Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Tín hiệu vui từ vùng đất khó

Thanh Hải - 16:45, 18/02/2024

Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, tốc độ tăng trưởng GDP tăng, bộ mặt bản làng đổi thay, an sinh xã hội được đảm bảo… là những thông số đầy khởi sắc ở khu vực miền Trung nói chung, Tây Duyên hải miền Trung nói riêng. Bước chuyển ấy có một phần quan trọng từ việc triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách dân tộc trong những năm qua.

Bộ đội Biên phòng cùng đồng bào Chứt gói bánh chưng đón Tết
Bộ đội Biên phòng cùng đồng bào Chứt gói bánh chưng đón Tết

Khởi sắc trên những vùng đất khó

Lên huyện 30a Quế Phong, tỉnh Nghệ An dịp này, sự tươi mới của cuộc sống ấm no hiện qua những đồi keo xanh mướt; những con đường nội bản, những ngôi trường, trụ sở UBND xã mới dựng xây đưa vào sử dụng… Tương lai mới còn hiện hữu trong những mô hình sinh kế hiệu quả của bà con các DTTS.

Trong niềm hứng khởi ấy, Chủ tịch UBND huyện Quế Phong Dương Hoàng Vũ hồ hởi: Tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của huyện chỉ còn 34,6%, giảm 5% so với 2022 và giảm hơn 10% so với đầu nhiệm kỳ. Thu nhập bình quân đầu người cũng tăng từ 29 triệu đồng đầu nhiệm kỳ lên 35,7 triệu đồng vào cuối năm 2023. Trong vùng đồng bào DTTS đã xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế từ trồng rau màu, chăn nuôi, phát triển cây quế quỳ, chè hoa vàng… cho thu nhập cao.

Ở vùng cao tỉnh Quảng Trị, trong hai năm 2022 – 2023, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), huyện Đakrông được phân bổ kế hoạch vốn đầu tư phát triển là 130,805 tỷ đồng và vốn sự nghiệp là 78,173 tỷ đồng. Từ các nguồn vốn được phân bổ, huyện đã áp dụng cơ chế đặc thù để thực hiện 62/101 dự án.

Bên cạnh đó, địa phương cũng đã huy động lồng ghép các nguồn vốn từ nguồn ngân sách Nhà nước, vốn tín dụng, vốn doanh nghiệp, vốn từ cộng đồng dân cư kết hợp nguồn vốn đối ứng để thực hiện Chương trình MTQG 1719.

Theo ông Thái Ngọc Châu, Chủ tịch UBND huyện Đakrông: Hộ nghèo cuối năm 2023 chỉ còn 38,04%, giảm 5,5% so với năm trước. Còn thu nhập bình quân đầu người cũng đã tăng từ 20,5 triệu đồng đầu nhiệm kỳ lên 32,8 triệu đồng hiện nay.

Huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An và huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị là hai trong nhiều địa phương ở 19 tỉnh vùng Trung Bộ có những bước chuyển mạnh mẽ kể từ khi các chương trình, dự án thuộc 3 Chương trình MTQG bắt đầu đầu tư kể từ đầu nhiệm kỳ.

Làng Chăm Thành Tín, xã Phước Hải, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) nhìn từ trên cao. (Ảnh FPV Ninh Thuận)
Làng Chăm Thành Tín, xã Phước Hải, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) nhìn từ trên cao. (Ảnh FPV Ninh Thuận)

Vẫn còn nhiều thách thức

Điều thấy rõ nhất trong bức tranh của vùng Tây Duyên hải miền Trung năm qua là tỷ lệ hộ nghèo giảm, tốc độ tăng trưởng sản phẩm trên địa bàn ngày càng tăng. Qua tổng hợp sơ bộ, một số tỉnh có đông đồng bào DTTS, tỷ lệ nghèo năm 2023 giảm nhanh như Quảng Nam giảm 10,4%, Quảng Trị 6,73%...

Dù đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội... nhưng thách thức, khó khăn ở vùng Trung Bộ còn rất nhiều, là những trở ngại không nhỏ, tác động đến việc thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn cũng như tác động đến sự vượt khó vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống mới của người dân.

Nhìn từ thực tế, khu vực miền Trung nói chung, Tây Duyên hải miền Trung nói riêng là vùng đất thường hứng chịu quá nhiều thiên tai, bão lũ… hằng năm đã gây ra nhiều thiệt hại về người, nhà ở, cơ sở hạ tầng của nhiều địa phương. Cũng bởi thiên tai, cùng với khí hậu khắc nghiệt và khó khăn nên tình hình sản xuất, đời sống trong đồng bào DTTS vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ DTTS sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, biên giới.

Nhìn nhận rõ khó khăn, thách thức để từ đó Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương vùng Trung Bộ có đường hướng tiếp tục biến tiềm năng, lợi thế thành sức mạnh nội sinh; có những quyết sách hợp lý để khai thác thế mạnh vùng đất vào phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả hơn.

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, thực hiện Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế của Chính phủ và thực hiện đồng thời 3 Chương trình MTQG, trọng tâm là Chương trình MTQG 1719 đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần đẩy mạnh phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, từng bước phát triển sản xuất, nâng cao đời sống đồng bào DTTS.”