Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Tiếng chiêng vui, mừng ngày Quốc khánh

PV - 10:08, 31/08/2019

Từ khi đất nước thống nhất, đời sống đồng bào ở các buôn làng Tây Nguyên nghèo khó, lạc hậu xưa kia đã hoàn toàn đổi khác. Các hủ tục dần lùi xa, đường sá đi lại thuận tiện, điện sáng kéo đến từng nhà, hệ thống trường học khang trang, đau ốm có trạm y tế… Ngày Quốc khánh 2/9 trở thành ngày lễ lớn đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

Chuẩn bị ngày Quốc khánh 2/9, các nẻo đường buôn làng Tây Nguyên đều rợp cờ đỏ sao vàng, những con đường hoa rực rỡ sắc màu dẫn vào buôn làng được dọn sạch sẽ. Các nghệ nhân tập trung chuẩn bị những tiết mục văn nghệ truyền thống đặc sắc để biểu diễn. Nhà nào cũng ủ sẵn những ché rượu cần men lá, nguyên liệu cơm lam và các món ăn truyền thống mừng Quốc khánh.

Đời sống của đồng bào các DTTS ở Tây Nguyên không ngừng được nâng cao; nhiều giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, phát triển. Đời sống của đồng bào các DTTS ở Tây Nguyên không ngừng được nâng cao; nhiều giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, phát triển.

Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhiều năm đảm nhiệm các chức vụ quan trọng tại xã Ia Krái, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai, bà Rơ Châm Phyal vẫn còn nhớ như in những ngày kháng chiến; bà cũng từng ngày chứng kiến sự thay đổi của quê hương, đất nước. Bà Phyal cho biết: Những năm kháng chiến, đời sống bà con Tây Nguyên nghèo khổ lắm, dân cư thưa thớt chủ yếu ở vùng sâu, đường đất mùa mưa sình lầy đến gối, đâu cũng thấy cảnh sốt rét rừng… nhưng bà con đoàn kết, đồng lòng theo Đảng. Những năm tháng tham gia chiến đấu, cứ đến ngày Quốc khánh 2/9 là dân làng lại góp gà, heo ăn mừng. Hồi đấy, chuẩn bị ăn uống từ sớm, nhưng chỉ ăn đến 6h thôi, không dám ăn lâu hơn vì còn phải lo giữ gìn trật tự. Bây giờ, Ngày Quốc khánh đường làng, ngõ xóm của làng Bruk Ngol đều rực rỡ màu đỏ cờ Tổ quốc. Bà con các buôn làng cũng tập trung mừng Quốc khánh bằng những nhịp chiêng, điệu múa, các món ăn truyền thống, rất vui vẻ.

Theo cách mạng từ thời niên thiếu, già Y Pan, thôn Đăk Mế, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum là nữ già làng đã góp công lớn vào việc bảo tồn tộc người B’râu và phát huy những giá trị di sản văn hóa truyền thống. Già Y Pan chia sẻ: Ngày tôi trở về Đăk Mế, người B’râu chỉ còn khoảng trăm người, đói nghèo, lạc hậu, mù chữ, hôn nhân cận huyết thống, dân số suy giảm, đặc biệt là không một ai biết chữ,… Tôi đi từng nhà tuyên truyền, khuyên nhủ bà con thay đổi cách nghĩ, cách làm, xóa bỏ hủ tục xấu, học cái chữ, đoàn kết, hòa hợp các dân tộc cùng phát triển kinh tế và bảo tồn giá trị truyền thống. Đến nay, diện mạo Đăk Mế đổi khác, đời sống của bà con B’râu từng bước được nâng cao, đời sống tinh thần được cải thiện. Trong ngày Quốc khánh 2/9, Ngày thống nhất đất nước,… đồng bào B’râu cùng hòa vào niềm vui chung của cả nước tập trung đến nhà văn hóa tổ chức đón mừng.

Trong thời kỳ kháng chiến, xã Cư Pơng, huyện Krông Búk, tỉnh Đăk Lăk là vùng căn cứ cách mạng, bà con đồng lòng, anh dũng chiến đấu giành độc lập thống nhất đất nước. Khi đất nước thống nhất, bà con đoàn kết đẩy lùi hủ tục lạc hậu, tập trung phát triển kinh tế, gìn giữ và phát huy lễ hội văn hóa truyền thống, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no hạnh phúc.

Ông Y Hluắt ÊBan ở buôn Ea Tuk, xã Cư Pơng kể: “Gia đình tôi trước kia cũng nghèo lắm, tôi được cán bộ nông nghiệp hướng dẫn cách nuôi heo, gà, bò và được hỗ trợ xây dựng mô hình chăn nuôi kết hợp trồng trọt, nay cuộc sống gia đình khá giả, sắm cả xe hơi để đi”, ông Y Hluắt ÊBan nói.

Già Rơ Châm Phyal kể về sự đổi thay của buôn làng. Già Rơ Châm Phyal kể về sự đổi thay của buôn làng.

Hiện nay, Cư Pơng có trên 3.500ha cà phê kinh doanh, hàng trăm hecta cao su, hồ tiêu… Mỗi vụ mùa, đi đến đâu trên địa bàn Cư Pơng cũng bắt gặp các vườn cao su, hồ tiêu, cây ăn quả… đang lên xanh mướt, nhà kho, sân phơi nhà nào cũng đầy ắp cà phê. Trên 90% số hộ có thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên, trong đó có 20% thuộc diện khá giả, với mức thu nhập từ 500 triệu đồng đến hàng tỷ đồng mỗi năm.

Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, xã Nâm Nung, huyện Krông Nô, tỉnh Đăk Nông là vùng căn cứ cách mạng, nơi hoạt động và che chở an toàn cho cán bộ của tỉnh Quảng Đức (nay là tỉnh Đăk Nông) và Liên khu 5, đóng góp nhiều công sức, xương máu cho sự nghiệp kháng chiến giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân năm 1994.

Ở tuổi ngoài 80, đôi chân không còn đứng vững, nhưng đôi mắt vẫn sáng ngời và trí nhớ của già Y Thi ở bon Ja Ráh còn minh mẫn đến lạ kỳ. Theo lời già Thi thì thời chiến tranh, đồng bào các dân tộc khu căn cứ Nâm Nung ăn măng le, lá bép, củ mì khô thiếu thốn, gian khổ nhưng vẫn một lòng theo cách mạng, làm cách mạng đến cùng. “Già mừng vì bây giờ đời sống của đồng bào ngày càng ấm no, hạnh phúc, có đường đẹp để đi. Nhà nào cũng có xe máy, có ti vi xem thời sự, học tập kinh nghiệm sản xuất hiện đại để trồng cà phê, tiêu kết hợp với chăn nuôi phát triển kinh tế”.

Không chỉ cùng nhau xây dựng kinh tế, phát triển xã hội mà đồng bào các dân tộc Nâm Nung còn bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống. Hiện nay, xã Nam Nung có 3 đội cồng chiêng của dân tộc M’nông, nhiều gia đình còn giữ được chiêng, ché và các hiện vật văn hóa quý và nghề ủ rượu cần truyền thống.

Cuộc sống đổi thay no ấm, vào dịp Quốc khánh hằng năm bà con các buôn làng Tây Nguyên lại cùng nhau quây quần bên ché rượu cần, thưởng thức những bài chiêng do chính các nghệ nhân trong buôn làng diễn tấu để chung vui với ngày hội lớn của đất nước.

LÊ HƯỜNG - THÙY DUNG