Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Tuyên Quang: Rộn ràng Lễ hội Lồng tông

NA - 13:23, 29/01/2023

Lễ hội Lồng tông của đồng bào dân tộc Tày tỉnh Tuyên Quang được tổ chức với mong ước cầu cho quốc thái dân an, nhà nhà yên vui hạnh phúc; mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu.

Nghi thức xuống đồng cày ruộng tại Lễ hội.
Nghi thức xuống đồng cày ruộng tại Lễ hội.

Ngày 29/1, trong không khí vui Xuân, chào đón năm mới Quý Mão 2023, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức Lễ hội Lồng tông - Ngày hội xuống đồng. Đây là lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Tày.

Sau 3 năm tạm dừng tổ chức do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Lễ hội năm nay đã thu hút hàng nghìn người dân và du khách tới tham dự.

Lễ hội Lồng tông của đồng bào dân tộc Tày tỉnh Tuyên Quang được tổ chức vào mồng 8/1 Âm lịch hằng năm với mong ước cầu cho quốc thái dân an, nhà nhà yên vui hạnh phúc; mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu.

Lễ hội có 2 phần gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ bắt đầu bằng việc rước 9 mâm Tồng từ đền Bách Thần (thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Chiêm Hóa) về trung tâm sân vận động của huyện Chiêm Hóa, với màn múa lân (múa "xuống đồng") của những trai thanh, nữ tú.

Tuyen Quang: Hang nghin nguoi dan, du khach no nuc du Le hoi Long Tong hinh anh 2Nghi lễ rước 9 mâm Tồng. (Ảnh: TTXVN)

Các mâm tồng là các sản vật của địa phương để dâng tạ ơn các vị thần đã phù hộ cho nhân dân địa phương có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Sau đó, Thầy Cả (người cúng chính của buổi lễ) và các thầy giúp việc làm lễ đặt mâm Tồng, tạ ơn trời đất, cầu sự ấm no, hạnh phúc cho mọi nhà. Cuối phần lễ là nghi lễ xuống đồng (cày ruộng) với mong muốn đường cày may mắn đầu năm sẽ mang lại dân khang, vật thịnh, mùa màng bội thu...

Ông Vũ Văn Vìn, thầy cúng tại Lễ hội Lồng tông, cho biết ngày xưa, trong các nghi thức tổ chức lễ hội Lồng tông ở quy mô cấp châu (đơn vị hành chính ở miền núi tương đương với huyện) và tất cả các công đoạn từ việc cúng bái đến các nghi thức của lễ hội đều do Tri châu (người đứng đầu một châu) chỉ đạo, thực hiện. Ngày hôm nay là ngày mở đầu để xuống đồng trồng cấy, buôn bán, công thương, là khởi hành đầu tiên. Lễ tế trời xin được mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, dân giàu, nước mạnh. Lễ hội của Chiêm Hóa khác với các lễ hội các nơi là có lễ tế thần nông và lễ rước thần thánh về chứng kiến cho lễ hội.

Tuyen Quang: Hang nghin nguoi dan, du khach no nuc du Le hoi Long Tong hinh anh 3Nghi lễ tạ ơn trời đất tại Lễ hội Lồng tông. (Ảnh:TTXVN)

Sau phần lễ là đến phần hội với các trò chơi dân gian như: Tung còn, kéo co và các hoạt động văn hóa, thể thao; trưng bày không gian văn hóa các dân tộc, trưng bày quả còn khổng lồ; hội thi làm bánh giầy ngũ sắc… tạo không khí vui tươi nhân dịp Xuân mới giữa các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Tại Lễ hội Lồng tông, huyện Chiêm Hóa tổ chức các gian hàng để giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp, văn hóa, ẩm thực và du lịch. Huyện cũng xác định xây dựng Lễ hội Lồng Tông trở thành thương hiệu và là điểm đến của du khách gần xa gắn với phát triển du lịch văn hóa dân gian trên địa bàn.

Tuyen Quang: Hang nghin nguoi dan, du khach no nuc du Le hoi Long Tong hinh anh 4Các Đại biểu tham gia tung còn tại lễ hội. (Ảnh: TTXVN)

Đồng bào dân tộc Tày tỉnh Tuyên Quang có hơn 215 nghìn người, chiếm 26,9% dân số. Lễ hội Lồng Tông là loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian, cầu mùa của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước, thể hiện tín ngưỡng phồn thực cổ xưa và kết hợp với thờ Thành hoàng làng, Địa thần, những người có công với đất nước, khai lập làng...

Lồng Tông cũng là lễ hội tiêu biểu của người Tày tỉnh Tuyên Quang và đã được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và trở thành sản phẩm du lịch đặc thù trong mỗi dịp Tết đến, Xuân về.