Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Tìm con chữ cho người Ca Dong

Trần Đăng - 09:56, 04/01/2023

Có chữ viết, người Ca Dong không chỉ lưu giữ kho tàng văn hóa vô cùng phong phú của mình bằng văn bản, mà còn chuyển tải những thành tựu khoa học của nhân loại đến với dân tộc mình một cách nhanh nhất. Người mày mò nghiên cứu từng âm tiết, âm vị sao cho phù hợp để tạo ra bộ chữ viết ấy là anh Đinh Xuân Bình, 43 tuổi, một người con Ca Dong ở huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi.

 Anh Đinh Xuân Bình - người sáng tạo ra bộ chữ cho người Ca Dong. Ảnh: Đăng Vũ
Anh Đinh Xuân Bình - người sáng tạo ra bộ chữ cho người Ca Dong. Ảnh: Đăng Vũ

Vào công cụ tìm kiếm, mục 54 dân tộc anh em, tại Quảng Ngãi chỉ có hai dân tộc Cor và H’rê, riêng người Ca Dong có số dân lên đến hàng chục ngàn người, là một nhánh của tộc người Xơ Đăng. Các bản làng người Ca Dong nằm tựa lưng vào dãy Trường Sơn dọc theo 3 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Kon Tum. Tại Quảng Ngãi, người Ca Dong sinh sống tập trung đông nhất ở huyện Sơn Tây, với dân số gần hai vạn người.

Đinh Xuân Bình, tốt nghiệp đại học ngành Luật, đang làm luận án Thạc sĩ, hiện là Phó Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Sơn Tây, sinh ra và lớn lên ở xã Sơn Mùa. Thuở nhỏ, anh theo học lớp thiếu sinh quân tại Tây Nguyên. Chính những năm tháng học phổ thông ở một môi trường mà bạn bè đến từ nhiều DTTS khác đã gieo vào lòng chàng thanh niên Ca Dong ấy một dấu hỏi: “Tại sao các dân tộc khác như Ba Na, Ê Đê, Gia rai… đều có chữ viết để ghi lại các di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc mình mà người Ca Dong lại không?”

Anh cũng nhận thấy, mỗi già làng của người Ca Dong đang là một “thư viện sống”. Họ đang cất giữ một kho tàng văn hóa vô cùng phong phú của dân tộc, nhưng một khi họ về với tổ tiên, thì toàn bộ “thư viện” ấy sẽ đi theo họ. Sự hẫng hụt, thậm chí đứt gãy về văn hóa là điều khó tránh khỏi trước làn sóng du nhập các loại hình văn hóa khác, mà Internet cùng chiếc điện thoại thông minh đóng vai trò “nối giáo” cho lớp trẻ người Ca Dong.

Dạy các chữ cái cho lớp học. Ảnh: Đăng Vũ
Dạy các chữ cái cho lớp học. Ảnh: Đăng Vũ

Cùng với các “thư viện sống” là những già làng, người Ca Dong cần có một bộ chữ viết để ghi lại các loại hình văn hóa phi vật thể..., đó là lý do thôi thúc Đinh Xuân Bình mày mò tìm kiếm. Tham khảo nhiều ngôn ngữ của các dân tộc anh em, thậm chí cách phát âm của tiếng Anh, anh Bình đã “chế” ra một bộ chữ cho người Ca Dong với 34 chữ cái. 

Anh Bình cho biết, vẫn là chữ Latin, song có những từ Ca Dong cần ghép lại đến hai âm tiết thì đọc mới chuẩn xác nên hiện nay mới có đến từng ấy chữ cái. Anh dẫn chứng: “Ví như chữ Ca Dong, nếu viết bằng ngôn ngữ phổ thông thì chữ Ca gồm có C và A ghép lại, và Dong gồm 4 chữ cái, song theo cách phát âm của dân tộc anh, thì phải là Ka Yong thì mới chính xác. Hoặc chữ EM với cách phát âm của người Ca Dong phải là OH. Chữ H như một âm câm nhưng không thể bỏ vì có “hơi gió” rất khẽ khi phát âm từ này.

Một buổi học chữ của người Ca Dong. Ảnh: Đăng Vũ
Một buổi học chữ của người Ca Dong. Ảnh: Đăng Vũ

Hiện nay, anh Bình có thể ký âm toàn bộ một câu chuyện cổ hay một bài dân ca hàng ngàn từ bằng ngôn ngữ do anh “sáng tạo” theo cách của mình.

Đặc biệt, 22 học viên của lớp học chữ Ca Dong là những thanh niên, có cả những cụ già đã miệt mài từ hôm hè 2022 đến nay, với mỗi tuần 3 buổi học do chính "thầy giáo" Bình trực tiếp dạy không công. Và họ đã bắt đầu nhận ra sự hữu ích của việc ký âm bằng ngôn ngữ sơ khai này.

Sự hoàn thiện bộ chữ viết cho một tộc người không phải là câu chuyện một sớm một chiều. Tuy nhiên, việc sáng tạo ra bộ chữ cho người Ca Dong của anh Đinh Xuân Bình, là một cách để neo lại những gì mà người Ca Dong của anh cần lưu giữ cho hậu thế. Rất đáng ngưỡng mộ và trân trọng cho sự sáng tạo này.