Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Tọa đàm giới thiệu Văn hóa Trà Việt

Nguyệt Anh - 08:38, 29/08/2024

Tại TP. Hồ Chí Minh vừa diễn ra Tọa đàm “Văn minh trà Việt trong phát triển kinh tế và du lịch”. Đây là tọa đàm đầu tiên trong chuỗi các tọa đàm, workshop do Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam cùng Công ty TNHH Trà và Đặc sản Tây Bắc phối hợp tổ chức trong năm 2024.


Các diễn giả trao đổi tại tọa đàm “Văn minh trà Việt trong phát triển kinh tế và du lịch”
Các diễn giả trao đổi tại Tọa đàm “Văn minh trà Việt trong phát triển kinh tế và du lịch”

Tọa đàm nhằm tìm hiểu, bảo tồn và lan tỏa giá trị văn hóa, kinh tế, du lịch của Trà Việt đến với công chúng. Sự kiện với sự tham gia của đại biểu đại diện các cơ quan, ban ngành, các doanh nghiệp, nhà nghiên cứu…

Trà đã từ lâu không chỉ đơn thuần là một loại đồ uống mà còn là biểu tượng của văn hóa và truyền thống ở nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, trà có mặt trong đời sống hằng ngày và các nghi lễ quan trọng, từ những cuộc gặp gỡ bạn bè đến các dịp lễ hội.

Trà Việt được biết đến với sự đa dạng về chủng loại và hương vị, từ trà xanh nhẹ nhàng đến trà Shan tuyết đậm đà, tất cả đều phản ánh sự tinh tế và phong phú của văn hóa Việt Nam.

Trà không chỉ là sản phẩm của thiên nhiên mà còn là kết quả của nghệ thuật chế biến và thưởng thức đã được truyền qua nhiều thế hệ. Văn minh trà không chỉ phản ánh sự tinh tế trong nghệ thuật thưởng trà mà còn phản ánh các giá trị văn hóa, truyền thống và phong tục tập quán của mỗi quốc gia.

 Pha trà mời khách là nét đẹp văn hóa Việt (Ảnh: HNV)
Pha trà mời khách là nét đẹp văn hóa Việt. (Ảnh: HNV)

Trà Việt, với hương vị độc đáo và phương pháp chế biến riêng biệt, là một phần quan trọng trong di sản văn hóa của đất nước. Văn hóa thưởng trà tuy đã có nhiều thay đổi theo thời gian, nhưng, nghệ thuật thưởng thức trà của người Việt vẫn mang những nét đẹp riêng và phản ánh được những phong tục, tính cách của người Việt. Việc uống trà không đơn giản là chỉ để giải khát, để giữ gìn sức khỏe mà uống trà còn để thể hiện nét văn hóa, một thú chơi tao nhã của những người đã nếm trải mọi sự và thấy trong chén trà vị đắng cay ngọt bùi đầy đủ của cuộc đời...

Việt Nam, với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng lý tưởng, có tiềm năng lớn để phát triển ngành trà. Các vùng trà nổi tiếng như Thái Nguyên, Bảo Lộc và các khu vực miền núi phía Bắc không chỉ cung cấp trà chất lượng cao mà còn đóng góp vào sự đa dạng văn hóa của trà Việt.

Theo các chuyên gia trong ngành, việc kết hợp giữa truyền thống và đổi mới công nghệ là chìa khóa để nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của trà Việt trên thị trường toàn cầu.

Tuy nhiên, để tận dụng tiềm năng này, cần có các chiến lược rõ ràng và đồng bộ trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường quốc tế.

Tại tọa đàm, các chuyên gia thảo luận 3 nội dung quan trọng về trà Việt gồm: Biên niên sử trà Việt – cái nôi phát tích trà của nhân loại; Nghệ thuật thưởng trà Việt; Bảo tồn và phát triển nâng tầm nền văn minh trà Việt hoà nhập toàn cầu.

 Trà shan tuyết cổ thụ ở Bản Bẹ, Tà Xùa, Sơn La (Ảnh: PV)
Trà shan tuyết cổ thụ ở Bản Bẹ, Tà Xùa, Sơn La. (Ảnh: PV)

Theo Hiệp hội, bảo tồn và lan tỏa về Văn hóa Trà Việt đến công chúng cả trong nước và quốc tế chính là cách mang lại những kiến thức, thông tin và giá trị, ứng dụng thực tiễn cho người nghe, đặc biệt là các khán giả trẻ, góp phần phát triển sản phẩm trà của Việt Nam ra thế giới. Đồng thời, cũng qua đó kích cầu du lịch và kinh tế với những chủ đề về điểm đến và ứng dụng của trà Việt. Theo đó, trong năm 2024, Hiệp hội sẽ tổ chức các buổi tọa đàm, workshop mang phong cách chuyên nghiệp, gần gũi và chia sẻ hữu ích của các diễn giả, chuyên gia, khách mời là chủ các doanh nghiệp xoay quanh câu chuyện về trà Việt, tạo ra các nơi gặp gỡ giao lưu, chia sẻ của diễn giả và khách mời là các nhà nghiên cứu, nghệ nhân, chủ doanh nghiệp thuộc lĩnh vực văn hóa trà và sản phẩm trà cùng các bạn sinh viên trong ngành du lịch - nhà hàng - khách sạn.

Cụ thể, sau Tọa đàm “Văn minh trà Việt trong phát triển kinh tế - du lịch” sẽ là Tọa đàm Lan tỏa Văn hóa trà Việt ra toàn cầu giới thiệu trà và Điểm đến Văn hóa du lịch (dự kiến trong tháng 9/2024); Trà Việt và công dụng của trà (dự kiến trong tháng 10/2024); Trà Việt và bánh Âu (dự kiến trong tháng 10/2024); Thưởng trà đạo (Nghi lễ ngày Tết, dự kiến tháng 11 - 12/2024).