Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Thực hiện công tác dân tộc ở tỉnh Thái Nguyên: Tự tin đón vận hội

Vân Khánh - 09:04, 27/01/2022

Khép lại năm 2021, cùng với các thành tựu trong thực hiện mục tiêu “kép” của tỉnh, lĩnh vực công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn Thái Nguyên “cán đích” với những dấu ấn đột phá. Đây là nền tảng để Thái Nguyên triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 ngay trong năm mới này.

Cuộc sống của đồng bào DTTS tại các xóm, bản đã đầy đủ hơn, nhất là trong mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
Cuộc sống của đồng bào DTTS tại các xóm, bản đã đầy đủ hơn, nhất là trong mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Khởi sắc vùng đồng bào DTTS

Kết thúc năm 2021, tỉnh Thái Nguyên có 25/26 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch năm. Trong đó, tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 6,51%, cao gấp 2 lần bình quân chung của cả nước; thu ngân sách đạt 18.000 tỷ đồng bằng 147% dự toán Bộ Tài chính giao, 115% dự toán HĐND tỉnh giao…

Đặc biệt là sự phát triển bứt phá ở vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh. Cuối năm 2021, tỉnh có 66 xã đã có quyết định, 7 xã đủ điều kiện đang làm thủ tục để quyết định thuộc vùng DTTS và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), gấp 3 lần bình quân chung của cả nước. Qua đó, nâng số xã đạt chuẩn NTM của tỉnh lên con số 115 xã, 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 9 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 3 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Cùng với đó, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh giảm nhanh và bền vững, góp phần quan trọng đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 0,66% so với năm 2020, vượt kế hoạch đề ra, hiện còn 2,16%. Kết thúc năm 2021, Thái Nguyên xếp thứ 2 trong 11 tỉnh miền núi vùng Đông Bắc có tỷ lệ hộ nghèo thấp, tăng 3 bậc so với năm 2020.

Đặc biệt, trong điều kiện khó khăn chung do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đời sống của đồng bào vùng DTTS và miền núi của tỉnh vẫn được đảm bảo và duy trì ổn định; giáo dục, y tế được quan tâm; tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh được giữ vững.

Tại Kỳ họp thứ 4, Hội đồng Nhân dân tỉnh khóa XIV diễn ra ngày 8/12/2021, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thái Nguyên, ông Đặng Xuân Trường phấn khởi khẳng định, trong bối cảnh tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh Covid-19, tỉnh vẫn đạt được những kết quả tích cực. Đây là tiền đề quan trọng để thực hiện các mục tiêu kế hoạch 5 năm 2021 - 2025; trước mắt là thực hiện kế hoạch công tác năm 2022 được dự báo nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức.

Đã có “bệ”, chỉ chờ “phóng”

Những thành tựu trong phát triển KT – XH của tỉnh nói chung, của lĩnh vực công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên nói riêng, là thành quả của cả một quá trình. Qua đánh giá, hầu hết các chương trình, đề án đều đạt hiệu quả cao. Chỉ riêng Chương trình 135 giai đoạn 2015 - 2020, đã có hàng trăm tỷ đồng đầu tư vào vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh, hỗ trợ Nhân dân giống cây trồng, vật nuôi, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; đầu tư xây dựng công trình giao thông, thủy lợi, điện, đường, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa…

Nhờ đó, vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh đã có bước phát triển mạnh mẽ. Tỷ lệ hộ nghèo ở 36 xã đặc biệt khó khăn của tỉnh bình quân giảm 5%/năm (vượt mục tiêu của Chương trình 135 là 4%);100% các xã có đường ô tô đến trung tâm; 100% các xóm đã có điện lưới quốc gia;… Bước vào năm 2021, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, toàn tỉnh Thái Nguyên chỉ còn 14 xã đặc biệt khó khăn, giảm 70% xã so với năm 2016.

Ông Nguyễn Thái Nam, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên cho biết, trong quá trình thực hiện chính sách, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã huy động, lồng ghép nguồn lực đầu tư, hỗ trợ để giúp đồng bào DTTS có thêm điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Nhờ đó, đồng bào DTTS tại các xóm, bản vùng sâu, vùng xa đã có cuộc sống đầy đủ hơn, nhất là trong mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Bước vào năm mới 2022, theo ông Nam, Ban Dân tộc sẽ bắt tay vào các phần việc để triển khai có hiệu quả Chương trình MTQG phát triển KT – XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; giai đoạn I: 2021 – 2025. Trước khi năm 2021 khép lại, Ban Dân tộc đã hoàn tất rà soát, xây dựng danh mục, chuẩn bị các bước đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công; đồng thời đã dự kiến kế hoạch phân công các ngành chủ trì, xây dựng các dự án, tiểu dự án thành phần thuộc Chương trình.

“Trước thời điểm đón năm mới, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt nguyên tắc, tiêu chí, định mức sử dụng ngân sách Nhà nước để triển khai Chương trình ngay trong năm 2022. Đây là món quà đầu Xuân đầy ý nghĩa đối với các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi, với đồng bào các DTTS của cả nước nói chung, của tỉnh Thái Nguyên nói riêng”, ông Nam phấn khởi nói./.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên quyết tâm tham mưu thực hiện thắng lợi các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và của tỉnh liên quan đến công tác dân tộc. Trong đó, trọng tâm là thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT – XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, gắn với thực hiện Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới.