Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Về miền giới tuyến: "Làng một đêm" trở thành làng du lịch (Bài 4)

Thanh Hải - 14:49, 03/05/2022

Hàng vạn chàng trai, cô gái đôi mươi năm xưa, trước khi vượt vĩ tuyến 17 vào tiền tuyến, đều đã dừng chân nghỉ lại một đêm nơi làng binh trạm Cự Nẫm (xã Cự Nẫm, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình). Cũng địa danh này hôm nay, trong câu chuyện trên đồng, trên bãi của người dân không chỉ là khí thế hào hùng đánh giặc năm xưa, mà còn là câu chuyện bà con làm giàu bằng du lịch cộng đồng.

Khách du lịch nước ngoài thích thú đạp xe ngắm cảnh ở làng Cự Nẫm
Khách du lịch nước ngoài thích thú đạp xe ngắm cảnh ở làng Cự Nẫm

Một ngày bằng mấy mươi năm

Cự Nẫm từng là căn cứ của Binh trạm 26, trong hệ thống giao liên của đường Trường Sơn huyền thoại. Vì lẽ ấy, nơi đây đã trở thành địa chỉ dừng chân của hàng vạn chàng trai, cô gái đôi mươi gác tình riêng vì tình yêu chung Tổ quốc.

Nhiều người đã quen gọi Cự Nẫm là “làng binh trạm”, “làng một đêm”, bởi khi hành quân đến làng, bộ đội, thanh niên xung phong thường được nghỉ ngơi một ngày đêm để hôm sau vượt Vĩ tuyến 17, tiếp tục vào miền Nam hoặc sang nước bạn Lào làm nghĩa vụ quốc tế cao cả.

Thế rồi, địch phát hiện ở Cự Nẫm có điểm dừng chân của bộ đội nên đã bắn phá suốt ngày đêm. Để bảo vệ những người con thân yêu của đất nước trước khi vào chiến trường, tất cả các hộ dân ở Cự Nẫm đã nhường nhà, đào hầm che giấu bộ đội, thanh niên xung phong.

Ban ngày người làng Cự Nẫm làm đồng, trồng cây rừng, tham gia sản xuất trên đồng ruộng. Còn đêm đêm, họ đã lại mang vác lương thực, quân trang, vũ khí cho các đoàn quân qua làng.

Một góc làng Cự Nẫm hôm nay
Một góc làng Cự Nẫm hôm nay

Hàng vạn người chỉ ở Cự Nẫm có một đêm, ăn một bữa cơm, ngủ vài tiếng đồng hồ, nhưng những kỷ niệm về tình yêu thương, tình đất, tình đồng đội, đồng chí đã đi theo họ suốt trọn cuộc đời.

Biết bao câu chuyện thấm đẫm tình người đã hiển hiện nơi đây, trở thành lẽ sống, niềm tin trong những năm tháng ác liệt nhất của cuộc chiến giành độc lập. Người làng Cự Nẫm vẫn còn nhớ mãi lời thề thuở xưa: Dù thiếu gạo, thiếu lương thực, phải chịu đói, chịu khát nhưng quân lương của bộ đội, thì họ cầm chặt tay thề “không đụng đến”.

Biết bao hộ dân nơi đây đã nhường nhà, giường chiếu cho bộ đội ngủ, còn gia đình lại dùng rơm vàng lót ổ để nằm. Nhiều lính trẻ vừa rời ghế nhà trường nhớ nhà, nhớ mẹ được người dân động viên, chở che đùm bọc để vững tin, bền chí trước khi vào chiến tuyến.

Đài chiến công ở xã Cự Nẫm
Đài chiến công ở xã Cự Nẫm

Ông Nguyễn Hữu Phi, người chắp bút cuốn “Lịch sử Đảng bộ xã Cự Nẫm” giai đoạn 1945-2005, cho biết: Suốt cả cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, làng Cự Nẫm trở thành cửa ngõ vào Nam, ra Bắc, là trạm giao liên của bộ đội trước khi vào chiến trường. Những năm 1969-1973, các sư đoàn bộ đội trên đường hành quân đều dừng lại đây một đêm trước khi vào trận, và các thương bệnh binh trên đường ra Bắc cũng dừng lại đây một đêm để nghỉ ngơi, lấy nhu yếu phẩm…

Trong kí ức của người dân làng Cự Nẫm, ngày ấy, hết đợt này, đến đợt khác, bộ đội nườm nượp vào làng, rồi lại đi, lại vào liên tục. Người dân Cự Nẫm ngày lao động, đêm đến lại bốc vác, vận chuyển lương thực, quân trang, vũ khí phục vụ bộ đội. Cả làng đều nhường nhà cho bộ đội ở, sẻ chia hạt gạo, củ sắn, củ khoai… trong dạt dào tình cảm đồng bào những ngày khốn khó, gian khổ.

Nhiều homestay đã được xây dựng ở làng Cự Nẫm để hút khách du lịch
Nhiều homestay đã được xây dựng ở làng Cự Nẫm để hút khách du lịch

Làng văn hóa du lịch

Hôm nay, Cự Nẫm hút khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài bằng sự thân thiện, mến khách và những cách làm du lịch rất riêng. Cự Nẫm cũng không còn là làng “một đêm” như những năm chiến tranh, mà những đoàn khách du lịch đến đây đã ở lại dài ngày với Cự Nẫm.

Không chỉ khám phá làng thuần nông, với bầu không khí trong lành và cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, du khách - đặc biệt là khách nước ngoài còn háo hức ra đồng làm đất, cày ruộng, gieo trồng và thu hoạch mùa màng cùng nông dân.

Giếng choi từng là nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho bộ đội, người dân Cự Nẫm thời đánh Mỹ
Giếng choi từng là nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho bộ đội, người dân Cự Nẫm thời đánh Mỹ

Ông Nguyễn Văn Lương, Chủ tịch UBND xã Cự Nẫm cho hay: từ gian khó, xã vươn lên thoát nghèo và hoàn thành xây dựng nông thôn mới từ nhiều năm trước. Nay chúng tôi đang phấn đấu xây dựng xã nông thôn mới nâng cao. Cự Nẫm cũng đang lấy du lịch cộng đồng làm năng lượng để bứt phá.

Tôi tin lời ông Lương, tin cách làm du lịch của bà con làng binh trạm Cự Nẫm. Đến Cự Nẫm đã thấy không khí du lịch hiện rõ trên từng con đường, ngõ xóm.

Trong 13 thôn của xã nơi đâu cũng sạch đường, đẹp lối. Các thôn Hòa Sơn, Đông Sơn, Nguyễn Sơn, Đông Nẫm… đang được được đánh giá là những đơn vị dẫn đầu của mô hình du lịch cộng đồng.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình kiểm tra thực hiện đề án làng văn hóa du lịch Cự Nẫm
Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình kiểm tra thực hiện đề án làng văn hóa du lịch Cự Nẫm

Hiện ở làng Cự Nẫm và những vùng lân cận đã có hàng chục hộ dân đầu tư mở khách sạn, nhà hàng và dịch vụ homestay để phục vụ khách du lịch.

Trong số đó, phải kể đến cơ sở du lịch Phong Nha Farmstay của vợ chồng anh Ben - chị Bích. Vì mến thương người con gái Cự Nẫm, mà anh Ben đã theo về đây lập nghiệp bằng nghề du lịch.

Người làng Cự Nẫm đang rất vui khi đề án Làng văn hóa du lịch Cự Nẫm vừa được UBND tỉnh Quảng Bình kí quyết định phê duyệt. Lãnh đạo Sở Du lịch tỉnh tỉnh Quảng Bình cho biết: Đề án được thực hiện trong giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu đề án, sẽ biến xã Cự Nẫm thành khu du lịch  hấp dẫn, với hệ thống sản phẩm du lịch, dịch vụ đặc trưng của địa phương, hướng tới lợi ích cộng đồng và hợp tác cùng phát triển, làm điểm cho việc phát triển du lịch cộng đồng tại vùng đệm Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, cũng như trên địa bàn tỉnh.

Làng văn hóa du lịch Cự Nẫm được xây dựng với tổng diện tích 3.279ha. Trong đó, có hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, mua sắm đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, đáp ứng tối thiểu 100.000 lượt khách mỗi năm; hệ thống cơ sở lưu trú du lịch đáp ứng tối thiểu 50.000 lượt khách lưu trú mỗi năm…

Khách du lịch tìm về Cự Nẫm ngày một nhiều
Khách du lịch tìm về Cự Nẫm ngày một nhiều

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch (Quảng Bình) chia sẻ: Ngoài di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, Bố Trạch là địa phương có nhiều giá trị văn hóa đặc sắc.

“Riêng Cự Nẫm là địa phương có nhiều giá trị tài nguyên du lịch tiêu biểu, nổi bật hàng đầu trên địa bàn tỉnh, rất thuận lợi xây dựng Làng văn hóa du lịch. Con người nơi đây sống thân thiện, chan hòa, tình nghĩa, sẵn sàng chia ngọt sẻ bùi… Chính những điều đó, đã làm nên một thương hiệu du lịch cộng đồng ở Cự Nẫm và ngày càng thu hút được du khách”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Cự Nẫm đang chuyển mình để biến “làng một đêm”, thành làng văn hóa du lịch để đón bạn bè muôn phương.

Bài 5: Thông điệp hòa bình