Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Tiếp tục duy trì đà tăng trưởng

Thanh Huyền - 20:29, 02/07/2020

Ngày 2/7, Chính phủ tổ chức Hội nghị Chính phủ với các địa phương đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị.

Toàn cảnh Hội nghị.
Toàn cảnh Hội nghị.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh 6 tháng đầu năm nay xảy ra đại dịch Covid-19, gây ra sự sụt giảm kinh tế toàn cầu trên quy mô lớn nhất trong 150 năm qua. Theo dự báo mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB), kinh tế toàn cầu sẽ sụt giảm 5,2% trong năm nay.

Là một nước hội nhập quốc tế sâu rộng, kinh tế Việt Nam cũng chịu nhiều tác động với tốc độ tăng trưởng GDP quý II tăng 0,36%, 6 tháng đầu năm tăng 1,81%, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm qua đối với nước ta nhưng so với khu vực và thế giới thì lại là một trong số ít quốc gia có mức tăng trưởng dương. Việt Nam cũng là một trong những nước đầu tiên thoát ra khỏi dịch bệnh, thiết lập trạng thái bình thường mới.

Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Xuất siêu đạt mức 4 tỷ USD, trong đó xuất khẩu khu vực trong nước đạt khá cao, lên đến 11,7%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 6 tháng đầu năm 2020 theo giá hiện hành ước đạt 850,3 nghìn tỷ đồng, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2019 và bằng 33% GDP. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 2,71%.

Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm 2020, dịch Covid -19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại, dịch vụ. Khu vực dịch vụ trong 6 tháng đạt mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm 2011 - 2020. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý II/2020 giảm 5,8% so với quý trước; 6 tháng đầu năm ước giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2019. Khách quốc tế đến nước ta ước đạt 3.744.500 lượt người, giảm 55,8% so với cùng kỳ. Cả nước có hơn 62.000 doanh nghiệp được thành lập mới với số vốn đăng ký là 697,1 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 507.200 lao động, giảm 7,3% về số doanh nghiệp, giảm 19% về vốn đăng ký và giảm 21,8% về số lao động so với cùng kỳ năm trước…

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận: Tuy có nhiều khó khăn nhưng nước ta có một số điểm sáng quan trọng. Đó là kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, tạo nền tảng quan trọng cho phục hồi, phát triển kinh tế.

Nhìn nhận tình hình còn rất khó khăn, Thủ tướng đặt vấn đề, cần phải có cơ chế, chính sách, giải pháp đặc biệt. Nhắc lại “mục tiêu kép”, không để dịch bệnh trở lại, xóa đi thành quả đã phấn đấu, không vì kinh tế mà dễ dãi để dịch bệnh ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của Nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm tăng trưởng, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần đoàn kết, hợp tác, quyết tâm vượt lên khó khăn, sáng tạo, sát sao trong chỉ đạo điều hành.

Thủ tướng cho rằng, cỗ máy tăng trưởng của Việt Nam ví như “cỗ xe tam mã”, gồm 3 cấu phần quan trọng nhất, đó là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng. Phải dùng mọi biện pháp thúc đẩy cả “ba con ngựa kéo” để đạt mục tiêu tăng trưởng cao nhất.

Thủ tướng đề nghị các địa phương, các bộ, ngành kiến nghị những giải pháp cụ thể hơn nữa để phát huy vai trò, động lực của các địa phương, nhất là các “đầu tàu kinh tế”, các vùng kinh tế trọng điểm, các tỉnh, thành phố lớn. Phải có giải pháp mạnh hơn, đồng bộ để vực dậy khu vực dịch vụ, du lịch, khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh hiện nay…

Tại Hội nghị, Chính phủ và các địa phương đã thảo luận các kịch bản, các giải pháp để thực hiện “mục tiêu kép” trong nửa chặng đường còn lại của năm 2020, tiếp tục duy trì đà tăng trưởng.