Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

TP. Hà Nội: Nâng cao năng lực cho cán bộ nữ DTTS tham gia vào các vị trí lãnh đạo trong hệ thống chính trị

Việt Cường - 15:45, 17/01/2023

Đây là một trong những nội dung hoạt động chính của Đề án “Tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và kiến thức pháp luật cho phụ nữ DTTS giai đoạn 2022 - 2025” trên địa bàn TP. Hà Nội, vừa được UBND Thành phố ban hành theo Quyết định số 73/QĐ-UBND ngày 5/1/2023 (Đề án 73).

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu dự Hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm các hoạt động Dự án “Chúng tôi có thể” vì trẻ em gái vùng DTTS
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu dự Hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm các hoạt động Dự án “Chúng tôi có thể” vì trẻ em gái vùng DTTS

Thời gian qua, TP. Hà Nội đã chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và huy động nguồn lực hỗ trợ nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho phụ nữ vùng đồng bào DTTS, thông qua đó, góp phần thúc đẩy việc nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật và thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu bình đẳng giới (BĐG) khu vực DTTS và miền núi.

Các cấp Hội Phụ nữ TP. Hà Nội đã chủ động, tích cực triển khai hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về BĐG và kiến thức pháp luật cho phụ nữ DTTS; vận động cán bộ, hội viên phụ nữ DTTS thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác dân tộc; tuyên truyền nâng cao nhận thức về BĐG, về vai trò, vị trí của phụ nữ DTTS trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào DTTS và miền núi; triển khai các chương trình truyền thông hành động vì BĐG và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới; nâng cao nhận thức về giới, BĐG, phòng chống buôn bán phụ nữ, trẻ em, di cư tự do, tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống... gắn với triển khai các đề án, dự án, các hoạt động của Trung ương, Thành phố về công tác dân tộc và việc triển khai thực hiện các phong trào thi đua và nhiệm vụ trọng tâm công tác Hội.

Với mục tiêu tuyên truyền, nâng cao nhận thức về BĐG và ý thức chấp hành pháp luật của phụ nữ DTTS; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ, báo cáo viên, tuyên truyền kiến thức về giới và BĐG tại các địa bàn vùng DTTS và miền núi của TP. Hà Nội, góp phần thực hiện mục tiêu BĐG và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi, Đề án 73 sẽ tập trung triển khai tại 14 xã DTTS thuộc 5 huyện (Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức và Chương Mỹ); với đối tượng thụ hưởng là cán bộ, hội viên, phụ nữ DTTS, cán bộ trong hệ thống chính trị cấp xã, báo cáo viên, tuyên truyền viên về BĐG và pháp luật trong hệ thống Hội tại địa bàn vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Đề án xác định một số chỉ tiêu cơ bản như: Phấn đấu 100% báo cáo viên, tuyên truyền viên, cán bộ Hội; 90% trở lên phụ nữ tại địa bàn các xã DTTS và miền núi được tuyên truyền kiến thức về BĐG có liên quan đến phụ nữ; thành lập mới 14 tổ truyền thông cộng đồng tuyên truyền về BĐG và kiến thức pháp luật cho phụ nữ người DTTS tại các xã có đông đồng bào DTTS; tổ chức 3 chiến dịch truyền thông về BĐG và kiến thức pháp luật cho phụ nữ người DTTS tại địa bàn 5 huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức; xây dựng 62 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng về phòng chống bạo lực gia đình được củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động…

Thực hiện Đề án 73, TP. Hà Nội sẽ triển khai biên soạn tài liệu, tập huấn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cán bộ nòng cốt làm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức BĐG; tổ chức 42 cuộc tuyên truyền tại 5 huyện và 14 xã về kiến thức BĐG, tuyên truyền phổ biến pháp luật, tư vấn cho phụ nữ DTTS về giới, BĐG và tiến bộ của phụ nữ; sử dụng hiệu quả các kênh truyền thông đại chúng, kênh thông tin của Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội; thành lập, nâng cao chất lượng các mô hình tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật; nâng cao chất lượng hoạt động các mô hình thực hiện BĐG và mô hình tuyên truyền pháp luật đang có, như: “Tủ sách phụ nữ và BĐG”; “Nhóm tư vấn pháp luật cho phụ nữ DTTS”; “Nhóm nòng cốt tuyên truyền pháp luật”; Câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật”; nâng cao năng lực cho cán bộ nữ DTTS tham gia vào các vị trí lãnh đạo trong hệ thống chính trị; trang bị kiến thức BĐG, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng thôn và Người có uy tín trong cộng đồng...

Việc triển khai Đề án “Tuyên truyền nâng cao nhận thức về BĐG và kiến thức pháp luật cho phụ nữ DTTS giai đoạn 2022 - 2025” sẽ góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, BĐG của phụ nữ DTTS, thúc đẩy việc thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn TP. Hà Nội.