Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Thủy điện, thủy lợi và những điều bất lợi

PV - 10:36, 11/09/2018

Ngoài những lợi ích mang lại thì những bất lợi của các công trình thủy điện, thủy lợi đến môi trường và đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân là không thể phủ nhận. Vậy làm thế nào để tăng lợi ích, giảm thiểu những điều bất lợi từ các công trình thủy điện, thủy lợi?

Bài cuối: Giảm thiểu bất lợi- Bằng cách nào?

thủy điện Việc xả lũ không đúng quy trình của một số công trình thủy điện đã gây ra nhiều thiệt hại cho người dân.

Siết chặt vận hành thủy điện

Những sự cố và hậu quả tiêu cực từ các công trình thủy điện có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu công tác quản lý đầu tư xây dựng vận hành không được chú trọng.

Có thể kể đến trường hợp ống thủy điện Sông Bung 2 (Nam Giang, Quảng Nam) bị vỡ vào tháng 9/2016. Trước đó, thủy điện Ia Krêl 2 (xã Ia Dom, Đức Cơ, Gia Lai), công trình mà nhiều hộ dân từng chịu ảnh hưởng nặng nề sau sự cố vỡ đập vào tháng 6/2013, tiếp tục vỡ vào ngày 1/8/2014 tạo ra một trận lũ quét lớn.

Nhưng theo ông Thái Phụng Nê, nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng (nay là Tổng cục Năng lượng-Bộ Công Thương), vỡ đập thủy điện lo thì lo nhưng đừng thái quá. Một khi dư luận quá chú tâm vào sự lo lắng thì sẽ là một cơ hội để những phần tử xấu tung tin thất thiệt, làm mất an ninh trật tự xã hội, ảnh hưởng xấu đến công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tính đến tháng 5/2018, cả nước có 385 nhà máy thủy điện đang hoạt động, với tổng dung tích hồ chứa vào khoảng 56 tỷ m3. Đến nay nhìn chung các nhà máy thủy điện đã tuân thủ quy định về xây dựng phương án bảo đảm an toàn hồ đập, phòng chống thiên tai.

Nhưng điều này không đồng nghĩa với việc các công trình thủy điện luôn an toàn, nhất là quy trình xả lũ vẫn còn gây ra những lo lắng đặc biệt cho người dân. Trên thực tế, những năm gần đây đã không ít lần xảy ra trường hợp nhà máy thủy điện xả lũ, gây thiệt hại lớn tới tính mạng và tài sản của người dân ở vùng hạ lưu.

Theo các chuyên gia, công tác phòng chống thiên tai, đảm bảo hoạt động an toàn ở các thủy điện còn những bất cập. Nhiều thủy điện đã chưa, hoặc thông báo cáo đầy đủ, kịp thời những thông tin liên quan đến xả lũ, khiến cho chính quyền các địa phương lúng túng, thậm chí khi có sự cố xảy ra đã không kịp trở tay.

Đặc biệt, theo ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, hiện nay hầu hết các chủ hồ gần như phó mặc cho các đơn vị khí tượng thủy văn nên việc xả lũ rất bị động, bất ngờ dễ xảy ra những hệ lụy khó lường. Trong khi đó, thông tin dự báo của các đài khí tượng thủy văn khu vực và địa phương có nơi, có lúc chưa kịp thời hoặc thiếu chính xác.

Để bảo đảm an toàn hồ đập, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, các công trình thủy điện phải tuân thủ Luật Phòng chống thiên tai; Luật Khí tượng Thủy văn và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Đồng thời rà soát toàn bộ các hạng mục công trình, quy trình vận hành hồ chứa, kiểm soát xả lũ, không làm ảnh hưởng đến vùng hạ du.

“Cắt ngòi nổ” ở những quả “bom nước”

Cùng với các hồ thủy điện thì hàng nghìn hồ nước thủy lợi trên cả nước đã hư hỏng, xuống cấp cũng đang là những quả “bom nước” sẵn sàng “nổ” bất cứ lúc nào. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), cả nước hiện có 6.648 hồ chứa thủy lợi; trong đó có 1.200 hồ chứa đang bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, hoặc thiếu khả năng xả lũ theo quy định.

Cũng theo số liệu của Bộ NNPTNT, từ năm 2008 đến nay, cả nước đã xảy ra 50 sự cố gây mất an toàn hồ đập, hồ chứa thủy lợi. Riêng năm 2017 đã xảy ra 23 sự cố liên quan đến hồ chứa thủy lợi.

Để bảo đảm an toàn hồ đập thủy lợi, giải pháp hàng đầu lúc này là đầu tư nâng cấp các công trình đã hư hỏng, xuống cấp. Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt danh mục Dự án “Sửa chữa và nâng cao an toàn đập” giai đoạn 2016-2020, với tổng vốn 443 triệu USD vay Ngân hàng Thế giới (WB).

Nhưng theo ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NNPTNT), hiện nay mới chỉ có 40/1.200 hồ chưa được đưa vào danh mục đầu tư của dự án; còn lại đều chưa bố trí được kinh phí. Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh đề xuất Bộ NNPTNT tiếp tục trình Thủ tướng Chính phủ bố trí ngân sách 575 tỷ đồng để tập trung tu sửa, nâng cấp các hồ chứa đang bị hư hỏng nghiêm trọng.

Cùng với giải pháp nâng cấp hồ đập thủy lợi, việc triển khai di dời dân khỏi vùng nguy hiểm, nhất là ở những công trình thủy lợi đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng là hết sức cấp thiết. Bởi ở những công trình này, việc xảy ra sự cố là không báo trước.

Như việc vỡ đập chứa 45.000m3 bùn thải ở Lào Cai xảy ra ngày 07/9 làm ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng chục hộ dân gần đó là một dẫn chứng. Nếu 45.000m3 bùn thải đó là 45.000m3 nước thì khu vực ảnh hưởng sẽ không chỉ là vài trăm mét.

Trên thực tế, nhiều năm nay, đề án di dân khỏi vùng nguy hiểm đã được triển khai; nhưng vì nhiều lý do nên tiến độ triển khai rất chậm. Hiện hàng chục nghìn hộ dân vẫn đang sinh sống ở vùng nguy hiểm chưa được di dời.

Được biết, tới đây Bộ NNPTNT sẽ tổ chức Hội nghị về thực trạng và giải pháp bố trí ổn định dân cư vùng thiên tai. Hy vọng từ Hội nghị này sẽ có nhiều sáng kiến được đề xuất để đẩy nhanh tiến độ di dân khỏi vùng nguy hiểm.

SỸ HÀO