Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Tuyên bố thành lập “Khu Tây Sa”, “Khu Nam Sa” của Trung Quốc là vô giá trị

PV - 12:09, 19/04/2020

Các cấu trúc lúc chìm lúc nổi cùng các cấu trúc luôn chìm dưới mặt nước biển không thể là lãnh thổ để yêu sách chủ quyền tại đó.

Đá Chữ Thập bị Trung Quốc cải tạo trái phép ở Biển Đông.
Đá Chữ Thập bị Trung Quốc cải tạo trái phép ở Biển Đông.

Dịch Covid -19 vẫn chưa thuyên giảm, trong khi cả thế giới đang tập trung vào chống dịch thì đây lại là cơ hội để Trung Quốc gia tăng các hành động đòi hỏi chủ quyền phi lý ở Biển Đông.

Năm 2019, Trung Quốc đã cho tàu Hải Dương Địa Chất 8 cùng nhiều tàu hải cảnh và tàu dân quân biển xâm phạm vùng biển của Việt Nam hơn 100 ngày. Trong năm này, Trung Quốc cũng cho các tàu của mình xâm phạm vùng biển của Malaysia, Philippines. Chưa hết, cuối 2019 đầu 2020, Trung Quốc cũng cho các tàu của mình xâm phạm vùng biển của Indonesia. Đầu tháng 4, tàu hải cảnh Trung Quốc đã đâm chìm một tàu cá của Việt Nam.

Trong khi Nhóm tàu HD8 đang được các nước trong khu vực và quốc tế theo dõi sát khi tiến hành khảo sát khu vực gần vùng biển của Malaysia thì ngày 18/4/2020, nước này lại có hành động vi phạm chủ quyền của các nước khi Bộ Dân chính Trung Quốc ngang nhiên thông báo Quốc Vụ viện nước này vừa phê chuẩn thành lập cái gọi là "Khu Tây Sa" và "Khu Nam Sa" trực thuộc thành phố Tam Sa, tỉnh Hải Nam.
Cũng theo phía Trung Quốc đưa tin thì: Khu Tây Sa quản lý các đảo thuộc quần đảo Tây Sa (quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và Bãi Macclesfield (quần đảo Trung Sa) và vùng nước phụ cận, Trung Quốc đặt cái gọi là "chính quyền khu Tây Sa" đóng tại đảo Phú Lâm - cấu trúc lớn nhất thuộc Hoàng Sa; còn "Khu Nam Sa" "quản lý" các đảo thuộc quần đảo Nam Sa (quần đảo Trường Sa của Việt Nam) và vùng nước phụ cận, cái gọi là "chính quyền khu Nam Sa" đóng tại Đá Chữ Thập - một cấu trúc thuộc Trường Sa mà Trung Quốc đã quân sự hoá gần đây.

Việc tuyên bố các chính quyền quận này hoàn toàn không có giá trị pháp lý vì những lý do sau đây:

1. Trung Quốc hoàn toàn không có chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đã nhiều lần Việt Nam khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo này. Mới đây nhất, trong Công hàm gửi lên Liên Hợp Quốc ngày 30/3/2020, Chính phủ Việt Nam đã nhắc lại: “Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế.
Việt Nam khẳng định Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (Công ước) là cơ sở pháp lý duy nhất, quy định toàn diện và triệt để về phạm vi quyền được hưởng vùng biển giữa Việt Nam và Trung Quốc”. Theo đó, Việt Nam đã có chủ quyền lâu đời trên hai quần đảo này và được chứng minh bằng các bằng chứng lịch sử và pháp lý.

2. Mặc dù Trung Quốc đang chiếm đóng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và 7 cấu trúc thuộc Trường Sa, nhưng vì Trung Quốc đã sử dụng vũ lực để chiếm đóng nên đã vi phạm luật quốc tế, cụ thể là Điều 2 (4) của Hiến chương Liên Hợp Quốc, theo đó “Tất cả các quốc gia thành viên Liên hợp quốc từ bỏ đe dọa bằng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế nhằm chống lại sự bất khả xâm phạm về lãnh thổ hay nền độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào cũng như bằng cách khác trái với những mục đích của Liên hợp quốc”.

Ngoài ra, Nghị Quyết 2625 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc năm 1970 cũng quy định rõ không chấp nhận việc dùng vũ lực để xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia khác. Và vì vậy, cho dù Trung Quốc đang thực tế chiếm đóng các cấu trúc này, nhưng Trung Quốc vẫn không thể có chủ quyền hợp pháp đối với các cấu trúc này.

3. Tuyên bố này của Trung Quốc cũng vi phạm luật biển quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển của Liên Hợp Quốc năm 1982 (UNCLOS). Trong Công hàm ngày 30/3/2020, Việt Nam cũng tuyên bố rõ ràng: “các bãi ngầm, hoặc cấu trúc lúc chìm lúc nổi không phải là đối tượng thụ đắc lãnh thổ và không có vùng biển riêng". Quan điểm này dựa trên nguyên tắc quan trọng của luật biển quốc tế “đất thống trị biển”. Đây là một nguyên tắc chung của luật quốc tế, được phát triển từ luật tập quán quốc tế và qua các phán quyết của các toà án quốc tế. Khởi đầu từ Vụ Thềm lục địa Biển Bắc năm 1969, được nhắc lại trong nhiều phán quyết sau này của Toà án Công lý Quốc tế (ICJ) sau đó, nguyên tắc này đã được pháp điển hoá trong quy định tại Điều 121 (2) của UNCLOS 1982.

Theo nguyên tắc này, các cấu trúc lúc chìm lúc nổi cùng các cấu trúc luôn chìm dưới mặt nước biển không thể là lãnh thổ để yêu sách chủ quyền tại đó, bởi vì, chủ quyền chỉ có thể được yêu sách đối với đất liền và đảo (islands) - được coi là một vùng đất tự nhiên nhưng có nước bao bọc xung quanh và luôn nổi trên mặt nước khi thuỷ triều lên. Chính vì vậy, việc yêu sách chủ quyền đối với các cấu trúc lúc chìm lúc nổi và các bãi ngầm luôn chìm dưới mặt nước biển của Chính phủ Trung Quốc là vi phạm nghiêm trọng đến luật biển quốc tế.

Chúng ta nên nhớ, Bãi Macclefiled mà Trung Quốc gọi là Trung Sa là các cấu trúc luôn chìm dưới mặt nước biển. Chính vì vậy, việc tuyên bố thành lập chính quyền quản lý các khu vực này của Trung Quốc đi ngược lại luật quốc tế. Việc này càng thể hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc khi đồng loạt triển khai nhiều hành động cả trên thực địa, pháp lý, hành chính như vậy.

Chắc rằng các nước liên quan sẽ không ngồi yên trước các hành động vi phạm luật pháp quốc tế ngang ngược, trắng trợn như vậy của Trung Quốc./.