Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Trăn trở về một miền di sản: Gặp những người “níu giữ” di sản (Bài 2)

Thanh Hải - 09:16, 18/05/2024

Trăn trở, đau đáu với những giá trị, bản sắc văn hoá của dân tộc trước nguy cơ mai một, biến mất… những người có trách nhiệm đã đánh cược với thời gian, chỉ để níu giữ di sản cho hậu thế.

Phụ nữ Ơ Đu trong trang phục truyền thống. Ảnh: TL
Phụ nữ Ơ Đu trong trang phục truyền thống. Ảnh: TL

“Vạch rừng” tìm di sản

Chúng tôi gặp ông Vi Tân Hợi (người dân tộc Thái ở thị trấn Thạch Giám, Tương Dương, Nghệ An) không biết bao nhiêu lần. Có lẽ hồi ấy, do ông là vị Phó chủ tịch UBND huyện phụ trách văn xã đầy tâm huyết, trách nhiệm. Bẵng đi nhiều năm, chúng tôi lại được biết ông đang đau đáu với việc phục dựng chữ viết và ngôn ngữ của người Ơ Đu.

Theo những tài liệu thu thập được, ông Hợi kể: Qua tìm hiểu, tôi được biết người Ơ Đu có chữ viết và tiếng nói riêng. Một số già làng, thầy mo hiện tại của bản vẫn đang sử dụng tiếng nói và chữ viết Ơ Đu vào những hoạt động tín ngưỡng của tộc người này. Trong những nỗ lực tìm kiếm tiếng nói và chữ viết Ơ Đu, tôi đã cùng đoàn công tác của huyện Tương Dương sang tận bên Lào để tìm hiểu về những nét tương đồng về ngôn ngữ, chữ viết Ơ Đu. Sau đó, nhiều buổi tập huấn truyền dạy chữ viết và tiếng nói Ơ Đu cũng đã được tổ chức cho người dân bản Văng Môn, như là một cách để gìn giữ nét văn hóa cổ truyền của dân tộc.

Kray Sức – một nghệ nhân xã Tà Rụt huyện Đakrông (Quảng Trị) quyết tâm phục hồi, bảo tồn theo cách của riêng mình. Ảnh minh họa
Kray Sức – một nghệ nhân xã Tà Rụt huyện Đakrông (Quảng Trị) quyết tâm phục hồi, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Pa Cô theo cách của riêng mình. Ảnh minh họa

Cũng như nhiều dân tộc khác, bản sắc văn hóa người Pa Cô đang dần mai một. Những người làm được đàn Ta lư, hát dân ca Pa Cô, chơi được nhạc cụ truyền thống thưa vắng dần...

Không thể để văn hóa của người Pa Cô mai một, Kray Sức - một nghệ nhân xã Tà Rụt huyện Đakrông (Quảng Trị) quyết tâm phục hồi, bảo tồn theo cách của riêng mình. “Năm 2004, tôi bắt đầu việc sưu tầm, lưu giữ hình ảnh, tư liệu, ghi chép về văn hóa Pa Cô”, ông Kray Sức cho biết.

Thế rồi, những năm tháng sau đó, bước chân Kray Sức đã rong ruổi khắp các bản làng ở miền Tây tỉnh Quảng Trị, thậm chí sang cả nước bạn Lào chỉ để sưu tầm văn hóa người Pa Cô. Đi đến đâu, gặp ai, Kray Sức cũng chụp ảnh, tỉ mẩn ghi chép văn hoá, lễ hội, làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ… của người Pa Cô. 

Hết sưu tầm, quảng bá cho mọi người hiểu và biết; chính Kray Sức đã lại trao truyền cho thế hệ trẻ về văn hóa Pa Cô. Ngoài dạy hát dân ca, ông còn hướng dẫn mọi người cách chơi đàn Ta lư. Sự say mê không mệt mỏi của ông cũng đã có kết quả, khi nhiều người dân bên dòng Đakrông đã bắt đầu chơi được đàn Ta lư và hát được vài làn điệu dân ca dân tộc mình.

Bên trong ngôi nhà trình tường vừa được ông Lỳ Xuyến Phù ở bản A Pa Chải (xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) phục dựng. Ảnh: Thành Đạt – Sơn Bách
Ngôi nhà trình tường vừa được ông Lỳ Xuyến Phù ở bản A Pa Chải (xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) phục dựng. Ảnh: Thành Đạt – Sơn Bách

Ở vùng Tây Bắc của tổ quốc, đã hơn 40 năm qua, các thế hệ dân tộc Hà Nhì ở bản A Pa Chải (xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) ít được nhìn thấy ngôi nhà trình tường truyền thống, bởi trong dòng chảy hiện đại, nhiều gia đình đã chuyển sang làm nhà gỗ, nhà xây. Đau đáu với cội nguồn, ông Lỳ Xuyến Phù đã quyết định phục dựng lại ngôi nhà truyền thống của dân tộc mình để con cháu hiểu được giá trị văn hóa truyền thống của tổ tiên.

Ông Phù kể, ông đã cùng con cháu trong gia đình làm việc liên tục trong 14 ngày, chưa kể thời gian chuẩn bị nền và nguyên vật liệu. Đất sét được chọn loại có độ dẻo đặc biệt để kết hợp với đá non mà đắp tường. Còn mái nhà, cũng chọn lựa loại cỏ tranh thích hợp để lợp lên. 

"Đất sét và đá non, tôi đã phải đi cách nhà 8km để tìm đấy. Còn mái lá, cũng mất mấy chục km vượt rừng tìm mua. Tôi mãn nguyện vì đã làm được việc đầy ý nghĩa cho thế hệ sau", ông Phù bộc bạch.

Hòa thượng Chau Sơn Hy trụ trì chùa Sà Lôn (xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) (thứ 6 từ trái sang) hướng dẫn các sư sãi viết kinh lá buông). Ảnh minh họa
Hòa thượng Chau Sơn Hy, trụ trì chùa Sà Lôn (xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) (thứ 6 từ trái sang) hướng dẫn các sư sãi viết Kinh lá buông). Ảnh minh họa

Và chính quyền đồng hành

Về các bản làng hôm nay, chúng tôi như vui lây niềm vui của người dân, khi những di sản văn hóa truyền thống đang được gìn giữ, lưu truyền bằng cách này hay cách khác.

Còn nhớ, những năm tháng nghệ nhân Kray Sức ra sức bảo tồn văn hóa người Pa Cô, cấp ủy, chính quyền huyện Đakrông cũng đã không đứng ngoài cuộc. Nhiều địa phương  đã có quy định khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc Pa Cô mặc trang phục truyền thống vào thứ 2 mỗi tuần; tổ chức nhiều cuộc thi trình diễn văn hoá truyền thống, phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, gìn giữ văn hóa người Pa Cô…

Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Khan (sử thi) của người Ê Đê, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức cho người dân thực hành diễn xướng, hát kể sử thi tái hiện lại không gian xưa cũ khi thực hành loại hình văn hóa độc đáo này trên vùng đất Tây Nguyên. 

Quá trình các nghệ nhân diễn xướng sử thi: Những nét cơ bản về lối hát kể khan, cách láy luyến làn điệu với lời hát kể; phương thức thực hành kỹ năng diễn xướng cũng như cách ứng tác và ngẫu hứng sáng tạo trong nghệ thuật diễn xướng sử thi… đã được ghi âm, ghi hình làm tư liệu phục vụ cho truyền dạy, quảng bá tinh hoa nghệ thuật này rộng rãi hơn trong cộng đồng các DTTS Tây Nguyên.

Nghệ nhân người Ê Đê thực hành hát kể sử thi trong nhà dài. Ảnh: Minh Đức
Nghệ nhân người Ê Đê thực hành hát kể sử thi trong nhà dài. Ảnh: Minh Đức

Một trong những điểm nhấn của công cuộc bảo vệ, níu giữ di sản chính là sự tái hiện bản sắc văn hóa, nét đặc trưng của từng dân tộc tại Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Khu vực này tái hiện lại đời sống, nếp sinh hoạt của các dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Bước chân vào làng văn hóa các dân tộc Việt Nam ở Khu du lịch Đồng Mô, chúng ta như đi giữa ngày hội văn hóa đa sắc màu, vừa cuốn hút, mời gọi, vừa lạ lẫm, vừa độc đáo…

Ở vùng đồng bào DTTS hiện có hàng ngàn di tích lịch sử-văn hóa, nhiều giá trị truyền thống… vẫn còn lưu giữ có sự tâm huyết, trăn trở và trách nhiệm của mỗi người dân, của các cấp chính quyền. Nhưng, vẫn còn đó nhiều giá trị di sản đã mai một, trở thành phế tích do một thời gian dài thiếu sự quan tâm, đầu tư, bảo vệ của người dân và chính quyền địa phương.

Trong hành trình phục dựng di sản, dẫu đã có hành lang pháp lý vững chắc, cùng với ý thức của người dân ngày một nâng cao…, nhưng rõ ràng là vẫn đang thiếu không chỉ kinh phí mà còn thiếu cả nhân lực, trang thiết bị, kỹ thuật. Bởi, có những di sản với độ tinh xảo và quá trình chế tác công phu, thì không chỉ bằng tâm huyết, sức lao động đơn thuần là có thể đã phục dựng được...

Tin cùng chuyên mục
Những điểm sáng ở huyện miền núi Quế Phong

Những điểm sáng ở huyện miền núi Quế Phong

Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, thu nhập bình quân đầu người tăng, cơ sở hạ tầng có nhiều khởi sắc… là những điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội huyện miền núi Quế Phong (Nghệ An). Trong đó một niềm vui lớn hơn đến từ việc chuyển biến về nhận thức, suy nghĩ của bà con dân bản, khi nơi đây từng "điểm nóng" về tảo hôn thì nay Quế Phong đã thành điểm sáng trong công tác phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết.