Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Tuyên Quang: Nông dân gia tăng thu nhập nhờ trồng các giống lúa chất lượng cao

Hà Anh - 14:25, 22/05/2021

Trong kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh Tuyên Quang tập trung đưa các giống lúa chất lượng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của toàn dân trong mọi tình huống, đồng thời gia tăng giá trị sản phẩm để người nông dân có thu nhập từ sản xuất lúa gạo.

Mô hình giống lúa mới HDT10 tại huyện Sơn Dương vụ xuân 2021
Mô hình giống lúa mới HDT10 tại huyện Sơn Dương vụ xuân 2021

Vụ mùa năm nay, nhiều gia đình nông dân xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) thắng lớn, lúa được mùa, được giá. Bà Vũ Thị Bình, thôn Cầu Cả phấn khởi cho biết, gia đình bà gieo cấy giống lúa mới VNR20, lúa cứng cây, chống chịu bệnh, hạt tốt nên giảm được chi phí về thuốc bảo vệ thực vật. 

Theo bà Bình, lúa VNR 20 là lúa chất lượng, song năng suất tương đương với nhiều giống lúa thuần khác. Gia đình bà vừa thu hoạch 1 bung lúa (tương đương gần 3 sào) thu gần 8 tạ thóc, điều mừng hơn là thóc thu hoạch về thương lái đặt hàng ngay, giá 10 nghìn đồng/1 kg, cao hơn lúa thường 2 - 3 nghìn đồng.

Bà Nguyễn Thị Kim, Phó Giám đốc Trung tâm khuyến nông tỉnh cho biết, qua theo dõi và hoạch toán kinh tế cho thấy, các giống lúa chất lượng mang lại thu nhập đáng kể cho người nông dân. Điển hình như, giống lúa chất lượng VNR20 cho thu nhập 2.200.000 đồng/sào, sau khi trừ chi phí còn lãi hơn 950 nghìn đồng/sào (tương đương 26 triệu đồng/ha). Hay giống lúa J02, Bắc thơm số 7 cũng mang lại giá trị kinh tế tương đương.

Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang, diện tích lúa chất lượng cao như: VR20, HT1, J02, Bắc thơm số 7, Đài thơm 8, Bắc hương 9 và một số giống lúa nếp... được bà con gieo cấy đang có xu hướng gia tăng.

Ngay từ đầu năm 2021, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố lựa chọn những giống lúa có năng suất, chất lượng cao bổ sung vào cơ cấu giống. Từ đó, triển khai thực hiện nhiều mô hình giống lúa mới để thực hiện mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng và an ninh lương thực của tỉnh.

Vụ xuân năm 2021, toàn tỉnh có 5.370 ha lúa chất lượng, đến vụ mùa con số này đã tăng lên 6.100 ha, tăng 1.000 ha so với năm 2020. Đây là tín hiệu rất đáng mừng, bởi ngoài mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực, đã góp phần gia tăng giá trị sản phẩm lúa gạo của tỉnh.

Người dân thôn Làng Mòi, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) gieo cấy lúa VNR20 chất lượng cho năng suất, giá trị cao
Người dân thôn Làng Mòi, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) gieo cấy lúa VNR20 chất lượng cho năng suất, giá trị cao

Để bám sát đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hệ thống khuyến nông Tuyên Quang đã thường xuyên quan tâm và thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất lúa chất lượng cao; Là cầu nối giúp nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận được chủ trương, chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Đội ngũ khuyến nông trực tiếp “cầm tay chỉ việc”, giúp đỡ nông dân xây dựng thực hiện một số mô hình trồng lúa mới, liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập.

Trung tâm khuyến nông tỉnh xác định, an ninh lương thực không có nghĩa đủ lương thực mà phải đảm bảo nguồn thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao và tăng thu nhập cho người nông dân.

Từ kết quả cụ thể, trong những vụ tới, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang tiếp tục phối hợp với các đơn vị sản xuất giống thực hiện các mô hình trồng các giống lúa mới tại nhiều địa phương, trên nhiều chất đất khác nhau để có cơ sở đánh giá một cách cụ thể và khách quan. Nếu đảm bảo yêu cầu thực tế sản xuất, sẽ đề xuất với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét bổ sung vào cơ cấu giống của tỉnh.

(Bài viết thuộc Chuyên đề Khuyến nông với đồng bào DTTS)