Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Thúc đẩy phát triển lĩnh vực công tác dân tộc từ việc thống nhất thuật ngữ

Cù Hương - Tùng Nguyên - 07:01, 14/11/2023

Trong nhiều văn bản của cơ quan quản lý nhà nước cũng như trên một số phương tiện truyền thông đại chúng, tên gọi của một số DTTS cũng như một số thuật ngữ thuộc lĩnh vực công tác dân tộc chưa có sự thống nhất. Để tạo thuận tiện cho người dân và cơ quan quản lý, việc thống nhất thuật ngữ trong văn bản hành chính nhà nước, từ đó định hướng truyền thông là việc rất cần thiết.

Theo danh mục kèm theo Quyết định số 121-TCTK/PPCĐ thì thống nhất tên gọi dân tộc “Mông”, còn tên gọi “H’mông” là những tên gọi khác. (Ảnh: G.L)
Theo danh mục kèm theo Quyết định số 121-TCTK/PPCĐ thì thống nhất tên gọi dân tộc “Mông”, còn tên gọi “H’mông” là những tên gọi khác. (Ảnh: G.L)

Từ tên gọi một số dân tộc

Thực tế cho thấy, việc viết đúng, đủ tên gọi của một số DTTS là hết sức quan trọng và cần thiết, ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước cũng như tác động đến công tác giáo dục, nhận thức của nhiều thế hệ. Đơn cử mới đây, theo phản ánh của Sở Tư pháp tỉnh Lào Cai, phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch dùng chung của Bộ Tư pháp và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an không thống nhất tên thành phần một số dân tộc như H’mông, Xa Phó, Tu Dí… Điều này đã gây ảnh hưởng đến việc đăng ký hộ tịch của người dân.

Ngày 29/8/2023, Ban Dân nguyện của Quốc hội có văn bản số 991/BDN tổng hợp ý kiến cử tri gửi Ủy ban Dân tộc (UBDT). Cụ thể, theo văn bản này, cử tri các tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Lào Cai, Lai Châu, Bạc Liêu, Đăk Lăk đề nghị quy định tên gọi các DTTS phù hợp với thực tiễn. Trong đó, cần thống nhất tên gọi “Khmer” hay “Khơ me”; “Mông” hay “H’mông”.

Phúc đáp Ban Dân nguyện của Quốc hội, ngày 22/9/2023, UBDT đã có Báo cáo số 1678/BC-UBDT tổng hợp kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Trong báo cáo, UBDT cho biết, từ năm 2018, thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, UBND đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Đề án “Xác định thành phần, tên gọi một số dân tộc và Danh mục các dân tộc Việt Nam”.

Theo danh mục kèm theo Quyết định số 121-TCTK/PPCĐ thì thống nhất tên gọi dân tộc “Khmer”, còn “Khơ me” là những tên gọi khác. (Ảnh: T.X)
Theo danh mục kèm theo Quyết định số 121-TCTK/PPCĐ thì thống nhất tên gọi dân tộc “Khmer”, còn “Khơ me” là những tên gọi khác. (Ảnh: T.X)

Sau quá trình soạn công phu, ngày 30/6/2022, Ban cán sự (BCS) Đảng ủy UBDT đã có Tờ trình số 08-TTr/BCSĐ gửi BCS Đảng Chính phủ trước khi trình Ban Bí thư. Đến ngày 9/2/2023, Thường trực Ban Bí thư đã có ý kiến chỉ đạo tại Công văn số 6043-CV/TW của Văn phòng Trung ương Đảng giao BCS Đảng ủy UBDT báo cáo Ban Bí thư, BCS Đảng Chính phủ, Đảng đoàn Quốc hội về kết quả nghiên cứu của Đề án để làm tài liệu tham khảo.

Theo đó, thành phần và tên gọi chính thức của 54 dân tộc Việt Nam được xác định theo Quyết định số 121-TCTK/PPCĐ ngày 2/3/1979 của Tổng cục Thống kê. Chiếu theo danh mục kèm theo Quyết định số 121-TCTK/PPCĐ thì thống nhất tên gọi dân tộc “Mông” và dân tộc “Khmer”; các tên gọi “H’mông” hay “Khơ me” là những tên gọi khác.

Đến tên gọi địa bàn

Cùng với việc quy định thống nhất tên gọi một số dân tộc, thì UBDT cũng đang hoàn thiện Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/1/2011 của Chính phủ về Công tác dân tộc, trình cấp có thẩm quyền. Trong dự thảo, UBDT đề xuất thống nhất một số thuật ngữ liên quan đến địa bàn triển khai chính sách dân tộc.

Theo UBDT, hiện chưa quy định cụ thể nội hàm và sử dụng thống nhất các thuật ngữ “Vùng DTTS”, “Vùng đồng bào DTTS”, “Vùng đồng bào DTTS và miền núi” trong các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách dân tộc nên chưa có cách hiểu thống nhất trong tổ chức triển khai thực hiện. 

Trong đó, Nghị định số 05/2011/NĐ-CP sử dụng thuật ngữ “Vùng DTTS” nhưng khoản 3, Điều 61, khoản 2, Điều 75 Hiến pháp năm 2013 và Nghị quyết số 88/2019/QH14 phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 sử dụng thuật ngữ “Vùng đồng bào DTTS”.

Bên cạnh đó, chưa có tiêu chí để xác định rõ nội hàm “Vùng đồng bào DTTS” là vùng, địa bàn như thế nào (tỉnh, huyện, xã, thôn). Ngoài ra, các thuật ngữ khác như: “Công tác dân tộc”, “DTTS còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù”, “Vùng đồng bào DTTS có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn”…. chưa được giải thích cụ thể, thống nhất nên gặp nhiều khó khăn trong việc xác định phạm vi, đối tượng thụ hưởng các chính sách dân tộc, nhất là nhóm chính sách cán bộ.

Đề xuất thống nhất sử dụng thuật ngữ “Vùng đồng bào DTTS” thay thế thuật ngữ “Vùng DTTS”. (Ảnh minh họa)
Đề xuất thống nhất sử dụng thuật ngữ “Vùng đồng bào DTTS” thay thế thuật ngữ “Vùng DTTS”. (Ảnh minh họa)

Vì thế, trong Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 05/2011/NĐ-CP, Ban soạn thảo đề xuất thống nhất sử dụng thuật ngữ “Vùng đồng bào DTTS” thay thế thuật ngữ “Vùng DTTS”; đồng thời quy định rõ nội hàm của “Vùng đồng bào DTTS” là địa bàn tỉnh, huyện, xã, thôn có tỷ lệ người DTTS sinh sống ổn định chiếm từ 15% trở lên trong tổng số dân của vùng (hoặc quy định “Vùng đồng bào DTTS” là địa bàn tỉnh, huyện, xã, thôn có tỷ lệ người DTTS sinh sống ổn định tại địa bàn tương ứng với tỷ lệ người DTTS trên phạm vi cả nước. Việc sửa đổi này đảm bảo sử dụng thuật ngữ này thống nhất, đồng bộ với quy định của Hiến pháp năm 2013 (khoản 3 Điều 61 sử dụng thuật ngữ “vùng đồng bào DTTS”) và Nghị quyết 88/2019/QH14.

Đồng thời, để bảo đảm công tác dân tộc có hiệu lực, Ban soạn thảo đề xuất sửa đổi khái niệm “Công tác dân tộc”. Theo Dự thảo, “Công tác dân tộc là hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước trong tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật để các DTTS phát triển toàn diện, phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước”.

Trước đó, trong Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/1/2011 của Chính phủ, “Công tác dân tộc” được định nghĩa “là những hoạt động quản lý nhà nước về lĩnh vực dân tộc nhằm tác động và tạo điều kiện để đồng bào các DTTS cùng phát triển, đảm bảo sự tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân”. Vì nội hàm chưa cụ thể nên lĩnh vực công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc trong giai đoạn vừa qua còn gặp nhiều vướng mắc, chính sách nhiều nhưng dàn trải, thiếu nguồn lực thực hiện.