Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Tìm giải pháp sản xuất cam bền vững khu vực Bắc Trung Bộ

Trường Giang - 16:32, 09/12/2020

Sáng 9/12, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề “Sản xuất cam gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm bền vững tại vùng Bắc Trung Bộ”.


Toàn cảnh Diễn đàn
Toàn cảnh Diễn đàn


Diễn đàn có sự tham gia của các nhà khoa học, các doanh nghiệp và gần 100 đại biểu là các hợp tác xã (HTX), nông dân trồng cam đến từ các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế.

Theo thống kê sơ bộ, tại các Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế có hơn 27.940 ha cây có múi, trong đó có hơn 10.500 ha cam. Riêng đối với cây cam tại 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh có chiếm phần lớn diện tích sản xuất của các tỉnh Bắc Trung bộ.

Nhiều thương hiệu cam được người tiêu dùng ghi nhận và có thương hiệu trên thị trường như: Cam Vũ Quang, Hương Sơn, Hương Khê, Can Lộc, Kỳ Anh (Hà Tĩnh) hay cam Quỳ hợp, Thanh Chương, Nghĩa Đàn, Yên Thành và Con Quông (Nghệ An).

Tuy nhiên, hiện nay, sản xuất cây có múi tại các tỉnh Bắc Trung bộ còn gặp một số khó khăn, thách thức như các vùng sản xuất hàng hóa chưa rõ nét, các HTX kiểu mới thành lập chưa nhiều, việc tiêu thụ gặp khá nhiều khó khăn do vấn đề liên kết trong tiêu thụ sản phẩm chưa chặt chẽ… Tiêu thụ sản phẩm chủ yếu ở dạng quả tươi tại thị trường nội địa là chính (đặc biệt là cam, quýt). Năm 2019, tổng giá trị xuất khẩu cây có múi là 47,5 triệu USD. Trong đó, giá trị xuất khẩu cam và quýt không đáng kể, ở mức vài chục đến vài trăm nghìn USD/năm. Ngược lại với xuất khẩu, nhập khẩu quả có múi nước ta chủ yếu là cam, quýt với giá trị nhập khẩu mỗi loại hàng chục triệu USD/năm.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết: Hiện nay, các tỉnh Bắc Trung bộ tập trung tái cơ cấu cây trồng, tăng diện tích cây có múi, đem lại hiệu quả cao. Diễn đàn lần này chia sẻ với các tỉnh về việc ứng dụng truy xuất nguồn gốc trong liên kết tiêu thụ sản phẩm cam, xây dựng thương hiệu cho các loại cây ăn quả, từng vùng, miền. Điều quan trọng là, làm thế nào để giảm chi phí sản xuất, sản xuất sản phẩm chất lượng tốt hơn, năng suất cao hơn và thị trường tiêu thụ bền vững hơn?

Cũng theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, việc xây dựng và phát triển các mối liên kết giữa sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, truy xuất nguồn gốc là xu thế tất yếu nhằm tăng cường sản xuất tập trung, nâng cao chất lượng nông sản, đáp ứng nhu cầu về số lượng lớn, chất lượng đảm bảo của thị trường trong nước và xuất khẩu.

Thay vì đẩy mạnh mở rộng diện tích, các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ tập trung sản xuất thâm canh cây ăn quả có múi nói chung, cây cam nói riêng. Ảnh: Gia Hưng.
Thay vì đẩy mạnh mở rộng diện tích, các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ tập trung sản xuất thâm canh cây ăn quả có múi nói chung, cây cam nói riêng. Ảnh: Gia Hưng.

“Thực tế, việc liên kết giữa nông dân, HTX, tổ hợp tác và doanh nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn rõ rệt so với sản xuất truyền thống. Vì vậy, các địa phương cần phát huy, nhân rộng hình thức liên kết chuỗi này”, ông Lê Quốc Thanh nhấn mạnh.

Tại Diễn đàn, các cơ quan quản lý, cơ quan nghiên cứu, doanh nghiệp, HTX, chủ mô hình sản xuất cam đã có những trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, các giải pháp để phát trển diện tích, nâng cao chất lượng, đảm bảo độ an toàn; các giải pháp về liên kết tiêu thụ sản phẩm bền vững, tránh tình trạng được mùa rớt giá...

Trước đó, ngày 8/12, các đại biểu đã đến thăm mô hình sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP tại xóm Nhật Tân, xã Mỹ Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh).

(Tin thuộc Chuyên đề Khuyến nông cùng đồng bào DTTS)