Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Thúc đẩy quyền của phụ nữ DTTS trong tiến trình hội nhập: Nỗ lực đẩy lùi hủ tục (Bài 1)

Khánh Thư - 08:30, 19/12/2022

Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác bảo vệ và thúc đẩy quyền của phụ nữ DTTS đã đạt được những kết quả tích cực, được bạn bè quốc tế ghi nhận. Đây là cơ sở quan trọng để Việt Nam thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi, hiện thực hóa khát vọng đưa nước ta trở thành nước phát triển thu nhập cao trong tương lai gần.

(Chuyên đề Thông tin đối ngoại) Thúc đẩy quyền của phụ nữ DTTS trong tiến trình hội nhập: Nỗ lực đầy lùi hủ tục (Bài 1)
Các cấp ủy, chính quyền các địa phương và trường học (trong đó có cả các trường PTDT nội trú) đã quan tâm chỉ đạo chặt chẽ để triển khai Đề án 498. (Trong ảnh: Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh tổ chức Diễn đàn Học sinh DTTS nói “Không” với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống)

Trong tổng số hơn 14,2 triệu người DTTS ở nước ta, phụ nữ (bao gồm trẻ em gái) chiếm 49,8%. Phụ nữ DTTS là nhóm đối tượng yếu thế, họ phải chịu nhiều thiệt thòi trước những tác động tiêu cực của các hủ tục, nhất là tình trạng tảo hôn.

Vấn nạn toàn cầu

Trong ngày lễ Tình nhân - Valentine năm 2022 (ngày 14/2), Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam, đã ra lời kêu gọi cộng đồng hãy hành động ngay để chấm dứt nạn kết hôn trẻ em, hay còn gọi là tảo hôn. Theo UNFPA, mỗi ngày, trên thế giới có hàng ngàn trẻ em gái trở thành cô dâu; hơn 650 triệu phụ nữ và trẻ em gái hiện đã kết hôn hoặc sống chung như vợ chồng trước sinh nhật lần thứ 18. Đặc biệt, theo UNFPA, trong bối cảnh của đại dịch COVID-19, có đến 13 triệu trẻ em gái trên thế giới đã buộc phải trở thành cô dâu.

Tại Việt Nam, kết quả cuộc Điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ năm 2020 - 2021, do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), UNFPA và Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thực hiện cho thấy, có 7,4% phụ nữ và 1,4% nam giới tuổi vị thành niên hiện đã kết hôn hoặc sống chung như vợ chồng. Trong số phụ nữ và nam giới từ 20 - 24 tuổi được điều tra, có 14,6% nữ giới tảo hôn trước 18 tuổi so với 1,9% nam giới tảo hôn trước 18 tuổi.

Theo đánh giá của UNFPA, kết hôn trẻ em, kết hôn sớm và cưỡng ép kết hôn là một vấn đề toàn cầu ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhiều triệu trẻ em gái. Ước tính tới năm 2030, sẽ có hơn 800 triệu phụ nữ trên toàn cầu phải chịu đựng các hậu quả của tảo hôn, so với con số 650 triệu hiện nay.

Theo đánh giá của các chuyên gia về dân số, tảo hôn ảnh hưởng tiêu cực đến phụ nữ và trẻ em gái. Đầu tiên là ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý người phụ nữ khi cơ thể người mẹ chưa phát triển hoàn thiện, chưa sẵn sàng về mặt tâm sinh lý để mang thai và sinh con, điều này dễ xảy ra tình trạng người mẹ tử vong sau khi sinh hoặc rối loạn tâm lý hậu sinh. UNFPA nhận định, các biến chứng khi mang thai và khi sinh tiếp tục là những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong mẹ cho các em gái tuổi từ 15 - 19 ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Đặc biệt, kết hôn sớm khi chưa có nền tảng kinh tế vững chắc khiến nhiều cặp vợ chồng “trẻ con” luẩn quẩn trong đói nghèo. Từ đó, gây khó khăn trong thực hiện an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, tạo ra lực cản đối với sự phát triển kinh tế, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội và sự phát triển bền vững của địa phương. Tảo hôn cũng là rào cản khiến nhiều phụ nữ không có cơ hội học nghề, tìm kiếm việc làm để tự tạo thu nhập.

(Chuyên đề Thông tin đối ngoại) Thúc đẩy quyền của phụ nữ DTTS trong tiến trình hội nhập: Nỗ lực đầy lùi hủ tục (Bài 1) 1
Nội dung trọng tâm của Đề án 498 là tăng cường công tác truyền thông để thay đổi hành vi, nhận thức của người dân về những hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. (Trong ảnh: Một hội nghị tuyên truyền nâng cao nhận thức thay đổi hành vi trong hôn nhân được Ban Dân tộc tỉnh Yên Bái tổ chức tại huyện Văn Yên năm 2021)

Em Lý Mùi D., dân tộc Dao, ở xã Bình Lãng (huyện Thông Nông, tỉnh Cao Bằng) là một ví dụ. Sinh năm 1993, khi vừa 16 tuổi (năm 2009), D. nghỉ học lấy chồng. Chồng D. cũng là người Dao, sinh năm 1991, ở cùng thôn. Cả hai cùng học một trường. Lấy nhau khi còn nhỏ, không có vốn liếng, nên vợ chồng chỉ ở nhà làm ruộng, trồng ngô. Cuộc sống quá khó khăn do thiếu kiến thức làm ăn và thiếu tiền để chăm sóc con nhỏ. Được chính quyền địa phương hỗ trợ, hướng dẫn trồng cây thuốc lá, gia đình D. mới có thêm thu nhập 20 triệu đồng/năm. Đôi vợ chồng trẻ vừa làm được ngôi nhà nhỏ nhưng nợ nần chồng chất chưa biết khi nào mới trả xong.

Kết quả bước đầu cho nỗ lực dài hơi

Với điều kiện kinh tế - xã hội đặc thù, tảo hôn hiện vẫn là vấn đề nhức nhối ở vùng đồng bào DTTS và miền núi của nước ta. Theo số liệu điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 DTTS năm 2019 của Tổng cục Thống kê, Tây Nguyên có tỷ lệ tảo hôn cao nhất (27,5%); tiếp theo là Trung Du và miền núi phía Bắc (24,6%) và Bắc Trung Bộ - Duyên hải miền Trung (22,4%). Tất cả 53 DTTS đều có tình trạng tảo hôn; trong đó, 5 dân tộc tỷ lệ tảo hôn cao nhất gồm: Dân tộc Mông 51,5%; dân tộc Cờ Lao 47,8%; dân tộc Mảng 47,2%; dân tộc Xinh Mun 44,8%; dân tộc Mạ 39,2%.

Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chương trình, đề án để giảm thiểu tình trạng tảo hôn trong vùng đồng bào DTTS và miền núi; trong đó có Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2015 - 2025” theo Quyết định số 498/QĐ-TTg, ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Đề án 498). Một nội dung trọng tâm của Đề án 498 là tăng cường công tác truyền thông để thay đổi hành vi, nhận thức của người dân về những hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Trên cơ sở Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án 498 theo Quyết định số 439/QĐ-UBDT ngày 13/8/2015 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT), cơ quan công tác dân tộc các cấp đã chủ động triển khai Đề án 498 tại địa phương. Theo báo cáo của UBDT, từ năm 2015 đến năm 2020, các địa phương đã tổ chức được 7.245 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng truyền thông cho 478.298 người tại các xã triển khai mô hình điểm; đồng thời tổ chức 120.774 cuộc truyền thông, với 4.070.148 người tham gia. Các địa phương cũng đã thiết kế, lắp đặt 2.704.757 (pa-nô, áp phích; tờ rơi/tờ gấp, sổ tay hỏi đáp 5 pháp luật...) phát cho 1.412.363 đồng bào để tuyên truyền về tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hệ thống chính trị, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi đã có chiều hướng giảm đáng kể. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, so với năm 2014, năm 2019, tình trạng tảo hôn của người DTTS đã giảm 4,7%, tức bình quân mỗi năm giảm 0,94%. 

Ngoài ra, một khảo sát được thực hiện với 1.725 trẻ em DTTS của Dự án “Tăng cường nhận thức của thanh thiếu niên DTTS về việc mua bán người và tảo hôn thông qua công nghệ số” (Dự án EMPoWR, được triển khai trong giai đoạn 2020 - 2023), vào cuối năm 2020 tại 11 huyện, 52 xã của 4 tỉnh: Hà Giang, Lai Châu, Quảng Bình và Quảng Trị cho thấy, tình trạng tảo hôn có xu hướng giảm rõ rệt.

(Chuyên đề Thông tin đối ngoại) Thúc đẩy quyền của phụ nữ DTTS trong tiến trình hội nhập: Nỗ lực đầy lùi hủ tục (Bài 1) 2
Triển khai Đề án 498, các địa phương đã đa dạng hóa hình thức tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn và hôn nhận cận huyết thống.

Trong Báo cáo số 855/BC-UBDT, ngày 3/6/2022 về Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị định 05/NĐ-CP, Ủy ban Dân tộc đánh giá: Triển khai Đề án 498, các cấp ủy, chính quyền các địa phương, trường học (trong đó có cả các trường PTDT nội trú) đã quan tâm chỉ đạo chặt chẽ đối với việc triển khai thực hiện Đề án. Nhất là vai trò của già làng, trưởng thôn, Người có uy tín, đội ngũ hòa giải viên đã kịp thời, tuyên truyền, giáo dục thuyết phục những trường hợp có thể thực hiện việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại địa phương.

Báo cáo số 855/BC-UBDT ghi nhận, tình trạng hôn nhân cận huyết thống đến nay đã giảm 4,7% so với năm 2014. Trong 6 vùng kinh tế - xã hội, so với năm 2014, Tây Nguyên đã giảm 2,1%; tiếp theo là Trung Du và miền núi phía Bắc giảm 5,1 %; Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung giảm 3,2 %.

Nhưng cũng phải khẳng định, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống phần lớn xuất phát từ những quan niệm, hủ tục của đồng bào DTTS. Vì đồng bào là chủ thể của tập tục đó nên chỉ có chính đồng bào mới có thể giải quyết dứt điểm. Do đó, đòi hỏi đồng bào và chính bản thân phụ nữ và trẻ em gái vùng DTTS phải không ngừng nỗ lực, vận dụng hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước để vươn lên. Bởi thực tế, nhiều chính sách hỗ trợ phụ nữ DTTS phát triển toàn diện đã được triển khai và đã có những thành tựu đáng ghi nhận.

Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong số báo tiếp theo.