Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Trà Vinh chú trọng nâng cao mức sống cho đồng bào DTTS

Minh Thu - 06:33, 14/04/2024

Nằm ở phía Đông Nam vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Trà Vinh có diện tích tự nhiên 2.390km2; có số dân trên 1 triệu người, trong đó dân tộc Khmer chiếm trên 31%. Những năm qua, các địa phương trong tỉnh Trà Vinh đã thực hiện tốt chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào Khmer, trọng tâm là Chương trình MTQG 1719… Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Khmer trong tỉnh Trà Vinh ngày càng phát triển.

Mùa vàng ở Trà Vinh.
Mùa vàng ở Trà Vinh.

Bước phát triển mới

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình MTQG 1719), năm 2023, tỉnh Trà Vinh bố trí tổng nguồn vốn gần 626 tỷ đồng để thực hiện các dự án nâng cao mức sống cho đồng bào DTTS, chủ yếu là đồng bào dân tộc Khmer. Trong đó, ngân sách Trung ương gần 302 tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 45 tỷ đồng, vốn vay tín dụng chính sách trên 221 tỷ đồng, số tiền còn lại là nguồn huy động hợp pháp.

Cùng các cán bộ xã Phước Hưng, huyện Trà Cú, chúng tôi đến thăm gia đình bà Thạch Thị Nhiên, ở ấp Chòm Chuối. Trước đây, gia đình bà Nhiên thuộc diện hộ cận nghèo, không đất sản xuất, hàng ngày, chồng bà Nhiên đi mua dừa trái bán lại kiếm lời trang trải cuộc sống. Hơn 10 năm nay, bà Nhiên ở nhà chăm sóc đứa con khuyết tật bẩm sinh, mọi chi tiêu, sinh hoạt nhờ vào đồng tiền kiếm được từ người chồng, cuộc sống khó khăn lại càng khó khó khăn hơn. Năm 2022, gia đình bà được hỗ trợ con bò sinh sản trị giá 15 triệu đồng, sau hơn 1 năm chăn sóc, con bò đã sinh sản được 1 con bê.

Nhận thấy bà Nhiên nuôi bò “mát tay”, 2 người anh họ đã mua 2 con bò cho bà Nhiên nuôi, đến khi bò sinh sản thì sẽ chia nhau. Đến nay, đàn bò đã được 5 con, là động lực và là cơ hội để gia đình bà Nhiên phát triển, vươn lên thoát nghèo.

Thời gian qua, tỉnh đã đi đúng hướng là tập trung nguồn vốn đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo. Tỉnh cũng hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào DTTS đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, giúp hộ nghèo tăng thu nhập để cải thiện cuộc sống.

Ông Kiên NinhTrưởng Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh

Thực hiện Tiểu Dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG 1719, tỉnh Trà Vinh đã triển khai dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS. Theo đó, các chương trình hỗ trợ vốn cho đồng bào, tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất, nâng cao sản lượng và chất lượng cây lúa... được các địa phương trong tỉnh triển khai kịp thời đến với đồng bào Khmer. Nhờ đó đã giúp đồng bào thay đổi đổi tập quán canh tác lạc hậu, từng bước tạo việc làm, ổn định đời sống, vươn lên thoát nghèo.

Các mô hình sản xuất, mô hình kinh tế có hiệu quả trong vùng đồng bào Khmer như: cánh đồng lớn ở xã Tập Ngãi, huyện Tiểu Cần, xã Châu Điền, huyện Cầu Kè, vùng sản xuất lúa chất lượng cao ở xã Nhị Trường, Trường Thọ, huyện Cầu Ngang… đã góp phần nâng cao năng lực sản xuất, khả năng cung ứng và tiêu thụ hàng hóa trong vùng đồng bào dân tộc Khmer. Đời sống của đồng bào Khmer chuyển biến rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm sâu qua từng năm.

Từ trồng cây màu xen canh, anh Kim Sà Phol, ấp Xóm Chòi, xã Ngãi Xuyên, huyện Trà Cú (ngoài cùng bên trái) đã có thu nhập ổn định. Ảnh: Gia Uyên.
Từ trồng cây màu xen canh, anh Kim Sà Phol, ấp Xóm Chòi, xã Ngãi Xuyên, huyện Trà Cú (ngoài cùng bên trái) đã có thu nhập ổn định. Ảnh: Gia Uyên.

Như ở xã Trường Thọ, huyện Cầu Ngang, nhờ tiếp cận và ứng dụng kỹ thuật tiến bộ mới vào canh tác lúa, gia đình nông dân Kiên Cơne, ấp Sóc Cụt đã ổn định kinh tế. Ông Kiên Cơne chia sẻ: Từ vụ Đông - Xuân năm 2021 - 2022, gia đình đã ứng dụng mô hình canh tác lúa thông minh thích ứng biến đổi khí hậu, tiết giảm lượng lúa giống, kết hợp với phân bón thông minh đem lại hiệu quả kinh tế rất cao. Năng suất lúa đạt bình quân 8 tấn/ha. Trong những vụ tới, gia đình sẽ vận động các hộ xung quanh để cùng thực hiện canh tác lúa thông minh.

Đưa kinh tế vùng đồng bào Khmer ngày càng phát triển

Thực hiện Chương trình MTQG 1719, trong năm 2023, tỉnh Trà Vinh thực hiện hỗ trợ đất ở cho hơn 40 hộ DTTS, nhà ở cho hơn 525 hộ, chuyển đổi nghề cho khoảng 275 hộ, nước sinh hoạt phân tán cho 38 hộ, đầu tư xây dựng hai công trình nước tập trung. Đồng thời, tỉnh thực hiện một dự án trồng cây dược liệu quý tại huyện Trà Cú; hỗ trợ xây dựng mô hình khởi nghiệp; tạo việc làm, tăng thu nhập cho hơn 60% hộ đồng bào DTTS và hộ nghèo dân tộc Kinh, cận nghèo ở ấp đặc biệt khó khăn.

Có thể nói, những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và sự quan tâm của các cấp, các ngành cùng sự vào cuộc quyết liệt, sâu sát của các địa phương đối với công tác chăm lo cho đồng bào dân tộc Khmer đã đáp ứng đúng tâm tư, nguyện vọng của hộ dân. Chính sự quan tâm đó đã tạo cơ hội để đồng bào dân tộc Khmer có điều kiện lao động, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần đưa kinh tế vùng có đông đồng bào Khmer trong tỉnh Trà Vinh ngày càng phát triển.

Anh Kiên Như, ấp Đôn Chụm, xã Tân Sơn, huyện Trà Cú, chăm sóc đàn bò từ nguồn vốn vay theo Nghị định số 28/2022/NĐ - CP của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình MTQG 1719. Ảnh: Hữu Lợi.
Anh Kiên Như, ấp Đôn Chụm, xã Tân Sơn, huyện Trà Cú, chăm sóc đàn bò từ nguồn vốn vay theo Nghị định số 28/2022/NĐ - CP của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình MTQG 1719. Ảnh: Hữu Lợi.

Đời sống đồng bào Khmer Trà Vinh không ngừng nâng lên, đó là kết quả triển khai thực hiện kịp thời nhiều Nghị quyết, chính sách dân tộc. Ông Kiên Ninh, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh cho biết: Thời gian qua, tỉnh đã đi đúng hướng là tập trung nguồn vốn đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo. Tỉnh cũng hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào DTTS đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, giúp hộ nghèo tăng thu nhập để cải thiện cuộc sống.

“Đi đôi với đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất, các cấp, các ngành còn quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, vận động đồng bào chuyển đổi cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, hỗ trợ vốn, giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện sản xuất. Qua đó nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả đem lại thu nhập khá cao, góp phần tăng trưởng kinh tế của tỉnh...”, ông Kiên Ninh chia sẻ.