Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Văn hóa dân tộc Dao: Tài nguyên quý giá để xứ Lạng phát triển du lịch

Ngọc Anh - 06:00, 12/01/2025

Lạng Sơn, vùng đất sinh sống của nhiều dân tộc với những phong tục tập quán đặc sắc. Trong đó, đồng bào dân tộc Dao có nhiều nét văn hóa độc đáo, riêng có, thể hiện qua trang phục, tín ngưỡng dân gian, phong tục tập quán, dân ca, dân vũ... Đây là nguồn tài nguyên quý giá góp phần phát triển du lịch xứ Lạng.

Người Dao lù đạng, xã Thiện Hoà, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn trao truyền nghề thêu truyền thống
Trao truyền nghề thêu truyền thống

Đặc sắc văn hóa dân tộc Dao xứ Lạng

Dân tộc Dao ở Lạng Sơn hiện nay chiếm khoảng 3,6% dân số toàn tỉnh, gồm 4 nhóm là Dao lù gang, Dao đỏ (Dao quế lâm), Dao thanh y và Dao lù đạng (Coóc Mần). Mỗi nhóm Dao có nét văn hóa độc đáo riêng thể hiện qua trang phục, tín ngưỡng dân gian, dân ca, dân vũ... tạo nên sự đa dạng cho di sản văn hóa Lạng Sơn.

Cũng như người Dao ở các tỉnh miền núi phía Bắc, người Dao ở Lạng Sơn có tục thờ cúng Bàn Vương. Trong các nghi lễ dân gian quan trọng của người Dao đều có bàn thờ cúng riêng để tạ ơn thần lúa gạo. Bên cạnh đó, các nhóm người Dao đều có điệu hát páo dung...

Mặc dù các nhóm người Dao có nhiều nét tương đồng trong phong tục, tập quán, tín ngưỡng, nhưng về trang phục lại có sự khác biệt. Trang phục của phụ nữ Dao lù gang ở Mẫu Sơn rất sặc sỡ với màu nổi bật là vàng, da cam. Phụ nữ mặc áo dài bốn thân, bổ túi trước ngực thành hai tà và phía sau một tà. Bên trong áo có yếm thêu hoa văn, gắn các ngôi sao bằng bạc và trang trí bằng hạt cườm kèm với thắt lưng màu trắng thêu hoa. Bên hông đeo dây xà tích bằng bạc. Đầu đội mũ hình mái nhà, quấn quanh mũ bằng dây hạt cườm đủ màu sắc.

Nhóm Dao thanh y ở huyện Đình Lập mặc trang phục truyền thống mang màu đen chủ đạo và gần như không có các họa tiết thêu ở phần thân áo. Tuy nhiên, việc kết hợp khéo léo giữa khăn, mũ, áo, yếm, váy, quần, xà cạp, đồ trang sức cũng tạo nên nét đặc sắc cho bộ trang phục.

Khác với người Dao thanh y, bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Dao đỏ được trang trí bằng nhiều hoa văn rực rỡ đẹp mắt với màu sắc cơ bản là chàm, đỏ, trắng. Điểm nhấn của bộ trang phục phụ nữ Dao đỏ là chiếc mũ đội đầu lớn và chuỗi quả bông len màu đỏ trên ngực áo.

Người Dao thanh y, xã Châu Sơn, huyện Đình Lập thêu thùa và làm phụ kiện trang trí trang phục truyền thống.
Người Dao thanh y, xã Châu Sơn, huyện Đình Lập thêu thùa và làm phụ kiện trang trí trang phục truyền thống

Trang phục người Dao lù đạng cũng có những đặc điểm rất riêng. Một bộ trang phục hoàn chỉnh của phụ nữ Dao lù đạng gồm: áo, yếm, thắt lưng, quần, xà cạp, khăn, mũ, cùng đồ trang sức bằng bạc... Đặc biệt, nhóm Dao lù đạng có khăn đội đầu với họa tiết trang trí sặc sỡ nhất với lớp vải đặc biệt, có đính nhiều miếng bạc trắng.

Ông Hoàng Văn Páo, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa tỉnh Lạng Sơn cho biết: Trang phục của phụ nữ dân tộc Dao chính là những tác phẩm nghệ thuật rực rỡ, tinh tế, chuyển tải quan niệm về vũ trụ, về nhân sinh của cộng đồng thông qua các hoa văn, họa tiết thêu, in trên đó. Những giá trị đó chính là nguồn “tài nguyên” văn hóa quý giá, góp phần phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh nếu biết cách khai thác.

Đánh thức tiềm năng

Nhận thấy giá trị của văn hóa dân tộc Dao đối với việc phát triển du lịch, những năm qua, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã có nhiều giải pháp thiết thực. Từ năm 2020 đến nay, Sở VHTT&DL phối hợp với UBND các huyện, thành phố thành lập 5 CLB bảo tồn bản sắc văn hóa người Dao tại các huyện Cao Lộc, Lộc Bình, Bình Gia, Bắc Sơn, Tràng Định, thu hút hàng trăm thành viên tham gia; tạo các sân chơi văn hóa cho người Dao trình diễn như: Tuần VHTT&DL, liên hoan dân ca, trình diễn trang phục truyền thống và hát dân ca các DTTS Việt Nam trên địa bàn tỉnh... Tuyên truyền, khuyến khích người Dao mặc trang phục truyền thống trong các dịp lễ, Tết, cưới hỏi...

Ngành Văn hóa tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về bảo tồn văn hóa dân tộc mình; tích cực sưu tầm, ghi hình tư liệu các loại hình di sản văn hóa phi vật thể (lễ hội, tập quán xã hội, nghệ thuật trình diễn dân gian, các làn điệu dân ca, trang phục truyền thống) của người Dao.

Ông Phan Văn HòaPhó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Lạng Sơn

Triển khai Kế hoạch 117/KH- UBND ngày 3/7/2019 của UBND tỉnh Lạng Sơn về thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các DTTS Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”, ngành VHTT&DL đã khảo sát về trang phục truyền thống của các nhóm người Dao; Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh xuất bản trên 500 cuốn sách ảnh giới thiệu về trang phục truyền thống các DTTS trên địa bàn tỉnh, trong đó có trang phục 4 nhóm người Dao của tỉnh Lạng Sơn.

Người dao lù gang, xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn vẫn duy trì nghề hái lá thuốc truyền thống.
Người Dao lù gang, xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn vẫn duy trì nghề hái lá thuốc truyền thống

Cùng với đó, ngành VHTT&DL đã triển khai một số dự án bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa người Dao gắn với phát triển du lịch như: Dự án phát triển du lịch cộng đồng tại thôn Lũng SLàng, xã Tri Phương, huyện Tràng Định; phát triển du lịch sinh thái cộng đồng tại thôn Lân, xã Thiện Hòa, huyện Bình Gia và thôn Lân Châu, xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng; nghiên cứu, bảo tồn Lễ Cấp sắc người Dao lô gang, xã Công Sơn, huyện Mẫu Sơn; bảo tồn nghề thêu truyền thống của người Dao thanh y, xã Châu Sơn, huyện Đình Lập... Trung bình mỗi năm, các làng du lịch cộng đồng người Dao thu hút bình quân khoảng 1.000 du khách.

Ông Ma Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND xã Thiện Hòa, huyện Bình Gia cho biết: Trên địa bàn xã hiện nay có gần 10 hộ gia đình người Dao mở dịch vụ homestay. Bà con có ý thức lưu giữ những bộ trang phục truyền thống để phục vụ du khách chụp ảnh, trải nghiệm. Một số bài thuốc truyền thống cũng được gìn giữ để phục vụ khách du lịch khi có nhu cầu.

Tin cùng chuyên mục
Sóc Trăng: Huyện có 100% xã đặc biệt khó khăn về đích nông thôn mới

Sóc Trăng: Huyện có 100% xã đặc biệt khó khăn về đích nông thôn mới

Ngày 31/12, tại huyện Châu Thành, UBND tỉnh Sóc Trăng long trọng tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và đón nhận Bằng công nhận huyện Châu Thành (Sóc Trăng) đạt Chuẩn Nông thôn mới. Đến dự có ông Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; bà Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; cùng các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh, Mẹ Việt Nam Anh hùng và đông đảo đồng bào trên địa bàn huyện Châu Thành đến tham dự.