Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Chương trình 1719

“Văn hóa mặc” của các DTTS tỉnh Điện Biên

Quốc Lâm - 09:03, 03/12/2024

Được sự quan tâm của Đảng và Chính phủ, sau gần 40 năm đổi mới (1986 - 2024), các DTTS đã nêu cao truyền thống đoàn kết, quyết tâm xây dựng tỉnh Điện Biên phát triển và phồn vinh. Bên cạnh những thành tựu đạt được trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội thì văn hóa nói chung, “văn hóa mặc” của các DTTS nói riêng là một trong những hoạt động được quan tâm nhất...

Phụ nữ dân tộc Thái với nghề dệt thổ cẩm.
Phụ nữ dân tộc Thái với nghề dệt thổ cẩm

 Một trong những yếu tố quyết định để làm nên bản sắc văn hóa dân tộc, đó là trang phục - điều mà các nhà nghiên cứu gọi một cách giản dị và rất trúng là “văn hóa mặc”. Tại tỉnh Điện Biên, trong những năm qua đã diễn ra nhiều “Hội thi trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc tỉnh Điện Biên”, thu hút hàng trăm thí sinh thuộc các dân tộc: Thái (nhóm Thái đen và Thái trắng), Mông (Mông đỏ, Mông xanh và Mông trắng), Xinh Mun, Hà Nhì, Lự, Lào, Kháng... tham gia.

Đặc biệt, trong khuôn khổ Lễ hội Hoa ban hằng năm, cuộc thi “Người đẹp Hoa Ban” với phần trình diễn trang phục dân tộc của hàng trăm thí sinh đến từ 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng (Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Lào Cai, Phú Thọ và Hà Giang) đã phần nào thể hiện chủ trương, nỗ lực và khát vọng bảo tồn “văn hóa mặc” truyền thống các DTTS của các tỉnh trong vùng.

Các thí sinh đã đem đến hội thi những bộ trang phục độc đáo, phản ánh khá sinh động đời sống văn hóa, sinh hoạt và lao động sản xuất của dân tộc mình. Nhiều bộ trang phục với các họa tiết hoa văn mang biểu tượng của núi rừng, nương đồi, làng bản, chim muông, hoa lá... Cùng với tiếng nói (ngôn ngữ) và chữ viết (tự dạng), trang phục truyền thống chứa đựng những giá trị lịch sử, phản ánh nét văn hóa “hồn cốt” đặc trưng của mỗi dân tộc.

Thiếu nữ dân tộc Hà Nhì trong trang phục truyền thống.
Thiếu nữ dân tộc Hà Nhì trong trang phục truyền thống

Mới đây, chúng tôi có buổi làm việc với bà Chu Thùy Liên, dân tộc Hà Nhì, Chi Hội trưởng Chi hội Văn nghệ Dân gian tỉnh Điện Biên về vấn đề trang phục truyền thống của đồng bào các DTTS trong tỉnh, bà Liên cho biết: Hiện nay, trong cộng đồng 18 DTTS của tỉnh, một số dân tộc đã bị mai một trang phục truyền thống khá rõ. Một số nhóm dân tộc chỉ còn những người lớn tuổi là các bà, các mẹ, các chị giữ được 1 - 2 bộ trang phục truyền thống. Và trong một năm cũng chỉ dùng vài ba lần vào những dịp đặc biệt như: Lễ, Tết, cưới hỏi...

Bà Trịnh Thị Mai, Phó phòng Di sản Văn hóa Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch tỉnh Điện Biên, nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Điện Biên lý giải về nguyên nhân dẫn đến trang phục truyền thống của các DTTS có nguy cơ bị mai một là bởi đồng bào vẫn làm theo cách thủ công, tốn rất nhiều thời gian may, khâu, thêu... nên giá thành cao. Tuy nhiên, trang phục này lại bất tiện trong sinh hoạt đời thường, nhất là lúc lao động trên nương, dưới ruộng, vì chúng... lòa xòa, vướng víu. Ví dụ, với cái váy nhiều nếp gấp của phụ nữ dân tộc Mông đỏ hoặc cái áo của phụ nữ Dao đỏ với hai hàng quả bông chạy dài trước ngực, thường chỉ phù hợp trong những dịp lễ, Tết, hội hè, cưới xin... Còn để mặc khi đi lao động, sinh hoạt đời thường thì vướng víu không phù hợp.

Trang phục truyền thống nam giới của một số dân tộc cũng không còn (ngoại trừ trang phục của thầy cúng, thầy mo) hoặc vay mượn, bắt chước những chi tiết hoa văn, thậm chí bê nguyên xi trang phục truyền thống của dân tộc khác, nhóm, ngành khác.

Thiếu nữ dân tộc Lự với những chiếc mũ - khăn rất đặc trưng.
Thiếu nữ dân tộc Lự với những chiếc mũ - khăn rất đặc trưng

Nếu kể đến các DTTS trên địa bàn tỉnh Điện Biên còn gìn giữ được những bộ trang phục truyền thống thì trước hết phải kể đến dân tộc Hà Nhì, sau đó là dân tộc Mông, dân tộc Dao, dân tộc Thái... Tuy nhiên, ngay cả những dân tộc được “điểm danh” này, thì cũng không còn giữ được nhiều bộ trang phục nguyên vẹn 100% giá trị truyền thống”.

Bà Chu Thùy LiênChi Hội trưởng Chi hội Văn nghệ Dân gian tỉnh Điện Biên

Hiện nay, nhiều nơi bà con các dân tộc không mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình, một phần là do nghề dệt thổ cẩm truyền thống đã bị mai một. Bởi vậy, chúng ta cần nhiều hơn nữa những chính sách hiệu quả và đúng đắn để khuyến khích việc trồng, chế biến nguyên liệu truyền thống, để làm sao những bộ trang phục trở thành hàng hóa.

Trước yêu cầu bức thiết đặt ra trong công tác bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống các DTTS trong tỉnh, những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện Dự án 6 về “Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Theo đó, công tác sưu tầm, nghiên cứu, phát huy văn hóa truyền thống các DTTS được chú trọng hơn; công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ DTTS làm công tác văn hóa - thông tin ngày càng được quan tâm. Trong nỗ lực chung ấy, tin rằng, tiềm năng văn hóa nói chung và “văn hóa mặc” nói riêng của các DTTS tỉnh Điện Biên, không chỉ được bảo tồn mà còn được khai thác, phát huy, phổ biến một cách hiệu quả nhất, cụ thể và bền vững nhất...  

Tin cùng chuyên mục
Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận: Giám sát Chương trình MTQG 1719 tại các huyện Thuận Nam, Ninh Phước

Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận: Giám sát Chương trình MTQG 1719 tại các huyện Thuận Nam, Ninh Phước

Ngày 26/12, Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức Đoàn công tác đi kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2024 (Chương trình MTQG 1719) tại các huyện Thuận Nam và Ninh Phước. Đoàn công tác do ông Bạch Văn Dương, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận dẫn đầu. Cùng dự làm việc có đại diện các sở, ngành cấp tỉnh và lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã trên địa bàn 2 huyện.