Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Tín dụng chính sách giúp Nam Đàn tiến đến nông thôn mới kiểu mẫu

Việt Hải - Mai Hương - 22:42, 15/05/2023

Nhìn lại hơn 20 năm qua, nguồn vốn cho vay tín dụng chính sách Nam Đàn (Nghệ An) không ngừng tăng trưởng, ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Đây cũng là tiền đề để Nam Đàn triển khai và đẩy nhanh tốc độ về đích nông thôn mới kiểu mẫu.

NHCSXH huyện Nam Đàn giải ngân vốn cho người nghèo tại Điểm giao dịch xã
NHCSXH huyện Nam Đàn giải ngân vốn cho người nghèo tại Điểm giao dịch xã

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Tính đến hết tháng 3/2023, huyện Nam Đàn đã cân đối ngân sách chuyển hơn 2 tỷ đồng sang Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện, đưa tổng nguồn vốn đến hết 31/3 đạt 515 tỷ đồng. Đây là nền tảng để NHCSXH huyện Nam Đàn triển khai hiệu quả 12 chương trình tín dụng, đáp ứng từng nhu cầu thiết thân của người nghèo và đối tượng chính sách trên con đường giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế, hòa mình vào công cuộc phát triển kinh tế điạ phương và đất nước.

Đơn cử như chị Tôn Thị Vinh ở xóm 5, xã Nam Thanh. Trước đây thuộc diện hộ nghèo “đứng đầu danh sách” của xã, kinh tế gia đình có nhiều khó khăn, năm 2015, chị vay 30 triệu đồng vốn hộ nghèo để đầu tư chăn nuôi bò, đến năm 2018 gia đình chị đã thoát nghèo và trả hết nợ. Để thoát nghèo một cách bền vững chị mạnh dạn vay tiếp chương trình hộ cận nghèo 30 triệu đồng tiếp tục đầu tư mua cặp bò. Nhờ biết cách chăn nuôi và chăm chỉ làm ăn, kinh tế gia đình chị đã từng bước ổn định và có thu nhập khá. Đến năm 2021, gia đình chị đã thoát nghèo và tiếp tục mạnh dạn vay tiếp chương trình thoát nghèo 30 triệu đồng mua thêm bò để chăn nuôi, hiện gia đình chị còn 4 con bò với tổng trị giá gần 130 triệu đồng.

Giám đốc NHCSXH huyện Nam Đàn Nguyễn Sĩ Hải chia sẻ: Trong 20 năm thực hiện tín dụng chính sách theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ, huyện đã tập trung nguồn lực tín dụng qua NHCSXH cho vay được 60.906 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với doanh số cho vay đạt 1.515 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt 998 tỷ đồng. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận với đồng vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi, kịp thời, giúp cho 22.303 lượt hộ nghèo được vay vốn, góp phần giúp cho trên 15.830 hộ thoát nghèo, thu hút tạo việc làm cho trên 10.000 lao động, giúp cho 10.903 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, không để học sinh, sinh viên nào phải bỏ học vì khó khăn về tài chính, hỗ trợ xây mới và cải tạo 13.225 công trình nước sạch vệ sinh môi trường ở nông thôn, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 508 ngôi nhà cho hộ nghèo...

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện cuối năm 2021 xuống còn 1,09%, đời sống của Nhân dân đặc biệt là người nghèo ngày càng được cải thiện.

Điểm tựa đột phá kinh tế

“Những kết quả đạt được trong hơn 20 năm qua đã khẳng định vai trò của tín dụng chính sách xã hội đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện, là công cụ, giải pháp có tính căn cơ, lâu dài để Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Nam Đàn thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch về giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, phục hồi, phát triển kinh tế nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19", Phó Chủ tịch UBND huyện Vương Hồng Thái nhận định.

Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, gia đình chị Tôn Thị Vinh ở xóm 5, xã Nam Thanh, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) đã từng bước ổn định có thu nhập khá
Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, gia đình chị Tôn Thị Vinh ở xóm 5, xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn (Nghệ An) đã từng bước ổn định và có thu nhập khá

Tuy nhiên, con đường phát triển không dễ dàng trong bối cảnh tiêu chí hộ nghèo có nhiều thay đổi và kinh tế những năm gần đây chịu tác động của đại dịch Covid rồi hậu Covid khiến đời sống người dân ít nhiều bị ảnh hưởng. Vấn đề tạo việc làm, sinh kế bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân trở thành vấn đề bức thiết. Trong đó, việc xây dựng các sản phẩm của địa phương thành sản phẩm OCOP vừa đáp ứng yêu cầu nâng cao đời sống cho người dân vừa đáp ứng tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Hướng đi của địa phương đã được NHCSXH huyện Nam Đàn nhận thức rõ xu hướng từ đó lồng ghép vốn tín dụng, thổi "luồng gió mới" cho sự phát triển mô hình này.

Điển hình như gia đình anh Nguyễn Tất Anh và chị Nguyễn Thị Lý ở xóm Xuân Thành, xã Nam Xuân, huyện Nam Đàn đều là hội viên nông dân. Gắn bó nhiều năm với nghề làm bột sắn dây và bánh nhãn, song việc sản xuất nhỏ lẻ và không có thương hiệu khiến sản phẩm của gia đình anh dù chất lượng cao nhưng việc mở rộng sản xuất khó khăn. Vì vậy, khi nhận thấy giá trị kinh tế của việc sản xuất theo quy trình OCOP giúp hóa giải nút thắt phát triển trước kia, gia đình anh chị quyết định chuyển đổi từ sản xuất sản phẩm theo truyền thống sang sản xuất theo tiêu chuẩn OCOP.

Thông qua Tổ Tiết kiệm và vay vốn của Hội Nông dân xã Nam Xuân, anh chị được vay vốn chính sách giải quyết việc làm tại NHCSXH huyện Nam Đàn. Với 50 triệu đồng vay, cùng tích lũy của gia đình, anh chị đã đầu tư máy móc và các phương tiện phục vụ cho việc sản xuất Bánh Nhãn và tinh bột sắn bảo đảm an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường. Nhờ có sự chuyển đổi từ sản xuất sản phẩm theo kinh nhiệm sang sản xuất sản phẩm theo tiêu chuẩn OCOP mà sản phẩm của gia đình sản xuất ra đều được tiêu thụ và người tiêu dùng đánh gia cao về chất lượng, tin tưởng và làm đến đâu tiêu thụ hết đến đó.

“Việc tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách có vai trò quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị, trật tự xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng từng thời kỳ của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện; góp phần thực hiện các mục tiêu về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khôi phục các làng nghề, phát triển, mở rộng sản phẩm dịch vụ OCOP trên địa bàn. Hiện nay, huyện Nam Đàn đang có 74 sản phẩm OCOP”, Phó Chủ tịch huyện Vương Hồng Thái cho biết.

Nguồn vốn chính sách đã góp phần nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người từ 11,3 triệu đồng/người năm 2002 lên 57 triệu đồng/người năm 2022 (tăng hơn 5 lần so với năm 2002).

Những thành quả này ngày càng thể hiện đậm nét trong bức tranh kinh tế huyện, đặc biệt là những ngày này người dân Nam Đàn rộn ràng niềm vui khi tỉnh Nghệ An công nhận Nam Đàn có thêm 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Như vậy, đến nay, Nam Đàn đã có 9 xã đạt nông thôn mới nâng cao, chiếm tỷ lệ 50%. 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, chiếm tỷ lệ 27,78%. Con đường cán đích nông thôn mới của Nam Đàn thêm thuận lợi khi hiện có 483 tỷ đồng nguồn vốn tín dụng chính sách đang cho vay người nghèo và đối tượng chính sách phát triển kinh tế nâng cao chất lượng sống và thu nhập.

Tuy nhiên, cùng với những nỗ lực của NHCSXH trong việc huy động nguồn lực đảm bảo kịp thời, hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của Nhân dân trên địa bàn, cần có sự tiếp tục chung tay của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và các hội, đoàn thể để phát huy vai trò của tín dụng chính sách xã hội đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện theo từng giai đoạn.

Đặc biệt, trong bối cảnh số hộ nghèo ngày càng giảm và nhu cầu việc làm tăng cao, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Nghệ An cần dành ưu tiên hơn nữa trong việc ủy thác vốn cho vay qua NHCSXH nhằm đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế lấy du lịch là một trong những lĩnh vực trọng tâm để phát triển, tiếp tục chuyển đổi cơ cấu để phát triển theo hướng nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao và gắn kết với du lịch đưa Nam Đàn trở thành huyện có thu nhập cao, có nền văn hóa mang bản sắc đặc trưng của quê hương Bác Hồ kính yêu vào năm 2030.