Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Vùng đồng bào DTTS Lai Châu: Đổi thay mạnh mẽ sau 5 năm thực hiện Quyết tâm thư

Hoài Dương - 11:36, 04/11/2019

Sau 5 năm thực hiện Quyết tâm thư Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ II năm 2014, vùng DTTS và miền núi tỉnh Lai Châu đã có nhiều bước phát triển rõ rệt, cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực, sinh kế của người dân ngày càng đa dạng, thu nhập được nâng lên, đời sống không ngừng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo cũng giảm khá nhanh. Những thành tựu đó có sự đóng góp rất lớn từ công tác dân tộc và các chính sách dân tộc.

Mùa vàng ở huyện Tam Đường, Lai Châu.
Mùa vàng ở huyện Tam Đường, Lai Châu.

Cách đây 15 năm (năm 2004) tỉnh Lai Châu được chia tách từ tỉnh cũ. Từ một tỉnh có điểm xuất phát thấp, kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, kết cấu hạ tầng yếu kém, tổ chức bộ máy và cán bộ các cấp vừa thiếu vừa yếu, đời sống đại bộ phận Nhân dân còn nhiều khó khăn… nên việc thực hiện các chương trình mục tiêu rất hạn chế.

Năm 2014, sau 10 năm thành lập tỉnh, theo chuẩn nghèo đơn chiều, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn còn chiếm trên 25% trên tổng số hộ; tổng sản phẩm bình quân đầu người trên địa bàn ước đạt 16,27 triệu đồng; 97% xã có đường ô tô đến trung tâm, 70% người dân được sử dụng nước sạch; 88 xã có điện lưới quốc gia; 65% hộ dân được sử dụng điện…

Đến nay, sau 5 năm (2014 - 2019) thực hiện hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), trong đó có các chính sách đầu tư, hỗ trợ vùng đồng bào DTTS, Lai Châu đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhất là trong lĩnh vực giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới (NTM). Diện mạo nông thôn, miền núi đã thực sự thay da đổi thịt, đời sống của đồng bào được cải thiện, nâng lên rõ rệt.

Tính đến ngày 1/10/2019, toàn tỉnh đã có 29/96 xã được công nhận đạt chuẩn NTM (tăng 27 xã so với năm 2014), bình quân mỗi xã đạt 13,67 tiêu chí/xã, tăng 4,07 tiêu chí/xã so với năm 2014.

Trong lĩnh vực giảm nghèo, trung bình mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo giảm 4,78%; tổng số hộ nghèo đa chiều giảm xuống còn 24,98% trên tổng số hộ toàn tỉnh. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào DTTS còn 24,73%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 40 triệu đồng/người/năm.

Đặc biệt, sự thay đổi của hệ thống cơ sở hạ tầng là điều dễ nhận thấy nhất ở vùng DTTS và miền núi tỉnh Lai Châu. Đến nay, 95/96 xã có đường giao thông đến trung tâm xã; 97% thôn, bản có đường xe máy đi lại thuận lợi; 97% tỷ lệ dân số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% xã có điện lưới quốc gia với trên 96% hộ dân được sử dụng điện lưới; 88% dân số được xem truyền hình; 95% được nghe phát thanh; 134/368 trường đạt chuẩn quốc gia, tăng 63 trường so với năm 2014…

Theo ông Trần Hữu Chí, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lai Châu, đạt được những thành tựu trên là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, linh hoạt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong việc triển khai các chương trình, dự án, đề án đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước.

“Trong những năm qua, Lai Châu được thụ hưởng rất nhiều chương trình trọng điểm của Trung ương; từ đó tỉnh đã tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo nền tảng để phát triển KT-XH. Chỉ tính riêng nguồn lực từ Chương trình 30a, Chương trình 135… hàng trăm công trình đã được đầu tư xây mới, sửa chữa, nâng cấp, bảo đảm nhu cầu sản xuất, sinh hoạt cho bà con”, ông Chí nhấn mạnh.

Cùng với đầu tư cơ sở hạ tầng, nhiều chương trình, chính sách đầu tư, hỗ trợ đồng bào DTTS cũng được triển khai đồng bộ, như Quyết định 2085/QĐ-TTg; Quyết định 1672/QĐ-TTg; Quyết định 102/QĐ-TTg… Đặc biệt là các chính sách hỗ trợ đồng bào về cây, con giống, máy móc, nông cụ… đã tạo động lực cho bà con vươn lên thoát nghèo.