Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Chương trình 1719

Trở lại Ia H’Drai

Ngọc Chí - 10:29, 15/10/2024

Vượt qua những cung đường thẳng tắp giữa những cánh rừng cao su bạt ngàn xanh ngắt, hiện hữu trước mắt chúng tôi là trung tâm hành chính của huyện biên giới Ia H’Drai (Kon Tum). Diện mạo của vùng đất còn nhiều khó khăn này đang từng ngày thay da đổi thịt, cuộc sống Nhân dân ngày càng ấm no và sung túc hơn. Những sự đổi thay đó là kết quả từ quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của Nhân dân trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình, chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho vùng đồng bào DTTS; trong đó, có Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 – 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719).

Trung tâm hành chính huyện Ia H’Drai
Trung tâm hành chính huyện Ia H’Drai

Đầu tư toàn diện cho vùng DTTS

Là người gắn bó với huyện biên giới Ia H’Drai từ những ngày mới thành lập và chứng kiến sự đổi thay ở nơi đây, ông Nguyễn Tiến Dũng – Phó Chủ tịch UBND huyện Ia H’Drai chia sẻ: Huyện Ia H’Drai được thành lập theo Nghị quyết số 890, ngày 11/3/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Là huyện miền núi, biên giới nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Kon Tum. Tổng số hộ dân trên địa bàn huyện là 3.783 hộ/15.500 nhân khẩu; trong đó, đồng bào DTTS chiếm tỷ lệ 61,99% dân số, với 30 thành phần dân tộc cùng sinh sống.

“Huyện ủy, UBND huyện quan tâm chỉ đạo quyết liệt trong thực hiện các Chương trình MTQG, đặc biệt là Chương trình MTQG 1719. Theo đó, các ngành, địa phương tích cực, chủ động triển khai, huy động và lồng ghép, tích hợp các nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư. Với việc tập trung nguồn lực, đồng bộ các giải pháp thực hiện đã tạo điều kiện, sức bật để các vùng đồng bào DTTS phát triển nhanh hơn và bền vững hơn; nâng cao đời sống người dân, từng bước rút ngắn khoảng cách về kinh tế - xã hội giữa các địa phương trong huyện” – ông Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ thêm.

Hiện 03/03 xã của huyện Ia H’Drai có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa
Hiện 03/03 xã của huyện Ia H’Drai có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa

Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị và tinh thần vượt khó, nỗ lực vươn lên của Nhân dân, huyện biên giới Ia H’Drai không còn cảnh khó khăn, gian khổ như trước, diện mạo nông thôn và cuộc sống của Nhân dân đang từng ngày thay đổi. Những ngôi nhà xây đang dần thay thế cho những căn nhà gỗ tạm bợ; ngoài việc làm công nhân cho các công ty cao su, người dân còn tích cực tăng gia sản xuất nhờ nguồn lực hỗ trợ từ Nhà nước.

Ông Hà Văn Kiên (dân tộc Mường), thôn 4, xã Ia Đal, huyện Ia H’Drai chia sẻ: Tôi vào lập nghiệp ở huyện Ia H’Drai này từ năm 2009, lúc đó cuộc sống muôn vàng khó khăn, nhà thì tạm bợ, đường sá chưa được đầu tư, dân cư thì thưa thớt. Sau 15 năm thì diện mạo ở đây đổi thay rất nhiều, đường giao thông ở các thôn đã được bê tông hóa, điện về đến từng nhà, nước sinh hoạt cũng được đầu tư đến từng cụm dân cư, người dân còn được hỗ trợ sản xuất nên thu nhập đã ổn định. Nhiều hộ đã vươn lên làm giàu.

Ông Trịnh Quốc Hoàn – Chủ tịch UBND xã Ia Đal, huyện Ia H’Drai cho biết: Toàn xã có 11 thôn, dân số gần 6.000 người, hơn 86% là đồng bào DTTS. Nhờ nguồn lực đầu tư của các chương trình MTQG, trong đó có Chương trình MTQG 1719 đã giúp cho xã đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi để người dân phát triển sản xuất. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 6,3% và hộ cận nghèo giảm còn 6,33%. Xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.

Lĩnh vực giáo dục luôn được huyện quan tâm đầu tư, đảm bảo các em được học tập trong điều kiện tốt nhất
Lĩnh vực giáo dục luôn được huyện quan tâm đầu tư, đảm bảo các em được học tập trong điều kiện tốt nhất

Qua gần 3 năm triển khai Chương trình MTQG 1719, từ nguồn đầu tư của Trung ương, UBND huyện Ia H’Drai tiến hành phân bổ, giao hơn 165 tỷ đồng vốn kế hoạch giai đoạn 2021-2024 cho các đơn vị và địa phương thực hiện. Đồng thời, bố trí ngân sách địa phương đối ứng thực hiện các chương trình trong giai đoạn 2021-2024 hơn 5 tỷ đồng.

Từ nguồn vốn đầu tư, các ngành chức năng và các địa phương đã thực hiện hỗ trợ nước sinh hoạt cho 418 hộ, đầu tư xây dựng 09 công trình nước sinh hoạt tập trung cho các cụm dân cư; triển khai xây dựng dự án sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư tập trung điểm dân cư số 66 tại thôn Ia Dơr, xã Ia Tơi. Đồng thời, triển khai 01 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị và 12 mô hình phát triển cộng đồng, xây dựng vùng dược liệu. Toàn huyện Ia H’Drai cũng triển khai xây dựng 14 công trình hạ tầng thiết yếu như: Đường giao thông nông thôn, cầu dân sinh, điện, thuỷ lợi, trạm y tế, nhà văn hóa, trường học phục vụ sản xuất, đời sống người dân.

Sức sống mới ở vùng biên

Từ việc triển khai có hiệu quả các chương trình MTQG, đặc biệt là Chương trình MTQG 1719 đã tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho vùng đồng bào DTTS huyện Ia H’Drai. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng sâu, vùng xa có sự thay đổi tích cực, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển và hiện đại hóa nông thôn ở vùng đồng bào DTTS. Hiện 03/03 xã có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa; 03/03 xã có đường liên thôn được bê tông hóa; có 21/21 thôn sử dụng điện lưới quốc gia, tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 99%; 99,8% hộ dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% hộ đồng bào DTTS trên địa bàn huyện có đất ở, 100% hộ đồng bào DTTS có đất sản xuất.

Ông Nguyễn Lâm Trường – Bí thư Chi bộ kiêm Thôn trưởng thôn 7, xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai chia sẻ: Thôn có 160 hộ, trước đây, vào mùa khô thì thường xuyên bị thiếu nước sinh hoạt. Năm 2023, huyện đã đầu tư cho thôn 01 công trình nước sinh hoạt, gồm: Giếng khoan, bồn chứa, hệ thống lọc nước và đưa nước về đến từng cụm dân cư. Năm nay mùa khô không còn tình trạng thiếu nước sinh hoạt, người dân rất phấn khởi.

Công trình nước sinh hoạt được đầu tư từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719 giúp đồng bào DTTS huyện Ia H’Drai đảm bảo đủ nguồn nước sinh hoạt trong mùa khô
Công trình nước sinh hoạt được đầu tư từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719 giúp đồng bào DTTS huyện Ia H’Drai đảm bảo đủ nguồn nước sinh hoạt trong mùa khô

Cùng với việc đầu tư kết cấu hạ tầng, hỗ trợ sinh kế, huyện Ia H’Drai còn đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm, khơi dậy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong các tầng lớp Nhân dân, tích cực tham gia thực hiện các chương trình MTQG gắn với thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”. Với những giải pháp đồng bộ, đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm còn 7,93%, hộ cận nghèo giảm còn 7,53%, trung bình tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm giảm 9,7%.

Chị Y Dưn (dân tộc Ba Na), thôn Ia Dơr, xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai chia sẻ: Gia đình tôi từ Tp. Kon Tum đến lập nghiệp ở huyện Ia H’Drai được chính quyền địa phương hết sức quan tâm. Ngoài việc cấp đất, hỗ trợ làm nhà, gia đình còn được hỗ trợ 2 con bò cái sinh sản; hỗ trợ cây giống để trồng trong vườn nhà. Giờ tôi đã đi làm công nhân cao su, chồng thì làm thêm bên ngoài nên thu nhập cũng ổn định. Gia đình sẽ cố gắng xây dựng cuộc sống ấm no ở vùng đất mới này.

Các thiết chế văn hóa được huyện quan tâm đầu tư, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào DTTS
Các thiết chế văn hóa được huyện quan tâm đầu tư, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào DTTS

Theo kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG 1719, huyện Ia H’Drai tiếp tục phấn đấu đến năm 2025, 100% hộ đồng bào DTTS có đất ở, đất sản xuất; 20% hộ đồng bào DTTS trở lên tham gia vào hợp tác xã; 100% số thôn đồng bào DTTS đạt chuẩn thôn nông thôn mới; 100% thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; thu nhập bình quân người DTTS bằng 1/2 bình quân chung cả huyện...

Ông Nguyễn Tiến Dũng – Phó Chủ tịch huyện Ia H’Drai cho biết: Để đạt được những mục tiêu này, trong thời gian tới, UBND huyện chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về công tác dân tộc; rà soát, đánh giá thực trạng kinh tế - xã hội vùng DTTS, làm cơ sở để tổ chức thực hiện Chương trình MTQG 1719; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân, nhất là đồng bào DTTS nâng cao nhận thức, phát huy cao sự tham gia tích cực chủ động của cán bộ, công chức, đảng viên và sự quan tâm của toàn xã hội trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719.

Với tinh thần đoàn kết, thống nhất của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình MTQG, tin rằng, trong tương lai không xa, huyện biên giới còn nhiều khó khăn Ia H’Drai sẽ vươn lên mạnh mẽ. 

Tin cùng chuyên mục
Huyện Văn Lãng (Lạng Sơn): Tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong nhà trường

Huyện Văn Lãng (Lạng Sơn): Tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong nhà trường

Ngày 4/12, Phòng Lao động, Thương binh, Xã hội - Dân tộc huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức Hội nghị truyền thông tuyên truyền “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH-HNCHT) trong vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2024 tại Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú, Trung học cơ sở xã Bắc La.