Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Thượng Nông, ngày trở về

Lê Na - 08:42, 04/05/2024

Tôi là người mắc nợ nhiều lắm, Nà Hang (Tuyên Quang). Dù chỉ một đôi lần đến rồi đi, mà sao kỷ niệm cứ theo tôi, dằng dặc tháng năm trường. Trở lại Thượng Nông lần này, với tôi là tìm về ân nghĩa, nhớ về một thời tuổi trẻ.

Cánh đồng lúa của Bản Mù hôm nay.
Cánh đồng lúa của Bản Mù hôm nay.

Tháng mười một, năm một chín bảy tư, lần đầu tiên tôi đặt chân đến huyện Nà Hang (nay là huyện Na Hang) để làm nhiệm vụ cấp đổi lại toàn bộ chứng minh, căn cước cho công dân. Lính mới tò te là tôi, hôm ấy, theo một cán bộ công an huyện đi xã làm chứng minh, căn cước.

Những ngày ở xã, chúng tôi thường xuyên phải chân đất lội suối, trèo đèo đi bản. Ăn ngủ nhờ dân. Tôi được xã bố trí ăn ngủ tại nhà ông Nguyễn Văn Cát, sinh năm 1933, ở Bản Mù. Ông là Phó Chủ tịch, kiêm Trưởng công an xã.

Bản Mù nằm trung tâm xã Thượng Nông. Người Tày đã ở đây từ hàng trăm năm trước. Nửa thế kỷ trước, Thượng Nông chỉ trồng lúa một vụ. Đồng đất bỏ hoang vụ đông và vụ xuân. Đời sống của đồng bào trông chờ vào rừng và ruộng. Ngoài trồng ngô lúa, chăn nuôi gia súc, gia cầm, bà con có nghề phụ là săn bắn và hái lượm. Rừng cho gỗ dựng nhà, cho rau, củ, quả mùa nào thức nấy. Rừng cho thực phẩm cải thiện bữa ăn.

Bản Mù ngày đó đang xóa mù. Cũng giống như Bản Gioòng, Pác Củng, Nà Tà, những điểm trường đã thấp thoáng mọc lên giữa núi cao, rừng rậm. Người Dao, người Tày mò mẫm đi tìm cái chữ. Tôi đã gặp những cô giáo từ thị xã Tuyên Quang, từ các huyện Yên Sơn, Sơn Dương lên dạy chữ. Đó là cô Chi, cô Mùi, cô Hiên, thầy Chất. Có thầy cô từ Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hà Tây… Và, tôi đã gặp một người con gái mà không sao quên được. Cô giáo Vương Thị Luyên, người Bản Khoan. Năm đó Luyên mười sáu tuổi, vừa được hợp đồng vào dạy cấp một. Lúc chia tay cô giáo để đi bản, tôi nắm bàn tay nhỏ nhắn của Luyên.

Hôm tôi xa Thượng Nông, bà Dương Thị Thổ, vợ ông Cát nhét đầy cái túi pác mạ bà vừa cho tôi, món ngon của vùng đất này. Đó là pẻng đéc (bánh dày). Hết mùa khẩu mẩu, đến mùa pẻng đéc. Pẻng đéc được làm từ xôi nếp vừa chín, đổ ra cối gỗ giã, dẻo quánh, màu vàng ngà. Nhân bánh làm bằng vừng đen, trộn đường. Hình như, pẻng đéc chỉ làm vào mùa Đông. Bà lo tôi đi bộ đường xa đói, mệt. Tôi qua điểm trường cô giáo Luyên dạy học. Đang giờ lên lớp, tôi vẫy tay chào, cô giáo cũng vẫy tay chào lại. Lũ trẻ ngơ ngác ngó ra.

Mùa gặt ở Thượng Nông.
Mùa gặt ở Thượng Nông.

Suốt những năm dài công tác, và đến khi được nghỉ chế độ, tôi luôn ngóng về nơi ấy. Gặp những người ở Bản Gioòng, Bản Khoan, hay Bản Mù, Nà Tà, tôi đều hỏi thăm những người đã quen, đã gặp. Thật vui sướng biết bao khi Thượng Nông đã quá nhiều đổi mới. Một vùng quê núi, vùng sâu xa, đã “bừng thức, thay da đổi thịt”.

Chín năm trước, nhân một chuyến đi phượt qua xã, dẫu vội vàng, tôi vẫn dừng lại hỏi thăm người cũ. Ông bà Cát Thổ đều đã về Trời. Ngôi nhà sàn ngày xưa không còn nữa. Các con ông bà đã có gia đình riêng. Tôi thắp hương viếng ông bà, tự nhiên nước mắt rơi. Nước mắt nhớ về một thời nghèo khó, đến với đồng bào chỉ là người khách, mà họ coi tôi như ruột thịt, anh em.

Tôi hỏi thăm tìm đến nhà cô giáo Luyên. Gặp người phụ nữ đang nấu rượu, dưới gầm sàn. Người phụ nữ ngước lên hỏi tôi: chú cần gặp ai? Tôi bảo: anh cần gặp em. Có phải Vương Thị Luyên không? Bà cười, đúng em rồi. Tôi lên cầu thang, thăm bà mẹ chồng Luyên đang mệt. Cô giáo không hề nhớ tôi là ai. Hỏi thăm các thầy cô giáo cũ, bà giáo hưu cho biết, họ đã chuyển về xuôi, có người đã mất. Lúc chia tay, bà giáo rót một chén rượu đầy còn nóng hổi, mời tôi.

Chuyến đi này tôi gọi điện báo trước cho ông Nguyễn Văn Việt, chồng bà Luyên để báo cơm chiều. Ông Việt vui lắm khi được đón tiếp chúng tôi. Ông Việt, từng là Chủ tịch hội Cựu Chiến Binh của xã. Ông tham gia chiến đấu tại biên giới phía Bắc. Hai ông bà giờ có bảy triệu tiền lương hưu mỗi tháng. Hai anh con trai đều đã trưởng thành. Ngôi nhà sàn thân thuộc, rộng rãi, nằm ngay cạnh đường Quốc lộ 280.

Bình yên thôn quê
Bình yên thôn quê

Bản Mù vẫn tựa lưng vào Pù Tre, nét đẹp từ cổ xưa tới nay. Những mái ngói đất nung, lẩn dười màu cây lá. Con đường bê tông mới, vệt sáng ranh giới giữa làng và ruộng. Xe tải chở thóc, xe con của khách du lịch, xe máy người dân, ngược xuôi đan nhau. Đàn trâu về bản, đủng đỉnh cõng trên lưng vạt nắng muộn, khép lại một ngày. Khói cơm chiều vương vấn. Quê núi vừa bình yên, vừa hối hả.

Ông bà Việt Luyên, tiếp chúng tôi một bữa cơm Tày. Gạo thơm từ cánh đồng Bản Khoan. Món vịt luộc dân dã, đậm chất đồng bào. Không thể thiếu “khẩu nua, pia chí” (cơm nếp, cá nướng) Đây là đặc sản của vùng này. Lại thêm canh chua, măng nhồi. Rượu ngô do bà giáo hưu nấu. Ông Việt khoe, dân trong xã đã có mấy chục hộ có xe ô tô. Bây giờ nhiều người Thượng Nông đã nghĩ ăn ngon, mặc đẹp hơn là chạy vào rừng kiếm bữa.

Đêm nay, chúng tôi ngủ ở nhà sàn. Sàn lát gỗ rộng mênh mông. Thật khó ngủ. Tôi bước xuống cầu thang. Đêm miền rừng đã se se lạnh. Sao như ai phơi thóc, quãi đầy trời đêm. Những ngôi nhà sàn chân núi, hắt ánh điện trong sương mờ, ảo. Nửa thế kỷ của một đời người, thật quá dài. Nhưng, nửa thế kỷ của một miền đất, chỉ như một giấc mơ. Chẳng biết có nẻo đường rừng nào, dấu chân tôi lại bước trùng lên nhau? Tôi bước đi trong mơ hay là thực? Gương mặt của một miền quê đang đi lên xây dựng nông thôn mới đã thấp thoáng rạng rỡ nụ cười. Nụ cười đôn hậu, thủy chung của tình đất, tình người. Nụ cười đón tôi ngày trở về mang tên Thượng Nông.