Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Từ tác động của dịch Covid-19 đối với ngành Giáo dục: Thêm một góc nhìn về đầu tư cho giáo dục vùng DTTS

Sỹ Hào - 20:00, 21/04/2020

Dịch Covid-19 gây khó khăn và thiệt hại đến mọi phương diện của lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT). Tuy nhiên, những tác động của đại dịch cũng đang được xem là một cơ hội để đổi mới ngành trong tình hình mới.

Do dịch bệnh, để học trực tuyến, học sinh miền núi gặp rất nhiều khó khăn. (Trong ảnh: Em Lường Thị Thắm, dân dộc Thái, ở bản Nát, xã Quài Cang, huyện Tuần Giáo (Điện Biên) phải leo lên mỏm đá cao để bắt sóng 3G học trực tuyến).
Do dịch bệnh, để học trực tuyến, học sinh miền núi gặp rất nhiều khó khăn. (Trong ảnh: Em Lường Thị Thắm, dân dộc Thái, ở bản Nát, xã Quài Cang, huyện Tuần Giáo (Điện Biên) phải leo lên mỏm đá cao để bắt sóng 3G học trực tuyến).

Thiệt hại trước mắt

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc học trực tuyến là giải pháp bắt buộc khi học sinh không thể đến trường. Chưa bàn đến chất lượng mà chỉ xét trên phương diện kinh tế, việc học trực tuyến đã làm tăng chi phí giáo dục lên rất nhiều.

Học sinh học trực tuyến cần có đủ các thiết bị như máy tính, loa, tai nghe có micro, máy in - một bộ như vậy rẻ nhất cũng xấp xỉ 10 triệu đồng. Với những gia đình có hai con nếu học cùng buổi thì đồng nghĩa với việc phải có hai bộ thiết bị để học như vậy.

Vì thế, đại đa số gia đình điều kiện kinh tế eo hẹp, lựa chọn khả thi nhất là mua cho con chiếc điện thoại thông minh giá rẻ. Nhưng dù rẻ thì mỗi chiếc điện thoại có đủ chức năng để học trực tuyến ít nhất cũng vài triệu đồng.

Ở góc độ toàn ngành, việc chuyển sang giảng dạy trực tuyến khiến chi phí giáo dục tăng lên cấp số nhân. Chỉ tính từ đầu học kỳ 2 của năm học 2020 - 2021, toàn bộ chương trình đào tạo của ngành đã bị xáo trộn, gây phát sinh thêm nhiều chi phí để xây dựng, thiết kế lại chương trình. Đó là chưa kể còn các chi phí cho công tác tiêu độc, khử trùng, phòng, chống dịch bệnh trong nhiều tháng qua và các chi phí khác chưa thống kê hết được.

Tác động lâu dài

Trong khi chi phí GD&ĐT tăng lên thì dịch vụ giáo dục (DVGD) lại suy giảm mạnh. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, DVGD có mức suy giảm kinh tế lớn nhất so với tất cả lĩnh vực.

Báo cáo đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến nền kinh tế và các khuyến nghị chính sách của Trường Đại học Kinh tế quốc dân vừa được công bố cho thấy, mức suy giảm DVGD tương ứng với diễn biến dịch bệnh. Theo đó, nếu hết dịch trong tháng 4/2020, DVGD sẽ suy giảm 35% với chuyển đổi học qua mạng. Nếu dịch kéo dài đến hết tháng 6, mức suy giảm có thể lên tới 60% và phải cơ cấu ngành.

Đây rõ ràng là những thiệt hại rất lớn, nhưng là trước mắt. Về lâu dài, ngành GD&ĐT sẽ chịu những tác động lớn do dịch Covid-19. Đầu tiên phải kể đến thi THPT; do lịch học bị xáo trộn, hiện Bộ GD&ĐT đã xây dựng hai phương án, hoặc bỏ kỳ thi THPT năm nay, hoặc vẫn tổ chức nhưng giao cho các địa phương xét tốt nghiệp THPT.

Cả hai phương án đều có vướng mắc. Bởi nếu bỏ kỳ thi THPT thì phải sửa đổi Luật Giáo dục vừa mới được bổ sung, sửa đổi; còn nếu giao cho các địa phương tự xét tuyển thì “chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra”.

Một vấn đề cũng cần suy nghĩ nghiêm túc là phát triển mô hình học trực tuyến. Đại dịch Covid-19 là thách thức, nhưng cũng là cơ hội để ngành Giáo dục từng bước thích ứng với thời đại 4.0.

Nhưng để phát triển mô hình giáo dục này còn rất nhiều việc phải làm; đó là con người, phương tiện, chương trình giáo dục… Ngoài ra, mô hình học trực tuyến chỉ khả thi khi điều kiện kinh tế của gia đình học sinh đáp ứng được các đòi hỏi về trang thiết bị học tập. Nhưng hiện nay, đại đa số học sinh đều có gia cảnh không khá giả, nhất là học sinh DTTS ở miền núi thì học trực tuyến vẫn quá tầm tay.

Vậy nên, cùng với việc xây dựng mô hình học trực tuyến một cách bài bản thì vấn đề then chốt vẫn là thúc đẩy các giải pháp phát triển kinh tế, giảm khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng miền, bảo đảm tất cả học sinh cả nước, đặc biệt là vùng DTTS, đều đủ điều kiện về trang thiết bị phục vụ học trực tuyến.

Tại buổi làm việc với Bộ GD&ĐT sáng ngày 21/4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ GD&ĐT hoàn thiện phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT phù hợp với tình hình thực tiễn, bảo đảm an toàn, giảm áp lực cho học sinh cả nước. Phương án được hoàn thiện sẽ trình Thủ tướng trong thời gian tới.

Tin cùng chuyên mục
Tiếng nước mình...

Tiếng nước mình...

Buổi tối ở Lao Chải, gió bấc hun hút thổi. Trời đã chuyển lạnh tê tái. Sương đêm ập xuống, vây kín khắp các đỉnh núi, vạt nương. Bản làng cũng chìm trong biển sương mù. Sương trôi chầm chậm trên mặt đất, len lỏi những lối đi rồi tràn cả vào trong nhà làm ánh lửa bên các bếp thêm đượm...