Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Ưu tiên nguồn lực phát triển bền vững vùng đồng bào Khmer

Hạnh Nguyên - 20:38, 30/11/2021

Cùng với việc triển khai các chương trình hành động, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đảng bộ của tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh Trà Vinh đang chuẩn bị tốt các điều kiện, trong đó ưu tiên nguồn lực để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế -xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021- 2030. Phóng viên báo Dân tộc và Phát triển đã có cuộc trao đổi với ông Kim Ngọc Thái, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Trà Vinh xung quanh một số nội dung triển khai Chương trình MTQG phát triển bền vững vùng đồng bào Khmer trên địa bàn.

Ông Kim Ngọc Thái - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trà Vinh
Ông Kim Ngọc Thái - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trà Vinh

Ông có thể thông tin khái quát về đời sống của đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh những năm gần đây?

Trà Vinh là tỉnh có đồng bào dân tộc Khmer sinh sống cao nhất nước, chiếm gần 32% dân số tỉnh (trên 320.000 người). Hầu hết đồng bào Khmer có tín ngưỡng Phật giáo Nam tông, trên địa bàn tỉnh có 143 chùa Khmer, với 3.255 vị sư. Giai đoạn vừa qua, cùng với việc triển khai các chương trình, dự án chính sách dân tộc, đặc biệt là, việc triển khai, cụ thể hoá Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 10/1/2018 của Ban Bí thư về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới, đã thúc đẩy sự phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer của tỉnh. 

Dấu ấn nổi bật nhất là, có nhiều xã đông đồng bào DTTS, xã khó đặt biệt khó khăn, thuộc Chương trình 135 đã đạt chuẩn NTM. Tiểu biểu như xã Đa Lộc là đặc biệt khó khăn nhất của huyện Châu Thành cũng vừa được công nhận xã NTM. Giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào Khmer giảm 19,9%, đạt mức bình quân 4%/năm. Hiện nay, hộ đồng bào Khmer nghèo chiếm hơn 3%; hộ Khmer cận nghèo còn 5,94 % so tổng số hộ Khmer của tỉnh, với đà giảm nghèo này, toàn tỉnh Trà Vinh sẽ về đích NTM trước năm 2025.

Ông có đánh giá thế nào về các chính sách dân tộc và công tác dân tộc đã triển khai trong vùng đồng bào Khmer?

Với đặc thù về thổ nhưỡng, khí hậu, nhất là điều kiện môi trường sống của đồng bào thường đối mặt với sạt lở, ngập úng, xâm nhập mặn thường xuyên xảy ra; mặt bằng dân trí không đồng đều..., nếu không có sự quan tâm đầu tư từ chính sách dân tộc, đồng bào DTTS Khmer sẽ khó phát triển. 

Tuy nhiên, nhìn từ thực tế, bên cạnh những kết quả, việc thực hiện các chương trình, dự án chính sách dân tộc cũng đang bộc lộ một số hạn chế nhất định. Nhất là các mô hình sinh kế bền vững cho người dân. Thời gian qua, việc tổ chức lại sản xuất, chuyển đổi cây trồng vật nuôi trong vùng đồng bào DTTS hiệu quả chưa cao, đây là lý do tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo vùng đồng bào DTTS còn cao so với bình quân dân số của tỉnh.

Một vấn đề khó khăn khác là, hai năm gần đây, dịch bệnh Covid -19 đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, thu nhập của người dân, trong đó không ít đồng bào đi làm công nhân ngoài tỉnh bị mất việc làm, hồi hương rất đông nên tỷ lệ lao động thất nghiệp đang gia tăng, nguy cơ các hộ đồng bào tái nghèo rất cao.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, thời tiết khắc nghiệt đã làm cho cây trồng bị sâu bệnh, vật nuôi bị ảnh hưởng, trong đó có con bò, là vật nuôi phổ biến của đồng bào Khmer trong năm qua, bị bệnh viêm da nổi cục chết với số lượng nhiều làm thiệt hại kinh tế khá lớn cho đồng bào.

Một vấn đề hạn chế rất quan trọng khác là, đội ngũ cán bộ người DTTS mặc dù có quan tâm đào tạo, quy hoạch, nhưng số lượng còn ít chưa đủ đáp ứng được yêu cầu sắp xếp cán bộ chủ chốt trong vùng đồng bào DTTS…

Bản sắc văn hóa, các lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer được giữ gìn và phát huy. (Trong ảnh: Lễ cúng trăng của đồng bào Khmer ở huyện Châu Thành)
Bản sắc văn hóa, các lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer được giữ gìn và phát huy. (Trong ảnh: Lễ cúng trăng của đồng bào Khmer ở huyện Châu Thành)

Được biết, để phát triển bền vững vùng đồng bào Khmer, tỉnh Trà Vinh đang chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai Chương trình MTQG. Dự án nào sẽ được tỉnh ưu tiên đầu tư trong giai đoạn I, thưa ông?

Các dự án thuộc Chương trình MTQG sẽ được triển khai đồng loạt theo từng lĩnh vực. Tuy nhiên, như đã đề cập, điều kiện môi trường sống của đồng bào Khmer trong khu vực, bức xúc nhất là tình trạng biến đổi khí hậu luôn diễn biến phức tạp, cùng với khó khăn biến động thực tế sau dịch bệnh Covid - 19 nên khi có nguồn kinh phí, chúng tôi sẽ ưu tiên triển khai Dự án 1 và Dự án 2 sớm và nhanh (Dự án 1 về Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sán xuất, nước sinh hoạt; Dự án 2 về Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết - PV). 

Kỳ vọng của tỉnh, sau khi 2 dự án này hoàn thành đưa vào sử dụng, sẽ giải quyết cơ bản về đất ở, nhà ở và đất sản xuất. Riêng Dự án 2 về quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư ở những nơi cần thiết, sẽ bố trí kịp thời chỗ ở cho số hộ đồng bào đang sống ven biển, bị sạt lở do tác động của biến đổi khí hậu. Dự án tiếp theo được quan tâm và sớm triển khai là Phát triển giáo dục, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực (thuộc Dự án 5). Bởi Tỉnh uỷ Trà Vinh xác định, trong hệ thống chính trị, nguồn nhân lực chất lượng sẽ tham mưu được cho lãnh đạo chiến lược, kế hoạch, giải pháp xây dựng và phát triển toàn diện, có như vậy mới đáp ứng được nguồn nhân lực đang thiếu hụt.

Giải pháp của tỉnh để nâng cao hiệu lực, hiệu quả Chương trình MTQG như thế nào, thưa ông?

Phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh là chủ trương lớn xuyên suốt qua nhiều nhiệm kỳ của Đảng bộ tỉnh. Sau khi Chương trình MTQG được phê duyệt, mới đây, ngày 08/10/2021, Tỉnh ủy Trà Vinh đã thông qua Nghị quyết 06-NQ/TU cụ thể hóa các nghị quyết của Trung ương về công tác trong vùng đồng bào dân tộc.

Nghị quyết đề ra nhiệm vụ, với mục tiêu cụ thể như, tiếp tục thực hiện tốt chính sách, bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Ttrong đó chú ý việc xây dựng và thực hiện tốt chính sách đoàn kết các dân tộc; tập trung phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân vùng đồng bào dân tộc Khmer sinh sống; giải quyết tốt các vấn đề bức xúc trên lĩnh vực văn hóa, xã hội; nâng cao dân trí; giữ gìn và phát huybản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc Khmer, góp phần giữ vững quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở trong vùng đồng bào dân tộcKhmer trong sạch, vững mạnh. 

Chúng tôi kỳ vọng, việc triển khai hiệu quả Chương trình MTQG sẽ giải quyết được những vấn đề cốt lõi, bức xúc, bảo đảm các điều kiện cần thiết để đồng bào phát triển một cách toàn diện.

Trân trọng cảm ơn ông!