Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Dấu ấn văn hóa người Việt cổ trên bảo vật quốc gia

PV - 15:23, 25/03/2019

Cây đèn hình người quỳ trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia được công nhận là bảo vật quốc gia vào năm 2012. Qua nghiên cứu “giải mã” cây đèn, các học giả nghiên cứu khoa học đã tìm thấy nhiều nét văn hóa đặc sắc của người Việt cổ từ cây đèn hình người quỳ...

Công chúng tới thăm quan tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia-nơi lưu giữ bảo vật cây đèn hình người quỳ. Công chúng tới thăm quan tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia-nơi lưu giữ bảo vật cây đèn hình người quỳ.

Bức tượng độc đáo

Cây đèn hình người quỳ được nhà khoa học người Thụy Điển O. Janse khai quật năm 1935, trong một ngôi mộ gạch ở cửa sông Lạch Trường, giáp ranh 2 huyện Hoằng Hóa và Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa.

Theo hồ sơ bảo vật lưu trữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, tượng cây đèn hình người quỳ có niên đại cách đây khoảng 1700-2000 năm. Chiều cao 40cm, dài 30cm và rộng 27cm. Cây đèn được tạo dạng tượng tròn hình người đàn ông mình trần, đóng khố, tư thế đang quỳ hai tay nâng đĩa đèn. Tượng có khuôn mặt thon dài, mắt mở to, miệng hơi mỉm cười. Đầu tượng được gắn vương miện tóc để chỏm. Hai vai và lưng tượng được gắn 3 chạc hình chữ S, mỗi chạc đỡ một đĩa đèn và gắn một hình người cũng trong tư thế quỳ. Trên hai đùi và đằng sau tượng gắn tượng 4 nhạc công đang thổi sáo trong tư thế quỳ. Cánh tay, cổ tay người đàn ông đeo trang sức, hoa tai hình khuyên, to.

Tiến sĩ Ngô Thế Phong, Hội Nghiên cứu khoa học Đông Nam Á Việt Nam nhận định: “Tượng có niên đại khoảng giai đoạn Đông Sơn muộn-hậu Đông Sơn nhưng nghệ thuật tượng lại hoàn toàn không giống với bất kỳ pho tượng nào cùng thời kỳ đã từng phát hiện”.

Khi phát hiện ra tượng cây đèn hình người quỳ trong ngôi mộ gạch, nhà khảo cổ học O.Janse cũng nhận định: Chủ nhân của ngôi mộ có thể là một thủ lĩnh người địa phương, nhưng phong cách tượng lại khác so với nghệ thuật tượng Đông Sơn. Cơ sở đưa ra lập luận này đó là, ở Việt Nam đã phát hiện được một số tượng có kiểu dáng tương tự được chôn trong mộ gạch cùng với rất nhiều đồ tùy táng khác, trong đó có những hiện vật như công cụ sản xuất, nhạc khí mang phong cách Đông Sơn.

Ngành khảo cổ học giúp làm sáng tỏ nhiều nét văn hóa cổ (ảnh M.h). Ngành khảo cổ học giúp làm sáng tỏ nhiều nét văn hóa cổ (ảnh M.h).

Căn cứ vào quy mô và độ phong phú các đồ tùy táng của mộ, ông suy đoán rằng, chỉ có những thủ lĩnh, gia đình giầu có thì mới có được những tượng như là cây đèn hình người quỳ nhằm thể hiện quyền uy, giàu có, danh giá...

Dấu ấn giao lưu với văn hóa La Mã

Qua những cách miêu tả chi tiết trên bức tượng, hầu hết các học giả thống nhất, quan điểm cây đèn hình người quỳ mang phong cách La Mã. Nhưng lý giải về con đường nào dẫn đến những giao thoa văn hóa này thì còn nhiều ý kiến chưa đồng nhất.

Tiến sĩ Ngô Thế Phong nhận xét, tượng cây đèn hình người quỳ là hiện vật độc đáo trong số ít những cây đèn cùng loại thuộc thời kỳ hậu Đông Sơn, phản ánh sự giao thoa giữa văn hóa Đông Sơn với các nền văn hóa khác. Cây đèn với hình khối tạo tác và hoa văn trang trí thể hiện tài năng nghệ thuật, tư duy thẩm mỹ và khả năng tiếp nhận, thích ứng của người Việt cổ hàng ngàn năm trước

Tiến sĩ Ngô Thế Phong cũng cho rằng, một số đặc điểm trên khuôn mặt như mũi, râu, mắt và mũ, chạc đèn... có ảnh hưởng từ bên ngoài. Cụ thể, khuôn mặt hơi dài, mũi cao, mắt hình thấu kính, ria cong vểnh, râu quai nón, mũ đội, chưa gặp trên các tượng Đông Sơn khác. Hình người gắn trên vai đỡ một chạc hình chữ S có đĩa đèn phụ cũng không phải là phong cách quen thuộc của nghệ thuật Đông Sơn.

Tượng cây đèn hình người quỳ mang dấu ấn giao thoa với văn hóa La Mã. Tượng cây đèn hình người quỳ mang dấu ấn giao thoa với văn hóa La Mã.

Vậy tại sao lại có sự giao thoa sớm như vậy với Địa Trung Hải cách đây 2000 năm? Hiện nay có 2 giả thiết về tiếp xúc văn hóa. Ý kiến thứ nhất là bằng đường biển, qua Trung Đông, tiểu lục địa Ấn Độ đến Đông Nam Á. Ý kiến thứ hai là bằng con đường lục địa, qua Trung Quốc đến Việt Nam. Bằng chứng cho giả thiết này là các phát hiện khảo cổ ở Vân Nam (Trung Quốc) có phát hiện được một vài tượng nhỏ hình người quỳ, gần giống với cây đèn hình người quỳ ở Lạch Trường.

Trong hai giả thiết trên, Tiến sĩ Ngô Thế Phong thiên về luồng ý kiến thứ nhất là văn hóa hậu Đông Sơn tiếp xúc với văn hóa La Mã qua đường biển. Hiện, ở Thái Lan đã tìm thấy cây đèn La Mã bằng đồng ở Pông Tuk (tỉnh Kanchanaburi, miền Trung Thái Lan), hay những đồng tiền La Mã trong văn hóa Óc Eo ở miền Nam Việt Nam và những đồng tiền tương tự ở Quảng Đông (Trung Quốc) có niên đại khoảng đầu Công nguyên, cùng thời với niên đại của cây đèn hình người quỳ.

HIẾU ANH