Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Tư tưởng vĩ đại trong thư Hồ Chủ tịch gửi Đại hội các DTTS miền Nam

Ksor Phước Nguyên - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc - 17:57, 02/12/2020

Nếu có dịp đến TP. Pleiku (Gia Lai), bạn nên tranh thủ đến tham quan Quảng trường Đại Đoàn Kết ngay trung tâm thành phố. Nơi đây có nhiều điểm nhấn, cảnh đẹp rất đậm đà bản sắc Tây nguyên có một không hai của Việt Nam. Nhưng điểm nhấn vừa có ý nghĩa lịch sử, văn hóa sâu sắc đó là tấm bia bằng nguyên khối đá khắc toàn văn thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Đại hội các DTTS miền Nam tại Pleiku ngày 19/4/1946.

Ông Ksor Phước (bìa trái) và Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Dương Văn Trang (nay là Bí thư tỉnh Kon Tum thứ 2 từ trái qua) gặp gỡ các già làng, Người có uy tín tiêu biểu tỉnh Gia Lai.
Ông Ksor Phước (bìa trái) và Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Dương Văn Trang (nay là Bí thư tỉnh Kon Tum thứ 2 từ trái qua) gặp gỡ các già làng, Người có uy tín tiêu biểu tỉnh Gia Lai.

Khi còn sinh thời ba tôi có kể lại, lúc ấy (tháng 4/1946) ba tôi chuẩn bị ra Bắc tham gia trong đoàn thanh niên các DTTS ở Tây Nguyên để gặp Bác Hồ và tham gia Nha Dân tộc Trung ương. Trước khi đi, ông đã đến dự Đại hội và nghe cán bộ Trung ương về trực tiếp đọc thư Bác. Bác Nay Phin dịch sang tiếng Gia Rai (bấy giờ ba tôi chỉ biết tiếng Gia Rai, Ê Đê và tiếng Pháp). Ba tôi đã nhờ bác Nay Phin dịch thư Bác qua cả tiếng Pháp (vì có nhiều từ chính trị... mà tiếng Gia Rai chưa có)...

Ông nói với tôi: “Qua nghe hai bản dịch tiếng Gia Rai và tiếng Pháp, ba rất xúc động và ngạc nhiên. Vì lần đầu tiên trong đời được nghe thư của vị đứng đầu Chính Phủ Việt Nam coi các DTTS ở Việt Nam và người Kinh đều có quyền công dân nước Việt Nam, bình đẳng như nhau; phải coi nhau như anh em ruột thịt; đất nước Việt Nam, Chính Phủ Việt Nam không chỉ của người Kinh, mà là của tất cả các dân tộc...”.

Ngày 19/4/1946, tại khu vực Ủy ban Hành chính tỉnh (lúc đó có ngôi nhà sàn nằm trong khuôn viên rất nhiều cây), có khoảng 1.000 đại biểu các dân tộc ở Tây Nguyên và các tỉnh khu vực Nam Trung bộ đã tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS miền Nam. Các đại biểu đã tập trung (đứng và ngồi) ở cả bên trong và xung quanh nhà sàn, nghe phái viên của Trung ương đọc thư của Bác Hồ gửi Đại hội (thư Bác gửi do đồng chí Tố Hữu và đồng chí Bùi San đại diện Xứ ủy Trung Kỳ trực tiếp đem đến).

Để hiểu đầy đủ hơn thư Bác, chúng ta cần tìm hiểu bối cảnh lịch sử Đảng và Bác Hồ chủ trương Đại hội các DTTS phía Bắc tháng 12/1945 và phía Nam tháng 4/1946.

Ngày 3/9/1945, tại phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ, Hồ Chủ tịch đã nêu ra 6 nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Một là, Nhân dân ta đang đói, cần phát động một chiến dịch tăng gia sản xuất. Bác đề nghị mở một cuộc quyên góp, cứ 10 ngày 1 lần, tất cả đồng bào cùng nhịn ăn 1 bữa; gạo tiết kiệm được góp lại phát cho người nghèo. Hai là nạn dốt, với hơn 90 phần trăm đồng bào mù chữ. Bác đề nghị mở chiến dịch 3 tháng chống nạn mù chữ để học đọc, học viết chữ quốc ngữ. Ba là phải có một hiến pháp dân chủ và tổ chức Tổng tuyển cử để sớm có Nhà nước Dân chủ Nhân dân hợp hiến đầu tiên. Bốn là phải giáo dục lại Nhân dân, làm cho dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động. Bác đề nghị mở một chiến dịch giáo dục lại tinh thần Nhân dân bằng cách thực hiện cần, kiệm, liêm, chính. Năm là bỏ ngay 3 thứ thuế: Thuế thân, thuế chợ, thuế đò và cấm tuyệt đối hút thuốc phiện. Sáu là thực hiện tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết.

Trước tình hình vô vàn khó khăn, thách thức lớn rất nghiêm trọng và do sự thấu hiểu đặc điểm, tình cảm của đồng bào các DTTS, Đảng và Bác Hồ đã quyết định chủ trương tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS Việt Nam. Đây là quyết định lịch sử rất đúng, rất trúng, rất kịp thời, rất sáng tạo của Đảng và Bác Hồ. Nhưng do việc đi lại và tổ chức bấy giờ rất khó khăn, nên Trung ương chủ trương tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS ở hai vùng phía Bắc và phía Nam của đất nước.

Đại hội các DTTS phía Bắc được tiến hành ngày 3/12/1945 tại Tuyên Quang. Bác đến dự và phát biểu tại Đại hội.

Thư Bác gửi Đại hội Đại biểu các DTTS miền Nam tại Pleiku ngày 19/4/1946 (gọi là Lá thư thứ hai) chỉ hơn nữa trang giấy với khoảng gần 300 từ, lời văn giản dị, mộc mạc, rất dể hiểu nhưng nổi lên rất rõ tư tưởng rất mới, rất vĩ đại không chỉ của Việt Nam, mà có một không hai của tất cả các quốc gia, dân tộc trên thế giới đương thời (1946) về quan hệ giữa các dân tộc và mối quan hệ giữa các dân tộc với Tổ quốc và Nhà nước.

Mặc dù chưa lần nào đến Tây nguyên và chưa trực tiếp tiếp xúc với đồng bào các DTTS phía Nam, nhưng bức thư Bác viết gửi Đại hội rất chứa chan tình cảm thân thương với đồng bào các DTTS. Mở đầu bức thư, Bác viết “Hôm nay, đồng bào khai hội, sum họp một nhà, thật là vui vẻ. Tiếc vì đường sá xa xôi, tôi không đến dự hội được. Tôi tuy xa, nhưng lòng tôi và Chính phủ vẫn gần gũi đồng bào”. Từ “lòng tôi”, “gần gũi” trong đoạn văn này đã thật sự rút ngắn mọi khoảng cách từ địa lý đến vị trí xã hội giữa Bác với Đại hội mà phía sau đó là cộng đồng các DTTS miền Nam, Tây Nguyên.

Nếu như trong diễn văn khai mạc (cũng là Lá thư thứ nhất) tại Đại hội đại biểu các DTTS phía Bắc ngày 3/12/1945, Bác viết: “Nhờ sức đoàn kết đấu tranh chung của tất cả các dân tộc, nước Việt Nam ngày nay được độc lập, các dân tộc thiểu số được bình đẳng cùng dân tộc Việt Nam, tất cả đều như anh em trong một nhà, không còn có sự phân chia nòi giống, tiếng nói nữa”; thì ở lá thư thứ hai Người viết: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các DTTS khác đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau...”. Thế giới đương thời chưa có nguyên thủ quốc gia nào nói vậy với các dân tộc ở nước họ.

Lần đầu tiên của lịch sử Việt Nam, người đứng đầu Nhà nước tuyên bố, khẳng định với tất cả các dân tộc trên đất nước Việt Nam: “Giang sơn và Chính phủ là giang sơn và Chính phủ chung của chúng ta”. Như vậy, Bác đã tuyên bố khẳng định với các DTTS là: Dân tộc chủ thể của nước Việt Nam mới là tất cả các dân tộc trên đất nước Việt Nam. Nhìn ra thế giới đương thời (1946) ta chưa thấy có ở nước nào (vì đến ngày nay còn không ít quốc gia kể cả các cường quốc và nước lớn vẫn xác định về “dân tộc chủ thể” của quốc gia đó).

Qua 14 năm làm công tác dân tộc ở Trung ương, được đến mọi vùng miền của đất nước, tôi mới cảm nhận sâu sắc hơn tư tưởng của Bác Hồ đối với các DTTS ở Việt Nam. Cũng có thể khẳng định một điều: Tư tưởng, tình cảm của Bác trong lá thư này chính là kim chỉ nam định hướng lớn những chủ trương, đường lối, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước ta trong suốt 74 năm qua.

Lịch sử hơn 70 năm qua đã chứng minh sinh động tư tưởng Đại đoàn kết dân tộc của Bác Hồ và Đảng ta là rất chân thực, rất đúng đắn, rất nhân văn, rất trong sáng thủy chung với các DTTS ở Việt Nam. Chính vì vậy, Bác Hồ và Đảng ta mãi mãi là ngọn cờ, là trung tâm tập hợp đoàn kết toàn Dân tộc Việt Nam. Cả Dân tộc đoàn kết, thống nhất, đó chính là sức mạnh vô địch vĩ đại nhất.

Xin trân trọng nhắc lại lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu:

Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết.

Thành công, thành công, đại thành công.

Tin cùng chuyên mục