Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Trọn tình với sử thi

PV - 14:10, 09/09/2019

Đã bước sang tuổi 103 nhưng già Dach, dân tộc Ba Na, ở thôn Prông Thông, xã Ia Băng, huyện Đăk Đoa (Gia Lai) vẫn khiến người ta phải say đắm trong những câu chuyện sử thi huyền thoại. Già cũng là người biết hát kể sử thi cuối cùng của thôn Prông Thông nói riêng và của cả xã Ia Băng nói chung.

Vượt qua con đường đất đỏ trơn trượt, chúng tôi tìm đến nhà già Dach. Biết chúng tôi tìm đến để tìm hiểu và nghe hát kể sử thi, già Dach khoan khoái nhấp ngụm nước rồi hát vang lên những bài sử thi huyền thoại của người Ba Na; sau đó già lại chuyển sang hát sử thi bằng tiếng Jrai.

Già bảo, khi còn trẻ, già sinh sống ở thôn Plei Pông, xã Ayun (huyện Mang Yang). Đem lòng yêu một cô sơn nữ người Jrai ở thôn Prông Thông nên già đã theo về.

 Vì sức khỏe yếu, già Dach không lên rẫy được nên hằng ngày ông vẫn thường đan thêm đơm, trũi và gùi để bán, tăng thêm thu nhập cho gia đình. Vì sức khỏe yếu, già Dach không lên rẫy được nên hằng ngày ông vẫn thường đan thêm đơm, trũi và gùi để bán, tăng thêm thu nhập cho gia đình.

“Khi về sinh sống ở nơi đây, tôi bắt đầu học tiếng Jrai để hòa nhập với mọi người. Từ đó, trong những ngày lễ hội của làng, tôi bắt đầu hát kể sử thi bằng tiếng Jrai cho mọi người nghe”, già Dach nói.

Sau đó, già Dach liền hát một bài sử thi huyền thoại của người Jrai. Đó là sử thi Dăm Blom, mang ý nghĩa về việc “ở hiền gặp lành”. Đây cũng là bài hát mà từ trước đến giờ già Dach thường xuyên hát cho con cháu và người trong làng nghe. Nó giúp người dân biết nhìn nhận cái tốt, tránh những cái xấu. Dù nắm trong tay cả kho tàng sử thi đồ sộ, nhưng do tuổi cao, giờ già Dach chỉ còn hát kể được 4 bài sử thi.

“Thời còn trẻ già thường được đi giao lưu hát kể sử thi, già nhớ nhất là được vinh dự mời đi giao lưu hát kể sử thi tại Vũng Tàu. Lần gặp gỡ này đã giúp già được nghe rất nhiều bài ca sử thi, các bài dân của 54 anh em dân tộc trên mọi miền Tổ quốc”, già Dach chia sẻ.

Trong câu chuyện với già Dach, chúng tôi cảm nhận được nỗi buồn của già. Già bảo, những người bạn xưa kia cùng chung sở thích, thường thi hát kể sử thi với nhau bên bếp lửa giờ đã không còn, họ đều đi về cõi A Tâu cả rồi. Những thanh niên trong làng cũng chẳng có ai tìm đến mà nghe hát, bởi vì thế nên người học hát kể sử thi cũng không có.

Già Dach trầm ngâm nói: “Học cái gì cũng vậy, cũng phải có đam mê, lớp trẻ bây giờ chúng nó không thích nên cũng không ai ép chúng nó học được. Nếu mai này mình về cõi A Tâu thì cả làng này chẳng còn ai biết sử thi nữa đâu”.

Theo già Dach, việc người trẻ họ không muốn học hát kể sử thi, ngoài không có đam mê, họ còn phải lo cho cuộc sống gia đình, phần vì họ không tha thiết với văn hóa truyền thống. Thứ âm nhạc hiện đại, cuộc sống hiện đại đã làm con người ta quên đi những giá trị nhân văn thời xưa.

“Tôi có tới 6 đứa con, nhưng chúng cũng không buồn học, chúng nó kêu sử thi khó thuộc, khó hát nên giờ chúng chỉ thích nghe nhạc hiện đại thôi”, già Dach tâm sự.

Anh Siu Lol, Bí thư Chi bộ thôn Prông Thông cho biết: “Tại thôn Prông Thông có hơn 230 hộ, 99% là đồng bào Jrai nhưng không còn ai biết hát kể sử thi ngoài già Dach. Người dân bây giờ chỉ làm để lo miếng ăn cho gia đình, có tiền cho con cái đi học. Họ bị cuốn vào guồng xoay của cơm, áo, gạo, tiền nên không còn mặn mà với sử thi nữa”.

Chia tay già Dach khi khói chiều bắt đầu bay nghi ngút trên gác bếp của người dân thôn Prông Thông, chúng tôi tự hỏi “rồi mai này, ai hát sử thi…?”.

THÙY DUNG

Tin cùng chuyên mục
Tiếng nước mình...

Tiếng nước mình...

Buổi tối ở Lao Chải, gió bấc hun hút thổi. Trời đã chuyển lạnh tê tái. Sương đêm ập xuống, vây kín khắp các đỉnh núi, vạt nương. Bản làng cũng chìm trong biển sương mù. Sương trôi chầm chậm trên mặt đất, len lỏi những lối đi rồi tràn cả vào trong nhà làm ánh lửa bên các bếp thêm đượm...