Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Về chùa học chữ Khmer, một mùa hè ý nghĩa ở Sóc Trăng

Như Tâm - 10:24, 12/06/2025

Mỗi khi tiếng ve râm ran báo hiệu mùa hè đến, nhiều em nhỏ trên khắp cả nước lại háo hức với những chuyến đi chơi, trại hè, hay đơn giản là khoảng thời gian thư giãn sau một năm học vất vả. Thế nhưng, ở vùng đất Sóc Trăng, nơi có đồng bào dân tộc Khmer sinh sống đông nhất nước, mùa hè lại mang một ý nghĩa rất riêng- đó là việc các em nhỏ nơi đây nô nức cắp sách đến… chùa. Không phải để lễ bái, mà là để học chữ Khmer, ngôn ngữ của dân tộc mình và thầy giáo chính là những người khoác áo cà sa.

Một lớp học luôn có hai sư đứng lớp ( trong ảnh - lớp học tại chùa Sớm Rông - Sóc Trăng)
Một lớp học luôn có hai sư đứng lớp ( trong ảnh - lớp học tại chùa Sớm Rông - Sóc Trăng)

Những mùa nghỉ hè đặc biệt

Chùa Khmer không chỉ là nơi sinh hoạt tôn giáo, mà còn là trung tâm văn hóa cộng đồng, nơi bà con gửi gắm niềm tin của đồng bào người Khmer Nam Bộ. Nhưng vào mỗi dịp hè, những mái chùa yên bình ấy lại rộn ràng tiếng nói cười của trẻ thơ, tiếng giảng bài của các vị sư sãi, và cả âm thanh của những trang sách được lật mở, một mùa hè vừa học vừa vui, mà lại tràn đầy ý nghĩa gìn giữ văn hóa.

Như một phần truyền thống và trách nhiệm cộng đồng, nhiều chùa Khmer trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã mở lớp dạy tiếng Khmer miễn phí cho trẻ em người Khmer. Các lớp học thường được tổ chức vào buổi sáng hoặc buổi chiều các ngày trong tuần, tùy vào điều kiện từng chùa. Trung bình, mỗi chùa thu hút từ 50 đến 200 học sinh tham gia mỗi năm.

Tại chùa Sôm Rông, Phường 5, TP. Sóc Trăng-một trong những ngôi chùa có truyền thống dạy chữ Khmer lâu đời vào mùa hè này, có khoảng 150 em nhỏ đang chăm chỉ học tập tại ba điểm lớp, mỗi điểm là từ lớp 1 đến lớp 5. Sư phó Lâm Bình Thanh, người trực tiếp giảng dạy và điều phối các lớp học, chia sẻ: “Việc dạy chữ Khmer trong chùa không chỉ giúp các em đọc viết được tiếng mẹ đẻ, mà còn là cách giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong bối cảnh hiện đại.”

Những vị sư đức độ trong tấm áo cà sa đơn sơ, trở thành những “người thầy” đặc biệt của lớp học mùa hè. Dưới cái nắng nhẹ của mùa hè miền Tây, giữa những gian phòng học giản dị, bàn ghế tạm bợ do các sư tự tay đóng thành. Thế mà các thầy trò ở lớp học này vẫn cần mẫn giảng dạy từng nét chữ, từng âm đọc, như thắp lên ngọn lửa tri thức và tự hào dân tộc trong trái tim trẻ thơ.

Giữa thời đại của công nghệ số, khi trẻ em ngày càng bị cuốn vào thế giới ảo, những lớp học hè tại chùa Khmer ở Sóc Trăng như một nốt trầm quý giá, đưa các em trở về với cội nguồn, với những giá trị bản sắc đích thực.

Đọc, viết và hiểu nghĩa là mục tiêu của các sư tham gia dạy các lớp hè cho các em học sinh tại các chùa trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng (ảnh: Văn Dương)
Đọc, viết và hiểu nghĩa là mục tiêu của các sư tham gia dạy các lớp hè cho các em học sinh tại các chùa trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng ( Văn Dương)

Học chữ, học đạo, học làm người

Điều đáng quý ở những lớp học này, là các em không chỉ học tiếng nói và chữ viết, mà còn được học những điều sâu sắc hơn: đạo lý làm người theo giáo lý Phật giáo Nam Tông Khmer, học về phong tục tập quán truyền thống, cách ứng xử trong gia đình và cộng đồng.

“Con học được cách chào hỏi người lớn, học cách giữ gìn văn hóa tromg gia đình, các sư còn dạy cho con những bài kinh phát nguyện cầu an cho mọi người. Con cố gắng học giỏi đến khi kết thúc hè sẽ được các sư thưởng tập, sách để chuẩn bị vào năm học mới:, em Đinh Hà Tuyết Mai, học sinh lớp 4 của Trường tiểu học Kim Đồng ( P. 5, TP. Sóc Trăng) chia sẻ. Với em Mai, những buổi đến lớp không chỉ để học mà còn là nơi để gặp gỡ bạn bè, được các sư thương yêu chỉ dạy, tạo nên một mùa hè thật khác biệt và em luôn mong đến hè để đến chùa học.

Mặc dù điều kiện vật chất còn thiếu thốn – nhiều em đến lớp với quần áo cũ, không có đủ sách vở, phòng học đơn sơ không có quạt điện hay thiết bị hỗ trợ, nhưng những gì mà các em nhận được là vô giá. Đó là tình thầy trò, là sự gắn kết cộng đồng, là lòng tự hào dân tộc thấm đẫm trong từng bài học

Sư phó Lâm Bình Thanh hướng dẫn các em viết chữ Khmer tại lớp học hè của chùa Sớm Rông ( P. 5, TP. Sóc Trăng)
Sư phó Lâm Bình Thanh hướng dẫn các em viết chữ Khmer tại lớp học hè của chùa Sớm Rông ( P. 5, TP. Sóc Trăng)

Gìn giữ ngôn ngữ, giữ vững hồn dân tộc

Theo thống kê, hiện có hàng chục ngôi chùa Khmer trên toàn tỉnh Sóc Trăng tổ chức dạy chữ Khmer vào mùa hè. Đây là một phần quan trọng trong công tác bảo tồn tiếng nói và chữ viết của đồng bàoDTTS, một chủ trương lớn đang được Đảng và Nhà nước quan tâm và chỉ đạo.

“Ngôn ngữ là linh hồn của một dân tộc. Mất đi ngôn ngữ, là mất đi cội rễ. Vì thế, dù còn nhiều khó khăn, chúng tôi vẫn cố gắng duy trì những lớp học này mỗi năm,” Sư phó Lâm Bình Thanh chia sẻ thêm. Các lớp học không có học phí, cũng không đòi hỏi nhiều về vật chất, chỉ cần các em đến lớp, các thầy sẽ tận tình dạy dỗ.

Nhiều bậc phụ huynh trong vùng rất ủng hộ hoạt động này. Họ xem đó là một cơ hội để con em mình không chỉ học cái chữ mà còn thấm nhuần những giá trị đạo đức truyền thống. Bà Lâm Kim Hồng, có con học tại chùa chia sẻ: “Tôi rất mừng khi con tôi được các sư chịu khó dạy cho chữ Khmer. Đó là điều mà thế hệ tôi ngày xưa không có được.”

Không có phòng học hiện đại, không có phần thưởng vật chất lớn lao, nhưng các lớp học này vẫn “níu” bước chân các em nhỏ bằng chính sự chân thành, tận tụy và niềm tin vào việc gìn giữ văn hóa. Mỗi trang sách, mỗi nét chữ Khmer các em viết ra hôm nay chính là sợi dây nối liền giữa quá khứ và tương lai, giữa ông bà và con cháu, giữa bản sắc truyền thống và thời đại hiện đại.

Các em học sinh Khmer lớn lên với những ký ức đẹp gắn liền với ngôi chùa nơi mình sinh sống ( Ảnh : Văn Dương)
Các em học sinh Khmer lớn lên với những ký ức đẹp gắn liền với ngôi chùa nơi mình sinh sống ( Ảnh: Văn Dương)

Theo Thượng tọa Lý Đức, Phó Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng, việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa Khmer, bao gồm cả nghệ thuật và ngôn ngữ, cần được triển khai quyết tâm thực hiện, bằng cách tận dụng các chính sách chung, có định hướng rõ ràng và sự quan tâm sâu sắc từ các cấp chính quyền. 

"Đối với các lớp dạy hè tại chùa, không có học phí, không yêu cầu điều kiện đặc biệt, chỉ cần các em đến lớp là đã có những sư tại chùa tận tụy sẵn sàng hướng dẫn, truyền đạt. Những nỗ lực âm thầm nhưng bền bỉ ấy sẽ giúp bảo vệ được cái cốt lõi của một dân tộc", Thượng tọa Lý Đức chia sẻ.

Có lẽ, với nhiều em nhỏ dân tộc Khmer, ký ức về một mùa hè đi học chữ trong chùa, nơi có tiếng tụng kinh, tiếng giảng bài ấm áp, và cả tiếng cười giòn tan giữa sân chùa, sẽ là điều theo các em suốt đời. Một mùa hè thật sự không chỉ để nghỉ ngơi, mà để học, để yêu thương, và để giữ gìn một phần hồn dân tộc.

Tin cùng chuyên mục
Gặp lại ở Phìn Sư

Gặp lại ở Phìn Sư

Tôi lên Phìn Sư, thăm lại gia đình Min Seo Thế, dân tộc Cơ Lao, vào một buổi sớm mùa hè. Mùa này, nước trời ào ạt đổ về từ các khe núi, chảy rậm rịch suốt ngày đêm vào các ô ruộng bậc thang của huyện Hoàng Su Phì (cũ) nay là thôn Phìn Sư, xã Tân Tiến. Phía xa xa, Seo Thế phăm phăm sải bước, hai tay nắm chặt đốc cày, khéo léo điều khiển con trâu phía trước theo đường cong như mảnh trăng lưỡi liềm của thửa ruộng. Một mình Thế, một con trâu, một thửa ruộng mà thấy cả mùa vàng đã bắt đầu nảy nở dưới chân đỉnh Tây Côn Lĩnh.