Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Trang sức bằng lông chim của các tộc người ở Malaysia

Tấn Vịnh - 17:07, 17/08/2021

Nhiều loài chim sinh sống ở vùng nhiệt đới thường có bộ lông sặc sỡ. Con người sớm biết khai thác lông các loài chim để làm đồ trang sức, mũ, nón, trang trí nội thất. Các tộc người ở vùng Đông Nam Á lục địa và hải đảo đều có tập quán trang sức bằng lông chim, tiêu biểu nhất là những thổ dân sinh sống ở đảo và bán đảo Malaysia.

Trang phục lông chim của nam giới dân tộc Murut, vùng Sabah, đảo Borneo, Malaysia
Trang phục lông chim của nam giới dân tộc Murut, vùng Sabah, đảo Borneo, Malaysia

Lông chim dùng làm đồ trang sức chủ yếu là lông ống mọc ở trên cánh và đuôi của con chim. Lông ống dài, cứng và mượt rất dễ làm đồ trang sức. Lông ống giúp chim điều khiển hướng và tốc độ bay và hạ cánh. Tùy theo từng loại chim mà có loại lông ống dài ngắn khắc nhau. Người ta lấy nguyên chiếc lông ống kết lại thành chùm hoặc lấy một chiếc lông ống gắn trên vành, đai bằng tre, mây hoặc bằng kim loại, nhựa. 

Phụ nữ dân tộc Ulu vùng Sarawak, đảo Borneo, Malaysia với trang sức lông chim sau gáy
Phụ nữ dân tộc Ulu vùng Sarawak, đảo Borneo, Malaysia với trang sức lông chim sau gáy

Trang sức lông chim thường xuất hiện trong các lễ hội của các tộc người. Người xưa thích trang sức lông chim là do bản thân vẻ đẹp phất phơ trước gió và rực rỡ sắc màu của nó. Theo quan niệm của nhiều tộc người, lông chim tượng trưng cho chiến thắng và quyền lực. Chẳng những đàn ông mang trang sức lông chim mà các cô gái thổ dân ở Nam Đảo đều sử dụng loại hình trang sức có nguồn gốc từ thiên nhiên này. Đó là một loại hình trang sức lâu đời nhất của thổ dân, các dân tộc thiểu số. Các thổ dân sinh sống ở đảo Borneo đều sử dụng phổ biến hình thức trang sức lông chim và hóa trang trên cơ thể. Các dân tộc như Marut, Orang Ulu sinh sống ở vùng Sarawak, Sabah thuộc đảo Borneo, hòn đảo lớn nhất thuộc một phần lãnh thổ của Malaysia đều có tập quán trang sức bằng lông chim.

Tập quán trang sức lông chim của các thổ dân Nam Đảo có nét tương đồng với các dân tộc vùng Trường Sơn - Tây Nguyên. Đồng bào thường chọn lựa những chiếc đuôi lông vũ đẹp như chim công, chim trĩ gắn vào vòng tre hoặc khâu vào dây buộc tóc rồi đeo lên trước trán. Đây cũng là một lối phục sức rất cổ, mang đậm dấu ấn văn hóa Đông Sơn còn được bảo lưu cho đến ngày nay.

Trang sức lông chim của dân tộc Marut, vùng Sabah, đảo Borneo, Malaysia
Trang sức lông chim của dân tộc Marut, vùng Sabah, đảo Borneo, Malaysia

Trang sức lông chim là hình thức hóa trang độc đáo của các thổ dân vùng Nam Đảo nói chung, vùng đảo Borneo, bán đảo Malaysia nói riêng. Họ mặc những bộ trang phục vỏ cây, lông thú, tấm thổ cẩm dệt bằng tay đầy ắp sắc màu, đeo trang sức lông chim, nanh thú, trên mặt, bắp chân, cổ tay vẽ nhưng hoa văn kỳ thú, bí ẩn... 

Ngày nay, tập quán trang sức này không còn hiện diện trong cuộc sống hàng ngày của các cư dân. Tuy nhiên, đây là một di sản đặc sắc được các tộc người phát huy trong các sinh hoạt lễ hội, trình diễn nghệ thuật, hoạt động du lịch. Các thí sinh sự thi hoa hậu thế giới, hoa hậu hữu nghị Asean đến từ vùng Nam Đảo, khi giới thiệu trang phục truyền thống dân tộc đều làm khán giả mê mẩn với bộ trang sức lông chim. Các lễ hội đường phố gần đây được tổ chức ở một số nước Đông Nam Á, trang sức lông chim đã làm nên một sắc màu ấn tượng về văn hóa truyền thống của các tộc người.

Trang sức lông chim của nam giới dân tộc Orang Ulu, vùng Sarawak, đảo Borneo, Malaysia
Trang sức lông chim của nam giới dân tộc Orang Ulu, vùng Sarawak, đảo Borneo, Malaysia

Di sản thời trang chính là tài nguyên của các quốc gia hải đảo. Du khách đến với đất nước Malaysia vào mùa lễ hội truyền thống, các điểm du lịch nổi tiếng sẽ được chiêm ngưỡng những bộ trang phục truyền thống, trang sức làm bằng nhiều chất liệu như lông chim, nanh thú thể hiện nét hoang sơ, gần gũi với thiên nhiên của các tộc người của đất nước Malaysia.

Thí sinh Koh Ying Theng đến từ Makaysia dự thi Hoa hậu Hữu nghị ASEAN năm 2017 với chiếc mũ lông chim và bộ trang phục truyền thống
Thí sinh Koh Ying Theng đến từ Makaysia dự thi Hoa hậu Hữu nghị ASEAN năm 2017 với chiếc mũ lông chim và bộ trang phục truyền thống