Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Văn học các DTTS Việt Nam: Hòa chung một mạch nguồn

Hồng Minh - 07:08, 14/11/2020

Văn học các DTTS Việt Nam là một bộ phận quan trọng của nền văn học Việt Nam. Từ nền văn học cổ truyền dân gian đến văn học viết thời kỳ hiện đại, văn học các DTTS luôn có mặt và đã góp phần tạo nên diện mạo của một nền văn học dân tộc Việt Nam phong phú, giàu bản sắc.

Phong cảnh bản làng vùng cao. Ảnh TL
Phong cảnh bản làng vùng cao. Ảnh TL

Cùng với chiều dài lịch sử, dân tộc Mông sớm có một nền văn học dân gian phong phú, đa dạng, phản ánh đời sống văn hoá cũng như tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của cộng đồng.

Trong thơ của người Mông hiện đại, xu hướng sử dụng liên tiếp nhiều hình ảnh để biểu đạt sự so sánh, ví von đang dần phổ biến. Chẳng hạn, để nói về cuộc sống bi thảm của người Mông trong xã hội cũ, nhà thơ người Mông sử dụng hình ảnh “Như con ma không mẹ cha ăn của thừa”, “Như con ma mồ côi chăn trâu người”; ca ngợi cuộc sống đổi mới, nhà thơ sử dụng những hình ảnh liên tiếp “khác nào rắn xanh lột da”, “khác nào măng mai lột bẹ”... Các hình ảnh so sánh, ví von trùng điệp này tạo cho vấn đề được biểu đạt vừa cụ thể hơn, vừa sâu sắc hơn.

Thơ dân tộc Mông thời kỳ hiện đại là một thể loại thơ chân mộc, giản dị. Ngôn ngữ thơ giàu hình ảnh và nhạc điệu. Cấu trúc thơ vừa chịu ảnh hưởng của cấu trúc thơ ca truyền thống dân tộc Mông, vừa phát triển theo xu hướng cấu trúc thơ hiện đại. Lối tư duy, cách biểu đạt vừa gần gũi với cách nghĩ, cách cảm, cách diễn đạt của người DTTS, vừa bộc lộ rõ đặc trưng bản sắc của dân tộc Mông. Các nhà thơ người Mông đã không ngừng sáng tạo, tự đổi mới cho thơ, làm cho thơ ngày càng tiệm cận những chuẩn mực khắt khe về giá trị nghệ thuật của thơ ca đương đại.

Còn đối với những nhà văn thời kỳ hiện đại, dường như họ đã mang sẵn trong mình một tâm thế để hội nhập. Nhà văn Cao Duy Sơn, dân tộc Tày, quê huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) thuộc thế hệ thứ hai trong đội ngũ các nhà văn DTTS Việt Nam hiện đại. Từ 1984 đến nay, nhà văn đã trình làng 5 tập truyện ngắn và 4 cuốn tiểu thuyết, nhưng chỉ với ngần ấy thôi, ông đã được đánh giá là cây bút tiêu biểu nhất của nền văn xuôi các DTTS hiện nay. Truyện ngắn của ông vừa xưa như cổ tích, lại vừa mang hơi thở của cuộc sống đương đại, đậm đặc chất tiểu thuyết trong tính đa dạng của chủ đề, trong những yếu tố đời tư, trong những nếm trải của nhân vật với những độc thoại nội tâm day dứt.

Hình ảnh về đời sống sinh hoạt văn hóa thường được biểu đạt phong phú trong thơ của các tác giả người Mông.
Hình ảnh về đời sống sinh hoạt văn hóa thường được biểu đạt phong phú trong thơ của các tác giả người Mông.

Hay thành tựu nổi trội nhất của văn học hiện đại Tây Nguyên có lẽ chính ở sự nỗ lực phục dựng một bức tranh về đời sống sinh hoạt, tinh thần của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Các tác giả thường lựa chọn những đề tài như cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc với sự gan dạ, hy sinh quật cường của con người Tây Nguyên, tình yêu thời chiến, nét đẹp phong tục quê hương…

Nhìn từ góc độ thể loại, văn học DTTS Tây Nguyên cũng có những điểm đáng chú ý. Ở thể loại tiểu thuyết, dù số lượng không nhiều, đề tài không thực sự phong phú, nhưng một bức tranh kỳ vĩ, đa sắc màu được tạo dựng.

Ngoài ra, đáng chú ý là sự xuất hiện của thể lục bát trong các sáng tác của các tác giả là người DTTS ở Tây Nguyên (vốn quen sáng tác thơ tự do) như nhà thơ Hồ Chư, người Vân Kiều - đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy, thơ của các tác giả người DTTS Tây Nguyên đã “hòa nhịp” với thơ ca miền xuôi: “Tình yêu như lửa mới nhen/Đã nghe xao xuyến tiếng khèn tìm nhau/Chợ tình không có trầu cau/Lòng người nối nhịp qua bầu rượu thơm”.

Có thể thấy, những tìm tòi, sáng tạo của các văn nghệ sĩ người DTTS đã chứng tỏ bản lĩnh, tài năng, những đổi mới trong cách nghĩ, cách viết và tinh thần dân tộc trên hành trình hội nhập.