Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Trăn trở cùng giáo dục nghề nghiệp: Gỡ nút thắt trong đào tạo liên thông ( Bài 2 )

Sỹ Hào - 11:09, 12/06/2020

Những quy định mới về mô hình vừa học nghề, vừa học văn hóa cho học sinh (HS) tốt nghiệp THCS theo Luật Giáo dục 2019 sẽ là hướng mở cho giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Nhưng để đạt mục tiêu, cần phải gỡ những nút thắt, nhất là khâu liên thông trong đào tạo.

Phải gỡ những “nút thắt” trong GDNN để trường ĐH không phải là lựa chọn duy nhất cho HS. (Ảnh minh họa)
Phải gỡ những “nút thắt” trong GDNN để trường ĐH không phải là lựa chọn duy nhất cho HS. (Ảnh minh họa)

Xóa rào cản tâm lý khoa bảng

Trong số báo 1629, ra ngày 10/6/2020, Báo Dân tộc và Phát triển đã phản ánh tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” trong lực lượng lao động (LLLĐ) hiện nay. Chính tâm lý “khoa bảng” của phụ huynh - chỉ muốn con em mình làm “thầy”, là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng hàng trăm nghìn cử nhân, kỹ sư đang trong cảnh thất nghiệp.

Điều này không chỉ lãng phí nguồn lực của gia đình, của xã hội mà quan trọng hơn là tạo ra sức ỳ rất lớn trong sự phát triển của LLLĐ trong thời kỳ hiện đại hóa sản xuất. Trong khi đó, những năm gần đây, GDNN đã chuyển mình mạnh mẽ để thích ứng nhu cầu xã hội, nhất là trong lĩnh vực LĐ, việc làm.

Theo thông tin từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), năm 2018, tỷ lệ sinh viên học nghề tốt nghiệp có việc làm đạt khoảng 85%. Những trường có uy tín về chất lượng đào tạo nghề, có quan hệ tốt với doanh nghiệp có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm ngay ở mức cao như Trường Cao đẳng (CĐ) Cơ điện Hà Nội, Trường CĐ nghề số 1... tỷ lệ có việc làm đạt 100%.

Điều này khẳng định, việc đẩy mạnh GDNN cho HS tốt nghiệp THCS là hướng đi tất yếu, giúp giảm tải áp lực LĐ, việc làm trước thực trạng “thừa thầy, thiếu thợ” như hiện nay. Nhưng để HS, phụ huynh mặn mà với GDNN thì phải có những cơ chế, chính sách thông thoáng hơn, đầu tiên là để xóa bỏ tâm lý “khoa bảng” đã ăn sâu vào nếp nghĩ.

Được biết, hiện GDNN đang tích cực triển khai mô hình 9+, tức là vừa học nghề, vừa học văn hóa. Đây không phải là mô hình mới, nhưng hiện đã có những thay đổi để phù hợp với tâm lý “khoa bảng” của đại đa số phụ huynh, HS. Bởi, theo Luật Giáo dục 2019, có hiệu lực từ ngày 1/7/2020, khi tham gia mô hình học nghề 9+, HS sau khi lấy bằng trung cấp và có thể thi, học liên thông lên CĐ, ĐH hệ chính quy. Mô hình 9+ vừa giúp tiết kiệm thời gian, tiền bạc cho người học, vừa mở ra con đường lập thân, lập nghiệp cho giới trẻ, đồng thời cũng đáp ứng được cơ bản tâm lý “con phải hay chữ” của đại đa số phụ huynh.

Tháo gỡ cơ chế liên thông

Việc rộng mở các cơ hội phía trước mà vẫn rút ngắn thời gian đào tạo cho phép HS chủ động với tương lai của mình sau này là lựa chọn phù hợp cho nhiều HS tốt nghiệp THCS. Nhưng để hướng đi này thêm sức thuyết phục thì phải có cơ chế liên thông học văn hóa, tạo điều kiện tối đa cho HS có trình độ đạt chuẩn để đáp ứng được nhu cầu học lên cao hơn.

Để liên thông từ trung cấp nghề lên CĐ, ĐH, một trong những áp lực đối với HS phải học thêm 1 năm để lấy bằng văn hóa. Trong khi đó, toàn bộ phần văn hóa này thuộc quản lý nhà nước của Bộ GD&ĐT; còn GDNN lại thuộc phần quản lý của Bộ LĐTB&XH.

Các cơ sở GDNN không có chức năng dạy kiến thức văn hóa nên phải liên kết với các Trung tâm giáo dục thường xuyên. Đây là “nút thắt” trong việc liên thông trong GDNN, khiến HS giảm đi sự hào hứng khi tham gia học nghề sau khi tốt nghiệp THCS.

Luật Giáo dục 2019 đã có những hướng dẫn để tháo gỡ “nút thắt” này. Tại Điều 28 của luật này có nêu: HS trong cơ sở GDNN được học kiến thức giáo dục phổ thông trong cơ sở GDNN theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Nhưng hướng dẫn trong Luật Giáo dục chỉ mang tính nguyên tắc, không quy định cụ thể những vấn đề trên mà chỉ nêu nguyên tắc, cơ chế, tạo hành lang pháp lý để triển khai thực hiện liên thông. Vì thế, việc thực thi những quy định “chung chung” này như thế nào lại là một vấn đề khác, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữ Bộ GD&ĐT, Bộ LĐTB&XH.