Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Vấn nạn mê tín dị đoan “nảy nở” trên môi trường mạng

Hồng Phúc - 11:31, 04/11/2024

Trên các mạng xã hội hiện nay, vấn nạn mê tín dị đoan có những hoạt động rất đa dạng từ bói chỉ tay, bói bài, bói bổ cau, đến xem tử vi, xem tuổi, thậm chí thầy bói còn cho cả số lô, số đề… Hiện tượng này đang có xu hướng “nở rộ” với phạm vi lớn và mức độ ngày càng tinh vi gây bức xúc trong dư luận và những hệ luỵ nghiêm trọng cho xã hội.

BÀI Khi vấn nạn mê tín dị đoan “nảy nở” trên môi trường mạng
Đến nay, Phan Thị Thu Trang đã lừa hơn 28 tỷ đồng và có hơn 40 người là nạn nhân của "cô đồng" này đến trình báo

Mới đây, Cơ quan Cảnh sát Điều tra (CSĐT) Công an quận 5 (TP. Hồ Chí Minh) đã khởi tố, bắt tạm giam Phan Thị Thu Trang (34 tuổi) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bước đầu, Công an đã làm rõ về thủ đoạn tuyên truyền mê tín dị đoan để lừa đảo của “cô đồng” này. Theo Cơ quan CSĐT, đối tượng Trang tạo nhiều trang mạng cá nhân trên Facebook và Tiktok như: “Phan Thu Trang”, “Phong Thủy Tâm Linh - Phan Thu Trang” để tìm khách hàng xem bói, tử vi, tướng số và bán các vật phẩm phong thủy rồi chơi chiêu lừa đảo.

Điển hình là nạn nhân H (quận 5) bị Trang lừa 2,9 tỷ đồng. Ban đầu, bà H chỉ liên hệ với Trang để mua vòng phong thủy, nhưng sau khi gặp, Trang đã khiến bà lo lắng về nhiều vấn đề tâm linh. Trang thuyết phục bà H phải giải hạn và đuổi “vong” để bảo vệ gia đình, đồng thời yêu cầu bà H nhiều lần chuyển tiền để thực hiện nghi lễ.

Trong vòng 15 ngày của tháng 9/2023, bà H đã chuyển hơn 2,6 tỷ đồng cho Trang. Nhưng thấy không được việc nên bà H đòi lại tiền. Khi bà H hỏi, Trang viện lý do chưa thể hạ lễ vì còn bận nhiều “khách lễ” và đề nghị chuyển thêm 300 triệu đồng để tiếp tục giúp "giải hạn". Đến nay, Phan Thị Thu Trang đã lừa hơn 28 tỷ đồng và có hơn 40 người là nạn nhân của "cô đồng" này đến trình báo.

Năm ngoái, trào lưu “đúng nhận, sai cãi” đã dần phủ kín các trang mạng, trở thành câu cửa miệng, “hot trend” của người trẻ. Những video bổ cau đoán mệnh tràn lan với nhân vật chính là cô đồng Trương Hương, thu hút hàng triệu lượt xem trên TikTok. Vận dụng thuần thục kĩ thuật “nói nước đôi”, áp dụng thành thạo thủ thuật tâm lý sơ đẳng “đọc nguội”, “cô” đã thành công “thao túng” được một bộ phận những người cả tin, yếu lòng.

Không chỉ trong đời thực mà cả trên không gian mạng, đặc biệt qua các nền tảng như Facebook, Tiktok, YouTube…, mê tín dị đoan đang âm thầm “sinh sôi, nảy nở”. Hàng nghìn tài khoản đăng tải các nội dung chia sẻ về chủ đề xem bói, hay xem bói để bán vật phẩm như là bùa tình yêu, đá phong thuỷ… để dẫn dụ, lừa đảo người dân. Không ít người đã tự biến mình thành nạn nhân của những trò lừa đảo tâm linh trên mạng vì tin theo lời bói toán vô căn cứ, dẫn tới hậu quả xấu cho bản thân và gia đình, mất thời gian, tiền của, mua về sự lo lắng, hoang mang. Vấn nạn này gây nhức nhối trong xã hội và để lại những hệ lụy khôn lường về cả vật chất lẫn tinh thần.

BÀI Khi vấn nạn mê tín dị đoan “nảy nở” trên môi trường mạng 1
Trên không gian mạng, đặc biệt qua các nền tảng như Facebook, Tiktok, YouTube…, mê tín dị đoan đang âm thầm “sinh sôi, nảy nở”. Ảnh chụp màn hình

Không chỉ vậy, đưa các hoạt động mê tín tràn lan trên mạng xã hội hiện nay đã gây ra những rủi ro như lộ thông tin cá nhân ảnh hưởng đến danh dự uy tín của nạn nhân. Nhiều clip đăng tải hoàn toàn lộ mặt những người tham gia vào hoạt động áp vong, gọi hồn cùng với thông tin về cá nhân, gia đình, hoàn cảnh nạn nhân cũng được các tài khoản này chia sẻ công khai và đây rất có thể là nguyên nhân cho những hành động sai trái tiếp theo.

Nhà nước ta cho phép quyền tự do tôn giáo tín ngưỡng, nhưng nghiêm cấm mọi hành vi, hoạt động mê tín dị đoan nhằm đảm bảo trật tự và văn minh xã hội. Dưới góc độ pháp luật, Luật sư Nguyễn Xuân Sang (Ðoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng: Trong thẩm quyền của mình, các cơ quan quản lý, đơn vị quản trị mạng xã hội cần chủ động xây dựng cơ chế kiểm soát hành vi vi phạm pháp luật trên nền tảng thuộc quản lý của mình, kịp thời lên án, chấn chỉnh, khóa vĩnh viễn các tài khoản có hành vi truyền bá, kinh doanh mê tín dị đoan... 

Ðối với những người mới vi phạm lần đầu, thì tùy theo mức độ để xử phạt vi phạm hành chính theo quy định. Nếu những người cố tình vi phạm nhiều lần hoặc từng bị xử phạt hành chính về hoạt động mê tín dị đoan, thì xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, về xử phạt hành chính có thể căn cứ Ðiều 14 Nghị định số 38/2021/NÐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo. Căn cứ xử lý hình sự là Ðiều 320 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội hành nghề mê tín, dị đoan.

Có thể thấy, pháp luật hiện hành cũng đã có những chế tài xử lý đối với hành vi kinh doanh dịch vụ mê tín dị đoan, truyền bá mê tín dị đoan khá cụ thể. Song để có thể ngăn chặn được hoàn toàn hành vi đó trên các nền tảng mạng xã hội là điều không hề dễ dàng. Do vậy, cần có sự phối hợp từ người dùng mạng xã hội, đến nhà quản trị mạng xã hội và cơ quan chức năng. 

Đặc biệt, mỗi người cần hết sức tỉnh táo, không chia sẻ, tham gia các hội, nhóm liên quan tới mê tín dị đoan, cảnh giác trước những chiêu trò lợi dụng tâm linh, văn hóa bản sắc dân tộc… để trục lợi. Bởi chỉ có dựa trên cơ sở nhận thức đúng đắn, từ sự nỗ lực, cố gắng của chính bản thân mỗi người mới giải quyết được những vấn đề của cuộc sống chứ không thể bằng vài ba lời nói huyễn hoặc bói toán, mê tín. 

Tin cùng chuyên mục
Mai Châu (Hòa Bình): Chương trình MTQG 1719 thúc đẩy phong trào văn hóa cơ sở vùng đồng bào DTTS

Mai Châu (Hòa Bình): Chương trình MTQG 1719 thúc đẩy phong trào văn hóa cơ sở vùng đồng bào DTTS

Nhằm thúc đẩy phong trào văn hóa cơ sở, những năm qua, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình đã tích cực triển khai thực hiện Dự án 6 về Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719). Nhờ đó, các câu lạc bộ, đội văn nghệ truyền thống được quan tâm hỗ trợ; hệ thống thiết chế văn hóa tại các thôn, xã được đầu tư, xây dựng góp phần thúc đẩy phong trào văn hóa cơ sở, nâng cao đời sống Nhân dân.