Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Tuyên truyền pháp luật bằng tiếng DTTS: Thiếu về lượng, yếu về chất (Bài 1)

Khánh Thư - 07:19, 01/11/2022

Đại bộ phận người dân ở vùng đồng bào DTTS và miền núi hiện có nhu cầu rất lớn trong tiếp cận chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; nhất là trong giai đoạn các địa phương đồng thời thời triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia, với những cơ chế, chính sách mới. Để công tác tuyên truyền, vận động đạt hiệu quả cao thì việc tăng cường sử dụng đội ngũ tuyên truyền viên, báo cáo viên là người DTTS, hoặc biết tiếng DTTS được xem là giải pháp hiệu quả.

Một góc xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng.
Một góc xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng.

Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên là người DTTS, hoặc biết tiếng DTTS có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác tuyên truyền, vận động và phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Tuy nhiên, lực lượng này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, cả về số lượng lẫn chất lượng.

Hiệu quả tuyên truyền bằng ngôn ngữ đồng bào

Cách đây 10 năm, xã Đồng Nai Thượng (Cát Tiên, Lâm Đồng) được ví như “ốc đảo” giữa vùng lõi Vườn quốc gia Cát Tiên. Bởi thế, một thời gian dài, các chính sách, pháp luật của Nhà nước gần như không thể đến Đồng Nai Thượng được một cách đầy đủ. Hệ lụy là, tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật, nhất là vi phạm lâm luật diễn ra nhức nhối; cùng với đó là nhiều hủ tục tồn tại dai dẳng.

Nhưng Đồng Nai Thượng nay đã khác, “về đích” nông thôn mới năm 2020. Tại thời điểm “về đích”, thu nhập bình quân của xã đạt trên 40 triệu đồng/người/năm; xã có 415 hộ dân thì hiện còn 17 hộ nghèo.

Quan trọng hơn, theo bà Điểu Thị Prợt, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Nai Thượng, thay đổi lớn nhất của xã là nhận thức của người dân đã được nâng lên một cách rõ rệt. Tình trạng đốt nương làm rẫy không còn; những đồi lúa rẫy năm xưa nay đã được thay bằng các loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao. Toàn xã hiện có hơn 1.000 ha trồng điều, cao su, cà phê và cây ăn quả.

Cùng với đó, nhận thức về các vấn đề xã hội của bà con ở Đồng Nai Thượng cũng được mở mang, các hủ tục được xóa bỏ; tất cả công tác vận động theo chính sách, pháp luật của Nhà nước, đều được bà con Nhân dân ủng hộ. “Cầu nối” quan trọng để chính sách, pháp luật của Nhà nước “neo” được giữa rừng Đồng Nai Thượng là vai trò của đội ngũ già làng, Người có uy tín – những tuyên truyền viên pháp luật tích cực là người DTTS.

Đời sống của bà con ở Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng được nâng lên, văn hóa truyền thống được bảo tồn, các hủ tục được xóa bỏ. (Lễ hội truyền thống đồng bào Mạ ở xã Đồng Nai Thượng - Ảnh: TL)
Đời sống của bà con ở Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng được nâng lên, văn hóa truyền thống được bảo tồn, các hủ tục được xóa bỏ. (Lễ hội truyền thống đồng bào Mạ ở xã Đồng Nai Thượng - Ảnh: TL)

Già làng – Nghệ nhân ưu tú Điểu K’Lộc, dân tộc Mạ, ở thôn Bù Gia Rá, là một điển hình. Đã bước qua tuổi 69, gắn bó cả đời người với Đồng Nai Thượng, ông biết từng nóc nhà, hiểu từng con người ở trong thôn; hơn nữa khi tuyên truyền bằng ngôn ngữ của dân tộc mình nên bà con nghe, hiểu rõ ràng, việc vận dụng vào thực tiễn cũng nhờ đó mà hiệu quả hơn.

“Ví dụ như tuyên truyền, vận động bà con hiến đất làm đường giao thông thì phải thuyết phục là Nhà nước làm đường để giúp người dân phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn của thôn, của xã. Hiểu ra thì khi làm đường, nếu đất nhà nào vướng vào đường giao thông thì bà con sẵn sàng hiến đất”, già làng Điểu K’Lộc chia sẻ.

Già làng – Nghệ nhân ưu tú Điểu K’Lộc là một trong hàng chục nghìn tuyên truyền viên ở vùng đồng bào DTTS và miền núi đã và đang tích cực “cõng” chính sách, pháp luật bằng ngôn ngữ của đồng bào về vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới. Không chỉ là những tuyên truyền viên, báo cáo viên tích cực mà họ còn là những hòa giải viên rất hiệu quả ở cơ sở.

Già làng – Nghệ nhân ưu tú Điểu K’Lộc là một trong hàng chục nghìn tuyên truyền viên ở vùng đồng bào DTTS và miền núi đã và đang tích cực “cõng luật” bằng ngôn ngữ của đồng bào về vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới. (Ảnh: TL)
Già làng – Nghệ nhân ưu tú Điểu K’Lộc là một trong hàng chục nghìn tuyên truyền viên ở vùng đồng bào DTTS và miền núi đã và đang tích cực “cõng luật” bằng ngôn ngữ của đồng bào về vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới. (Ảnh: TL)

Như tại huyện Cát Tiên (Lâm Đồng), theo báo cáo của Hội đồng PBGDPL huyện, tỷ lệ hoà giải thành công năm sau luôn cao hơn năm trước. Cụ thể, năm 2019, tỷ lệ hoà giải thành công chiếm 88,75%, năm 2020 đạt 85,93%, năm 2021 đạt 90,58% và 6 tháng đầu năm 2022 đạt 90,63%. Một trong những nguyên nhân của thành công, như cách nói của già làng Điểu K’Lộc là “mình nói với bà con bằng tiếng của dân tộc mình, bà con nghe và hiểu nhiều hơn”.

Chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Vai trò của đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật là người DTTS hoặc biết tiếng DTTS đã được khẳng định. Nhưng thực tế cho thấy, lực lượng này hiện vẫn rất mỏng so với yêu cầu thực tiễn.

Số liệu được đưa ra tại buổi làm việc giữa Vụ Pháp chế (Ủy ban Dân tộc) với Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) ngày 2/6/2022 cho thấy, hiện các địa phương có 1.137 báo cáo viên cấp tỉnh, 1.752 báo cáo viên cấp huyện và 13.115 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã là người DTTS hoặc biết tiếng DTTS. Vị chi, nếu chia bình quân thì mỗi xã vùng DTTS và miền núi chỉ có khoảng 4 tuyên truyền viên là người DTTS hoặc biết tiếng DTTS; cấp huyện cũng chỉ có khoảng 4 người, còn cấp tỉnh có khoảng 22 người.

Trong khi đó, giai đoạn 2021 – 2025, theo Quyết định 861/QĐ-TTg, vùng đồng bào DTTS và miền núi bao gồm 3.434 xã thuộc 51 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; trong đó có 1.673 xã khu vực I, 210 xã khu vực II và 1.551 xã khu vực III. Đây là địa bàn chiến lược về quốc phòng – an ninh; là nơi sinh sống của hơn 14 triệu đồng bào DTTS, đồng thời cũng là vùng “lõi nghèo” của cả nước.

Theo đánh giá của Ủy ban Dân tộc, tình hình an ninh chính trị, trật tư an toàn xã hội trên địa bàn DTTS cơ bản ổn định; tuy nhiên vẫn tiềm ẩn yếu tố phức tạp. Đặc biệt, tình trạng mua bán, tàng trữ, vận chuyển và sử dụng trái phép chất ma túy; mua bán người, đi lại trái phép qua biên giới; vi pháp lâm luật,… ở một số địa phương vùng DTTS vẫn còn xảy ra và diễn biến phức tạp. Đơn cử tại huyện Cát Tiên (Lâm Đồng), trong 9 tháng năm 2022, trên địa bàn huyện xảy ra 11 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, tăng 2 vụ so với cùng kỳ năm 2021, tương đương tăng 18,18% số vụ vi phạm.

Người dân vùng sâu, vùng xa có nhu cầu rất lớn trong tiếp cận chính sách, pháp luật. (Trong ảnh: Một góc thôn Làng Le, xã Mo Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum)
Người dân vùng sâu, vùng xa có nhu cầu rất lớn trong tiếp cận chính sách, pháp luật. (Trong ảnh: Một góc thôn Làng Le, xã Mo Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum)

Bên cạnh thiếu về số lượng, đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật hiện còn thiếu kỹ năng, nghiệp vụ, hiểu biết về văn hóa, tập quán, lối sống của đồng bào các DTTS. Trong báo cáo tổng kết Đề án “Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017 - 2021” theo Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 8/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp đánh giá, hình thức PBGDPL cho đồng bào còn nghèo nàn, chưa phong phú, hấp dẫn, chưa phù hợp từng loại đối tượng, đặc biệt chưa tận dụng được công nghệ internet để lan tỏa các kiến thức cho người dân; cơ chế, chính sách đãi ngộ vẫn còn bất cập…

Đây là những vướng mắc cần tháo gỡ để phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật là người DTTS hoặc biết tiếng DTTS. Bởi, trong giai đoạn tới, người dân ở vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới cần nắm rõ các chương trình, dự án sẽ triển khai; nhất là Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, từ đó chủ động tham gia.

Theo Báo cáo số 732/BC-UBDT ngày 10/6/2021 của Ủy ban Dân tộc về Tổng kết Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020, các địa phương đã chú trọng thực hiện chính sách đối với Người có uy tín trong đồng bào DTTS theo các Quyết định: 18/2011/QĐ-TTg, 56/2013/QĐ-TTg, 2561/QĐ-TTg và 12/2018/QĐ-TTg. Hằng năm đã tổ chức hội nghị phổ biến, cung cấp thông tin, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, tổ chức thăm hỏi, tặng quà, thăm quan, giao lưu học tập kinh nghiệm cho hơn 34 nghìn Người có uy tín; phát huy vai trò của Người có uy tín trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh, trật tự, bảo vệ đường biên mốc giới quốc gia.