã hội có nhiều thay đổi vượt bậc.

Đang chăm cho đàn lợn lai hai tháng tuổi, bà Nguyễn Thị Vĩnh (39 tuổi, thôn Định Xuân, xã Vĩnh Quang) chia sẻ: Trước kia, người dân ở địa phương chỉ biết làm rẫy nên thu nhập không được bao nhiêu. Hiện nay, bà con đã kết hợp làm nương rẫy và chăn nuôi, nên đời sống khá hơn nhiều. Chính quyền cũng thường xuyên cử cán bộ khuyến nông đến tập huấn cho bà con về cách gieo trồng, cán bộ thú y xã cũng chỉ cho bà con cách để chăn nuôi. Từ việc chỉ chăn nuôi lẻ tẻ, đầu ra gặp khó khăn thì hiện nay thông qua những mô hình liên kết, người chăn nuôi đã có đầu ra với giá cả ổn định.

Dẫn chúng tôi đi thăm quan một số mô hình về liên kết phát triển kinh tế trên địa bàn xã, ông Hồ Minh Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Quang cho biết: Để cán đích NTM, trên cơ sở sự đồng thuận của Nhân dân, chúng tôi tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền để bà con thay đổi nhận thức; kết hợp vận động trực tiếp, lồng ghép qua các hoạt động sinh hoạt tập thể, họp tại khu dân cư... “Khi bà con hiểu được ý nghĩa của chương trình là lấy sức dân để lo cho dân, người dân là chủ thể trong các hoạt động, cũng là người hưởng thụ thành quả thì mọi việc bắt đầu thuận lợi. Từ đó, các hộ dân hăng hái tham gia các mô hình phát triển kinh tế, thay đổi một số nếp sống không còn phù hợp nữa. Chính quyền cũng phân bố các nguồn vốn chính sách để đầu tư vào các thôn trọng điểm. Từ đó, lan toả ra cho các thôn khác để người dân cùng đồng hành, cùng tham gia vào chuỗi liên kết cùng phát triển”, ông Hiếu nói.

Nhờ xây dựng NTM, người dân Vĩnh Quang thay đổi tập quán sản xuất, nâng cao thu nhập
Nhờ xây dựng NTM, người dân Vĩnh Quang thay đổi tập quán sản xuất, nâng cao thu nhập

Cũng theo ông Hồ Minh Hiếu, nhờ sự nỗ lực cố gắng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và đặc biệt là sự đồng thuận, chung sức ủng hộ của người dân, ngày 7/6/2023, xã Vĩnh Quang chính thức được UBND tỉnh Bình Định công nhận đạt chuẩn NTM năm 2022 theo Quyết định số 2007/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bình Định. Trên kết quả về đích NTM, UBND xã tiếp tục tập trung mọi nguồn lực phấn đấu xây dựng NTM nâng cao, đạt mục tiêu về đích NTM nâng cao vào 2025.

Trao đổi với phóng viên, ông Huỳnh Đức Bảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Vĩnh Thạnh cho biết: Với đặc thù của một huyện miền núi, đời sống người dân còn nhiều khó khăn nên quan điểm xuyên suốt của lãnh đạo huyện Vĩnh Thạnh trong xây dựng NTM là không chỉ tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng mà phải nhanh chóng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, đặc biệt là đời sống văn hóa cho bà con đồng bào DTTS. Với tinh thần đó, huyện tập trung kiện toàn, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. “Huyện sẽ tập trung đầu tư để xã Vĩnh Quang đạt NTM nâng cao. Trong kế hoạch năm 2023, xã Vĩnh Hảo là địa phương thứ 2 của huyện về đích NTM và tiếp đến là tập trung mọi nguồn lực xây dựng cho các xã Vĩnh Hiệp, Vĩnh Thịnh về đích NTM”, ông Bảo cho biết thêm.