Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Tín dụng chính sách xã hội: “Đòn bẩy” thoát nghèo vùng đồng bào DTTS

Hoài Dương - 10:11, 04/11/2019

Những năm qua, tín dụng chính sách xã hội (CSXH) là một “kênh chính sách quan trọng để Lai Châu phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) vùng đồng bào DTTS. Hướng tới chào mừng Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Lai Châu lần thứ III - năm 2019, Báo Dân tộc và Phát triển đã phỏng vấn ông Giàng A Tính, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, xung quanh nội dung này.

Ông Giàng A Tính, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch tỉnh Lai Châu phát biểu tại cuộc họp Tỉnh ủy về vấn đề tín dụng chính sách.
Ông Giàng A Tính, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch tỉnh Lai Châu phát biểu tại cuộc họp Tỉnh ủy về vấn đề tín dụng chính sách.

Vốn tín dụng CSXH hiện đạt diện bao phủ như thế nào trên địa bàn tỉnh, thưa ông?

Hiện mạng lưới các điểm giao dịch được thiết lập tại 108/108 xã, phường, thị trấn. Toàn tỉnh có 1.013 thôn bản thì đã có 1.496 Tổ Tiết kiệm và Vay vốn, triển khai cho vay 14 chương trình tín dụng CSXH.

Sau 15 năm triển khai các chương trình tín dụng CSXH, hàng triệu hộ đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh được thụ hưởng vốn vay ưu đãi này. Chỉ tính từ năm 2016 đến 30/9/2019 đã có trên 8 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất, tạo việc làm, xuất khẩu lao động, hỗ trợ học tập...

Tính đến 30/9/2019, tổng dư nợ tại Ngân hàng CSXH tỉnh đạt gần 2.102 tỷ đồng. Trong đó, cho vay hộ nghèo gần 775 tỷ đồng; cho vay hộ mới thoát nghèo hơn 63,5 tỷ đồng; cho vay hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn hơn 13,733 tỷ đồng; cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập hơn 4,3 tỷ đồng...

Tín dụng CSXH đã góp phần quan trọng để Lai Châu phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS của tỉnh. Ông có thể chia sẻ một số kết quả nổi bật?

Hoạt động tín dụng CSXH đã góp phần phát triển KT - XH, giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm của tỉnh từ 3 - 5%, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Rõ nét nhất là ở giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập của đồng bào các DTTS.

Nếu như năm 2007, thu nhập bình quân đầu người của đồng bào DTTS khu vực nông thôn chỉ đạt 3,74 triệu đồng/người/năm, thì đến hết năm 2018 đã được nâng lên thành 11 triệu đồng/người/năm; giải quyết việc làm bình quân cho 4.595 người/năm trong giai đoạn từ năm 2007 - 2018... Đặc biệt, từ việc tiếp cận nguồn vốn đã góp phần làm chuyển biến nhận thức, giúp cho hộ nghèo, hộ chính sách, hộ đồng bào DTTS tự tin và tăng dần vị thế trong xã hội, đồng thời từng bước giúp họ quen dần với cơ chế thị trường.

Người dân vay vốn tín dụng chính sách mua máy móc sản xuất.
Người dân vay vốn tín dụng chính sách mua máy móc sản xuất.

Để bảo đảm an toàn nguồn vốn chính sách, Lai Châu đã triển khai những giải pháp nào, thưa ông?

Tại các địa phương, Chi nhánh Ngân hàng CSXH thường xuyên phối hợp với các xã, thị trấn triển khai việc bình xét cho vay bảo đảm đúng đối tượng, tuyên truyền, vận động và kiểm tra, hướng dẫn các hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích nhằm mang lại hiệu quả cao. Ngoài ra, các địa phương cùng với chi nhánh Ngân hàng CSXH thường tổ chức đối thoại, chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ và vận động bà con, thành viên Tổ Tiết kiệm và Vay vốn sử dụng vốn đúng mục đích, chấp hành nghiêm việc trả nợ gốc, lãi đầy đủ, đúng kỳ hạn.

Ngoài ra, chủ động kiểm tra đột xuất ở những địa phương có phát sinh nợ xấu, nợ khoanh tăng; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các xã, tổ chức đoàn thể thực hiện củng cố hoạt động của các Tổ Tiết kiệm và Vay vốn... Nhờ đó, tỷ lệ thu nợ đến hạn đạt 82,5%, tỷ lệ thu lãi đạt 99,5%; đến 30/9/2019 toàn chi nhánh không có xã nợ quá hạn trên 2%.

Việc triển khai tín dụng CSXH vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Thực trạng này ở Lai Châu là gì? Những giải pháp nào để phát huy hơn nữa “kênh” chính sách này, thưa ông?

Hoạt động tín dụng CSXH của tỉnh vẫn còn những hạn chế, như: Nguồn lực còn thấp so với nhu cầu thực tế của người nghèo và các đối tượng chính sách; chất lượng tín dụng chính sách chưa đồng đều, tại một số vùng, địa phương, tỷ lệ nợ quá hạn còn cao; đối tượng thụ hưởng tại một số chương trình tín dụng như cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, cho vay phát triển KT - XH vùng DTTS và miền núi mới chỉ giới hạn trong phạm vi nhất định, các hộ gia đình có mức sống trung bình chưa được tiếp cận…

Để phát huy hơn nữa “kênh” chính sách này, kiến nghị Đảng, Nhà nước bảo đảm nguồn vốn đầu tư cho tín dụng CSXH, đồng thời bố trí nguồn vốn kịp thời đối với các chương trình tín dụng chính sách mới được ban hành để bảo đảm tính hiệu lực và hiệu quả của chương trình. Ngoài ra, cũng kiến nghị cần có chính sách tín dụng đặc thù cho vùng DTTS và miền núi về mức cho vay, thời hạn cho vay… để ưu tiên, khuyến khích đồng bào định canh, định cư tại chỗ, vừa giúp phát triển kinh tế bền vững, vừa giữ gìn bản sắc dân tộc.