Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Trồng tre Lục Trúc hướng phát triển kinh tế khả thi

Giang Lam - Lý Thịnh - 13:28, 28/10/2024

Cựu chiến binh Ngô Ngọc Thành, thôn 4, Làng Bát, xã Tân Thành, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang là người tiên phong mang tre Lục Trúc (giống tre có nguồn gốc từ Đài Loan) về trồng để lấy măng ở địa phương. Qua gần 3 năm kiên trì trồng thử nghiệm, những khóm tre giống ngoại đã cho "quả ngọt", mang lại thu nhập cao cho gia đình ông. Kết quả này cũng đã mở ra hướng phát triển kinh tế tiềm năng cho người dân trên địa bàn.

Ông Ngô Ngọc Thành giới thiệu măng Lục Trúc vừa được thu hoạch về.
Ông Ngô Ngọc Thành giới thiệu măng Lục Trúc vừa được thu hoạch về

Đứng lên sau thất bại

Dẫn chúng tôi tham quan vườn tre Lục Trúc rợp bóng mát đang cho thu hoạch măng, ông Ngô Ngọc Thành kể lại, trong lần đọc báo, ông biết đến mô hình trồng tre Lục Trúc lấy măng ở huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Tháng 11/2021, ông đã sang Bắc Giang để tìm hiểu và mua 30 cây tre giống ngoại này về trồng thử. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm, trồng không đúng thời vụ nên sau vài tháng, tre giống mới cứ chết dần, thiệt hại hơn chục triệu đồng.

Không nản chí, tháng 4/2022, ông Thành rủ thêm mấy anh em thân thiết, thuê xe sang Bắc Giang tham quan, học tập mô hình trồng tre Lục Trúc. Thời điểm đó, chứng kiến các chủ vườn đang thu hoạch măng Lục Trúc, bán “đắt như tôm tươi” thu về vài triệu đến hàng chục triệu đồng mỗi ngày, càng thôi thúc ông phát triển giống tre này. 

Bỏ qua cả lời khuyên của chủ vườn là chọn thời điểm phù hợp rồi hãy trồng giống tre Lục Trúc này, ông cùng bạn bè vẫn quyết đặt mua hơn 1.000 cây tre giống về trồng. Lần này cây tre giống lại cũng chết gần hết, lúc này ông Thành mới thấm thía bài học đắt giá: tư duy nóng vội sẽ đi kèm với rủi ro, thiệt hại.

Ông Thành (người bên trái) giới thiệu, hướng dẫn người dân trong thôn về kỹ thuật trồng, chăm sóc tre Lục Trúc.
Ông Thành (người bên trái) giới thiệu, hướng dẫn người dân trong thôn về kỹ thuật trồng, chăm sóc tre Lục Trúc

Thời gian sau, ông Thành tiếp tục đi học tập kinh nghiệm trồng tre ở nhiều nơi, ông ghi chép cẩn thận các quy trình từ chọn giống đến cách trồng, chăm sóc, thu hoạch măng, nhân giống. 

Tháng 8/2022, ông đặt mua thêm 200 cây giống dặm, trồng phủ kín khu vườn rộng hơn nửa ha. Đất không phụ công người, gần 3 năm kiên trì trồng và chăm sóc vườn tre Lục Trúc, 400 khóm tre đã phát triển xanh tốt, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu địa phương. Vào mùa mưa, măng phát triển tua tủa. Cây măng ngon, chất lượng, bán được  giá cao.

Vừa giới thiệu về những khóm tre Lục Trúc to, nhỏ khác nhau, ông Thành nói vui: “Khu vườn này như một vườn thí nghiệm hoàn hảo, giúp tôi đánh giá được ưu, nhược điểm khi chọn giống (loại giống ươm từ gốc và giống chiết cành), tùy loại giống mà chọn thời điểm trồng cho thích hợp và cách chăm sóc theo từng giai đoạn”.

 Hướng phát triển kinh tế hiệu quả

Cùng chúng tôi tham quan một vòng quanh vườn tre, ông Thành chia sẻ, sở dĩ ông bị “mê” trồng tre Lục Trúc lấy măng, bởi đây là cây trồng có nhiều ưu điểm. Trồng tre không khó nếu nắm vững kỹ thuật, cây ít sâu bệnh nên hầu như không phải dùng đến thuốc bảo vệ thực vật, giúp bảo đảm sức khỏe cho nông dân.

Bí quyết để cây tre ra măng phát triển đều, chất lượng ngon, ổn định là cần “trẻ hóa” cây liên tục, tức là sau mỗi vụ, phải thay thế cây già, gốc già, nuôi dưỡng những cây non kế cận. 

So với trồng cây ăn quả, trồng tre lấy măng cho thu nhập ổn định vì nhu cầu của người tiêu dùng khá cao. Bên cạnh đó, vốn liếng đầu tư không cao và khâu chăm sóc dễ thực hiện. Chi phí chăm sóc chủ yếu nhất là dịp cuối năm với công đoạn dọn vườn, bón phân chuồng hoai mục, kèm phân N - P - K. Nếu trồng đúng kỹ thuật, sau một năm tre đã cho thu hoạch măng. Các năm tiếp theo, tre sẽ cho măng nhiều hơn, thời gian thu hoạch kéo dài từ tháng 4 đến tháng 10 âm lịch.

Hiện nay, mỗi ngày gia đình ông Thành thu hoạch từ 25 đến 40kg măng, bán với giá từ 25 đến 35 nghìn đồng/kg. Thời điểm măng trái mùa so với măng bản địa, giá lên tới 50 nghìn đồng/kg.

Măng tre Lục Trúc hoàn toàn sạch và thơm, giòn, ngon, ngọt nhẹ. Có nhiều cách chế biến như làm nộm, luộc, xào, thậm chí có thể ăn sống được nên thị trường tiêu thụ rộng mở. Măng thu hoạch đến đâu bán hết đến đó. Từ trồng tre Lục Trúc, mỗi năm ông Thành thu về trên 100 triệu đồng.

Ông Ngô Ngọc Thành (người ở giữa) cho biết, thu hoạch măng đúng cách vừa giúp nâng cao chất lượng giá trị dinh dưỡng của măng, vừa giúp tre ra măng đều đặn.
Ông Ngô Ngọc Thành (người ở giữa) cho biết, thu hoạch măng đúng cách vừa giúp nâng cao chất lượng giá trị dinh dưỡng của măng, vừa giúp tre ra măng đều đặn

Với tâm niệm “muốn đi xa hãy đi cùng nhau”, ông Thành đã đứng ra vận động thành lập HTX măng tre Lục Trúc Tân Thành, với 9 thành viên tham gia, do ông làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc. Các thành viên thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau về vốn, kỹ thuật trồng, chăm sóc, nhân rộng diện tích trồng tre Lục Trúc tại địa phương lên tới hơn 7ha. 

HTX cũng đã lên kế hoạch tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm; hỗ trợ kỹ thuật, cung ứng giống cây chất lượng, mở rộng thêm quy mô sản xuất theo hướng hàng hóa và phát triển bền vững. HTX sẽ dần hoàn thiện xây dựng nhà kho, quy trình sơ chế, đóng gói bảo đảm an toàn thực phẩm. Đồng thời, mở rộng thị trường, bao tiêu sản phẩm măng tre Lục Trúc cho thành viên.

Tin cùng chuyên mục
Sóc Trăng: Người có uy tín góp sức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới

Sóc Trăng: Người có uy tín góp sức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới

Những năm qua, Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn khu vực biên giới biển của tỉnh Sóc Trăng luôn phát huy vai trò của mình trong các hoạt động tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới. Đồng thời, họ còn là những “cột mốc sống” mẫu mực chung tay xây dựng, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.