Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Vai trò của cộng đồng trong phòng chống, khắc phục thiên tai: Nhân rộng những mô hình hiệu quả (Bài 1)

Nhóm PV-CĐ - 19:03, 04/10/2021

Cộng đồng có vai trò quan trọng trong việc phòng chống thiên tai và đối phó, giảm thiểu thiên tai. Bởi không ai hiểu được, thiên tai xung quanh như chính người dân và cộng đồng khu vực đó. Và cũng chính họ mới xác định được, giải pháp nào để đối với thiên tai xung quanh họ một cách nhanh chóng và phù hợp nhất.

Hội Chữ thập đỏ tỉnh Sơn La hỗ trợ gạo cho học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS xã Nà Ớt, huyện Mai Sơn.
Hội Chữ thập đỏ tỉnh Sơn La hỗ trợ gạo cho học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS xã Nà Ớt, huyện Mai Sơn.

Mô hình cần được nhân rộng

Một trong những mô hình phòng chống thiên tai (PCTT),  dựa vào cộng đồng hiệu quả rất cần được nhân rộng, là Dự án “Quản lý rủi ro thảm họa dựa vào cộng đồng có lồng ghép giới tại các tỉnh Tây Bắc Việt Nam” do Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) Pháp, Hội CTĐ Mỹ tài trợ. Dự án được triển khai tại tỉnh Sơn La, trực tiếp thực hiện tại các xã: Chiềng La, Chiềng Ngàm, Bản Lầm (Thuận Châu); Chiềng Lao, Chiềng San (Mường La) và phường Chiềng Lề (Thành phố). Với mục tiêu tăng cường năng lực của người dân vùng DTTS dễ bị tổn thương, và các đối tác địa phương nhằm giảm thiểu rủi ro, và ứng phó thảm họa thông qua phương pháp tiếp cận có sự tham gia, có thể nhân rộng và nhạy cảm giới.

Trong 3 năm (2016 – 2018), Dự án đã triển khai đồng bộ đúng tiến độ và có hiệu quả với các hoạt động như, mở các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ hội, tập trung vào các nội dung cơ bản: Đào tạo tập huấn viên quản lý rủi ro thảm họa dựa vào cộng đồng; đội ứng phó thảm họa cấp tỉnh; sơ cấp cứu ban đầu; quản lý dự án, giới; ứng phó khẩn cấp; tuyên truyền viên truyền thông về giảm thiểu rủi ro thảm họa; Qua đó, đã trang bị cho người dân và học sinh kiến thức về phòng ngừa, ứng phó với thiên tai thảm họa. 

Bên cạnh đó, là hoạt động diễn tập ứng phó với thảm họa lũ lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, cháy rừng được triển khai tại 6 xã thuộc dự án, đây là hoạt động nhằm giúp các xã chủ động về khả năng ứng phó của địa phương với thảm họa.

Đặc biệt, trong 3 năm thực hiện, Dự án đã chú trọng đến hoạt động đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương, tại đô thị và đánh giá rủi ro thiên tai dựa vào cộng tại 6 xã, phường, thu hút 1.652 người dân tham gia vào các hoạt động đánh giá; trong đó, tỷ lệ nữ tham gia trên 36%. Kết quả cao nhất của hoạt động này là, góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ và người dân về thiên tai thảm họa, từ đó xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai tại địa phương.

Với cách làm tập trung nâng cao tuyên truyền, Dự án đã góp phần nâng cao kiến thức cho cán bộ và Nhân dân phòng, chống thiên tai, tạo điều kiện cho các xã, các trường có đủ trang thiết bị để phục vụ khi bão, lũ xảy ra. Theo đánh giá, hiện các địa phương thụ hưởng Dự án đã chủ động lập kế hoạch phương án phòng chống lụt bão cụ thể, rõ ràng.

Phát huy sức mạnh cộng đồng

Ngoài mô hình trên, tại xã Phương Mỹ được xem là “rốn lũ’ của huyện miền núi Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Mỗi mùa mưa lũ đến, Phương Mỹ là địa phương chịu nhiều thiệt hại nhất, do địa hình thấp trũng, nơi hứng chịu trực tiếp nguồn nước lũ của nhiều con sông đổ về.

Ở Phương Mỹ, thuyền là phương tiện không thể thiếu của mỗi gia đình.
Ở Phương Mỹ, thuyền là phương tiện không thể thiếu của mỗi gia đình.

Chính trong hoàn cảnh khắc nghiệt ấy, sức mạnh cộng đồng đã trỗi dậy, chống lại sự tàn phá của thiên nhiên. Dù thường xuyên bị thiên tai tàn phá nặng nề, nhưng hàng chục năm qua, ở Phương Mỹ không có thiệt hại về người, và hạn chế tối đa thiệt hại về tài sản nhờ vào sức mạnh của cộng đồng.

Với phương châm: “chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả”, ngay từ đầu năm, Phương Mỹ chủ động triển khai phương án “4 tại chỗ”, trong đó huy động tối đa sức mạnh từ Nhân dân. 

Xác định, nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, là vấn đề quan trọng nhất, bởi trong bão lũ, nếu người dân không chủ động ứng phó, mà chỉ trông chờ vào chính quyền là rất khó. Do đó, phương châm “4 tại chỗ” được triển khai ngay từ mỗi gia đình. 

Nếu trước đây, khái niệm phòng chống bão lụt với người dân còn mơ hồ, thì nay thông qua các đề án phòng chống bão lụt, bà con được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng, vật dụng căn bản, ứng phó khi thiên tai ập đến bất thường.

Đặc biệt, ở Phương Mỹ, phương án ứng phó với lụt bão, đã được người dân địa phương nâng lên mức chuyên môn hóa. Trước khi lũ đến, người già, trẻ em và phụ nữ có thai được đưa đi sơ tán; lực lượng ở lại tạo thành một mối liên kết chặt chẽ để chống chọi với lũ. Người dân giúp nhau giằng néo nhà cửa, cùng nhau bảo vệ tính mạng và tài sản…

Bên cạnh đó, công tác khắc phục hậu quả sau bão như: vệ sinh môi trường, tiêu độc, khử trùng; phòng chống dịch bệnh; chăm sóc y tế; xử lí nguồn nước sạch; gia cố lại nhà cửa…,đều có sự đồng hành giữa chính quyền và Nhân dân nhằm sớm ổn định cuộc sống.

Để hạn chế sự cố xảy ra, thay vì sơ tán tập trung, việc sơ tán người dân được tiến hành theo hình thức xen dặm, nhằm đảm bảo an ninh trật tự, hậu cần cũng như vệ sinh môi trường, dịch bệnh… Xã có hệ thống loa truyền thông không dây, máy phát điện phục vụ bà con sạc đèn pin, điện thoại, đảm bảo liên lạc, thông tin kịp thời. Hệ thống loa phát thanh, còi hú báo động hoạt động tối đa, giúp Nhân dân nâng cao cảnh giác

Tương tự xã Phương Mỹ của huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh), xã Phước Quang của huyện Tuy Phước (Bình Định), cũng là địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai. Nhưng từ nhiều năm nay, xã Phước Quang không bị thiệt hại về người, thiệt hại về tài sản cũng được giảm thiểu, nhờ phát huy vai trò của cộng đồng trong phòng chống thiên tai (PCTT).

Thanh niên xã Phước Quang tham gia diễn tập cứu nạn PCTT
Thanh niên xã Phước Quang tham gia diễn tập cứu nạn PCTT

Theo tìm hiểu, trước khi bước vào mùa mưa bão, những buổi diễn tập chằng chống nhà cửa, của lực lượng thanh niên xung kích xã Phước Quang được thực hiện thường xuyên. Không chỉ diễn tập chằng chống nhà cửa trước khi bão, mà các thành viên còn được thực hành diễn tập sơ cứu người bị thương do bão làm sập nhà.

Đồng thời, địa phương đã lắp dựng hàng trăm biển báo nguy hiểm tại các đoạn đường ngập nước, hàng chục tấm panô tuyên truyền PCTT. Nếu trước kia người dân ở từng thôn, xóm thường bị động khi thiên tai bão lũ xảy ra; thì giờ đây, thông qua việc theo dõi dự báo thời tiết trong mùa mưa bão kịp thời, bà con có thể dự lường khả năng những vùng dễ bị tổn thương, từ đó chủ động đề ra kế hoạch ứng phó phù hợp nhất.

Bằng việc triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình “Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng”, đã góp phần nâng cao nhận thức và hành động cho người dân ở xã Phước Quang thường bị thiên tai.

 Giờ đây, khi đã vào mùa bão lũ, những bài học kinh nghiệm, kiến thức và kỹ năng đã được trang bị cần được phát huy tối đa nhằm giảm thiểu rủi ro, ngăn ngừa tới mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Tin cùng chuyên mục
Sóc Trăng: Người có uy tín góp sức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới

Sóc Trăng: Người có uy tín góp sức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới

Những năm qua, Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn khu vực biên giới biển của tỉnh Sóc Trăng luôn phát huy vai trò của mình trong các hoạt động tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới. Đồng thời, họ còn là những “cột mốc sống” mẫu mực chung tay xây dựng, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.