Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Những thanh niên khởi nghiệp từ vùng đất khó

Quỳnh Trâm - 05:46, 01/11/2022

Sinh ra ở những vùng núi nghèo và lớn lên trong hoàn cảnh gia đình khó khăn, những người thanh niên này đều có ý chí và nghị lực vươn lên trong cuộc sống, luôn năng động, sáng tạo để tạo dựng sự nghiệp.

Anh Lê Văn Thương, không chỉ làm kinh tế giỏi, còn là cán bộ Đoàn năng động trong mọi phong trào, hoạt động của Đoàn thanh niên địa phương
Anh Lê Văn Thương, không chỉ làm kinh tế giỏi, còn là cán bộ Đoàn năng động trong mọi phong trào, hoạt động của Đoàn thanh niên địa phương

Là một trong những tấm gương thanh niên tiêu biểu dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo ở huyện miền núi Thường Xuân (Thanh Hóa) – đó là anh Lê Văn Thương, Bí thư chi Đoàn thôn Thống Nhất 1, xã Xuân Dương, huyện Thường Xuân.

Thương chia sẻ, sau thời gian theo học tại trường Cao đẳng công nghiệp Thanh Hóa, với những thành tích như: đạt giải nhất Kỳ thi tay nghề cấp trường; Giải nhì Kỳ thi tay nghề Thợ điện lạnh toàn tỉnh; giải nhất Kỳ thi tay nghề cấp tỉnh và giải khuyến khích Kỳ thi tay nghề Quốc gia, Thương đã quyết định trở về quê để phát triển kinh tế trên chính quê hương của mình.

Anh Thương nhớ lại, ngày đó với nguồn vốn ít ỏi ban đầu chỉ 10 triệu đồng, anh mua sắm trang thiết bị, bắt đầu bằng việc đi sửa chữa đồ điện tử điện lạnh tại các gia đình ở địa phương.

“Thời gian đầu, gặp không ít khó khăn. Ngoài số vốn ít ỏi không có đủ chi phí để mở được một cửa hàng nhỏ, còn chật vật với việc tiếp cận khách hàng, số lượng khách hàng còn khá khiêm tốn, thu nhập hàng tháng chỉ dư vài trăm nghìn đồng”, Thương nói.

Tuy gặp nhiều khó khăn nhưng với quyết tâm, trăn trở và ấp ủ phải mở được cửa hàng của riêng mình, anh vừa kết hợp nhận sửa chữa cho những khách có nhu cầu, vừa buôn bán những mặt hàng đã qua sử dụng. Cứ như vậy, nhờ tay nghề giỏi và sự giới thiệu của anh em bạn bè lượng khách hàng ngày càng nhiều, anh bắt đầu chuyển sang đầu tư những mặt hàng cao cấp như: tủ lạnh, điều hòa và một số mặt hàng mới. Đến nay, ngoài nhận làm khu vực trong huyện, anh còn nhận thi công các hệ thống điện lạnh công nghiệp lớn ở trong và ngoài tỉnh. Nhờ đó mà thu nhập tăng lên đáng kể với mức từ 15 – 20 triệu đồng/tháng. Ngoài ra anh còn đào tạo nghề và tạo việc làm cho 3 thanh niên tại địa phương.

Anh Thương chia sẻ: “Ở nghề này, những ngày nắng, mưa đi giao hàng, lắp đặt vất vả. Vì thế, nếu không yêu nghề và đủ chịu khó thì rất dễ nản mà từ bỏ. Dù nghề gì, khi đã quyết tâm theo phải dành trọn tâm sức và thời gian cho nó”.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, Thương còn là cán bộ Đoàn năng động, sáng tạo và luôn là người tiên phong đi đầu trong mọi phong trào, hoạt động của Đoàn thanh niên địa phương.

Mô hình chăn nuôi gà sạch theo tiêu chuẩn VietGAP của anh Quách Văn Bộ mang lại hiệu quả kinh tế cao
Mô hình chăn nuôi gà sạch theo tiêu chuẩn VietGAP của anh Quách Văn Bộ mang lại hiệu quả kinh tế cao

Ghi nhận những nỗ lực của Thương, nhiều năm liền anh được Chủ tịch UBND huyện, BCH huyện Đoàn Thường Xuân tặng Giấy khen.

Cũng là một trong số những thanh niên tiêu biểu được Tỉnh đoàn Thanh Hóa biểu dương, đó là anh Quách Văn Bộ, thôn Đồng Mọc, xã Mậu Lâm, huyện Như Thanh (Thanh Hóa).

Sinh ra trong gia đình thuần nông nghèo, Bộ luôn ấp ủ ước mơ làm sao để thoát nghèo. Dù có bằng đại học ngành Tài nguyên Môi trường, anh Bộ không có cơ duyên theo ngành học. Năm 2017, Bộ quyết định về lập nghiệp tại địa phương, anh mạnh dạn vay vốn để xây dựng mô hình chăn nuôi gà sạch theo tiêu chuẩn VietGAP.

Bắt tay vào thực hiện ý tưởng, anh đã xây khu nuôi gà trên diện tích 300m2, xung quanh được bao bằng lưới thép; chuồng nuôi gà thoáng mát, khép kín, trong đó ánh sáng và độ ẩm được thiết kế phù hợp với từng giai đoạn phát triển của gà con. Sau khi xây dựng chuồng trại, anh Bộ đã nhập 2.000 con gà giống chất lượng tốt, có chứng nhận kiểm dịch của cơ quan có thẩm quyền về nuôi.

 Để có nguồn thức ăn chất lượng, anh đã thuê 1,5 ha đất của xã trồng ngô; trong đó, hạt ngô được làm thức ăn cho gà, còn lá và thân cây ngô dùng làm thức ăn cho cá. Nhờ sự cố gắng trong chăn nuôi, lứa gà đầu tiên nuôi sau 5 tháng đã cho anh 200 triệu đồng tiền lãi.

Cùng với phát triển mô hình chăn nuôi gà sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, anh Bộ cũng đầu tư cải tạo 0,5 ha ao để phát triển nuôi 2 vạn cá giống, đồng thời trồng 5 ha rừng và đầu tư, xây thêm hệ thống nhà lưới, lắp đặt theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 200m2 để trồng nấm linh chi, mỡ, sò yến.

Anh Quách Văn Bộ là một trong những cán bộ Đoàn được nhận Giải thưởng Lý Tự Trọng do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng
Anh Quách Văn Bộ là một trong những cán bộ Đoàn được nhận Giải thưởng Lý Tự Trọng do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng

Không chỉ là một gương điển hình về làm kinh tế giỏi, với vai trò là một Bí thư Chi đoàn thôn, anh Quách Văn Bộ cũng luôn chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ giúp đỡ một số hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn cùng phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Ghi nhận những thành tích nổi bật đạt được, anh Quách Văn Bộ đã được nhận Giải thưởng Lương Định Của lần thứ 13; tháng 3/2019 anh là một trong 72 cán bộ Đoàn cả nước được nhận Giải thưởng Lý Tự Trọng do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng.

Anh Thương và anh Bộ chỉ là hai trong số rất nhiều tấm gương vượt khó, chủ động và sáng tạo trên con đường khởi nghiệp. Dẫu biết rằng, con đường đi đến thành công rất nhiều trông gai, nhưng thành công sẽ không đến nếu không có quyết tâm và nỗ lực.