Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Chương trình 1719

Thúc đẩy bình đẳng giới vùng DTTS và miền núi: Những vấn đề đặt ra từ Dự án 8: Thay đổi cách tiếp cận cùng lộ trình dài hơi (Bài cuối)

Thúy Hồng - 08:30, 18/11/2024

Sau 4 năm triển khai thực hiện, Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” đã đạt nhiều kết quả tích cực, hoàn thành nhiều chỉ tiêu, mục tiêu cốt lõi của Dự án. Tuy nhiên, mục tiêu của Dự án 8 không chỉ dừng lại ở việc nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” xóa bỏ định kiến giới, khuôn mẫu giới mà còn hướng đến việc chăm lo, hỗ trợ đời sống vật chất và tinh thần cho phụ nữ và trẻ em DTTS tại các địa bàn đặc biệt khó khăn. Vì vậy, cần có sự quan tâm giải quyết có hệ thống thì mới có hiệu quả lâu dài, bền vững.

Các mô hình hoạt động Tổ truyền thông cộng đồng đã góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em
Các mô hình hoạt động Tổ truyền thông cộng đồng đang góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em

Chưa đảm bảo mục tiêu lồng ghép giới

Theo báo cáo của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam, tính đến hết tháng 10 năm 2024, 4/9 chỉ tiêu cốt lõi của Dự án 8 đã vượt kế hoạch đặt ra ở giai đoạn 1, như “Tổ truyền thông cộng đồng”, “Củng cố/thành lập mới Địa chỉ tin cậy”, “Nâng cao năng lực cho cán bộ nữ DTTS tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị”, CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi”; 

15/40 tỉnh đạt và vượt một số chỉ tiêu, như: Hà Giang, Bắc Giang, Khánh Hoà, Lâm Đồng, Thanh Hoá ... góp phần cải thiện rõ rệt nhận thức về các vấn đề bất bình đẳng giới, từ đó tác động tới hành động của các cấp, các ngành liên quan và người dân tại các địa bàn Dự án.

Dù nhiều mục tiêu, chỉ tiêu cốt lõi Dự án 8 đã đạt được. Song chỉ còn hơn 01 năm nữa là kết thúc giai đoạn 1, nhiều nội dung của Dự án vẫn còn vướng mắc, việc thúc đẩy thực hiện để đạt mục tiêu về bình đẳng giới vẫn còn nhiều thách thức.

Theo bà Lò Thị Thu Thủy, Trưởng Ban Dân tộc-Tôn giáo (Hội LHPN Việt Nam) việc triển khai Dự án còn gặp một số khó khăn nhất định, cần giải pháp khắc phục và thúc đẩy trong thời gian tới như: cán bộ thực hiện Dự án còn lúng túng trong quản lý tổ chức thực hiện Dự án; năng lực duy trì, vận hành mô hình của Ban chủ nhiệm/Ban quản lý còn hạn chế; việc hỗ trợ duy trì hoạt động của Tổ truyền thông cộng đồng và Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" gặp khó khăn do chưa được cấp kinh phí duy trì từ nguồn ngân sách địa phương…

TS Dương Kim Anh, Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam  đề xuất bổ sung chỉ số giám sát lồng ghép giới trong chương trình MTQG 1719
TS Dương Kim Anh, Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam đề xuất, bổ sung chỉ số giám sát lồng ghép giới trong Chương trình MTQG 1719

Bên cạnh đó, một số rào cản, thách thức vẫn đang tồn tại dai dẳng ở vùng đồng bào DTTS và miền núi như: việc làm, sinh kế và định hướng nghề nghiệp; hạn chế trong tiếp cận với dịch vụ công, dịch vụ xã hội như chăm sóc sức khỏe, giáo dục, tiếp cận thông tin, nguồn vốn; các vấn đề xã hội như tảo hôn, hôn nhân cận huyết, sinh đẻ nhiều, đẻ dày và sinh con tại nhà, mù chữ, tái mù chữ, bạo lực gia đình; thách thức trong việc chuyển đổi số…

Chia sẻ về kết quả rà soát vấn đề lồng ghép giới và những vấn đề xã hội cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em tại vùng đồng bào DTTS &MN trong giai đoạn 1, PGS.TS Dương Kim Anh, Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam cho biết: Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, nhận thức về bình đẳng giới của phụ nữ tốt hơn nam giới. Trong đó, đáng chú ý có tỷ lệ chênh lệch khá rõ giữa mức độ đồng tình của phụ nữ DTTS và nam giới DTTS ở nhận định "Nam giới có toàn quyền quyết định các vấn đề lớn của gia đình" (điểm trung bình = 2,69 so với 3,08).

Theo bà Dương Kim Anh, từ việc phân tích, rà soát việc lồng ghép giới trong các văn bản dự án cấp Trung ương đến cấp tỉnh, từ kết quả nghiên cứu định tính tại các Hội thảo cấp tỉnh và phỏng vấn sâu lãnh đạo các sở, ngành, phòng, ban của các địa bàn khảo sát nhận thấy còn nhiều vướng mắc, bó buộc, nhiều chỉ tiêu của các dự án chưa phân tách giới, chưa mang tính định hướng giải quyết vấn đề giới.

Bà Dương Kim Anh cho rằng, cần đề xuất bổ sung chỉ số giám sát lồng ghép giới trong Chương trình MTQG phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 1: 2021-2025 để đảm bảo việc đánh giá lồng ghép giới được đầy đủ, toàn diện hơn.

Cần giải pháp đồng bộ

Trao đổi tại "Hội thảo rà soát, xác định vấn đề xã hội cấp thiết với phụ nữ, trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi; khuyến nghị nội dung, giải pháp vận động, hỗ trợ phụ nữ DTTS giai đoạn tiếp theo" ngày 15/11, TS. Phạm Thái Hưng, Chuyên tư vấn chính sách cho rằng: Dự án 8 chỉ là một dự án thành phần của Chương trình MTQG 1719. Dự án 8 được thiết kế chỉ có thể giải quyết được một số khía cạnh về bình đẳng giới, lại giới hạn trong khu vực “lõi nghèo” của vùng đồng bào DTTS và miền núi, khả năng đạt được mục tiêu bình đẳng giới của Chương trình MTQG 1719 và của Đề án tổng thể không phụ thuộc vào kết quả thực hiện Dự án 8.

TS. Phạm Thái Hưng đề xuất cần cần phải có thay đổi căn bản về cách thức tiếp cận bình đẳng giới, mở rộng địa bàn, có cơ chế lồng ghép giới vào các dự án
TS. Phạm Thái Hưng đề xuất cần phải có thay đổi căn bản về cách thức tiếp cận bình đẳng giới, mở rộng địa bàn, có cơ chế lồng ghép giới vào các dự án

Theo ông Phạm Thái Hưng, để giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi trong giai đoạn tiếp theo, cần phải có thay đổi căn bản về cách thức tiếp cận bình đẳng giới, mở rộng địa bàn, có cơ chế lồng ghép giới vào các dự án, tiểu dự án khác thì mới có thể thúc đẩy bình đẳng giới được hiệu quả. Có như vậy, đến năm 2030 mới có thể đạt được những mục tiêu bình đẳng giới theo Nghị quyết 88 của Quốc hội.

Để thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới trong Chương trình MTQG 1719 giai đoạn 2026-2030, ông Phạm Thái Hưng nhận định, về cơ bản, trọng tâm của giai đoạn 2, vẫn phải đảm bảo các mục tiêu và khung các dự án thành phần đã được phê duyệt trong Nghị quyết 88/2019 của Quốc hội. Đồng thời, nội dung của Chương trình trong giai đoạn 2, phải đảm bảo giải quyết những thách thức cơ bản nhất, gồm các vấn đề về cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, phát triển nguồn nhân lực, giải quyết khó khăn của các nhóm dân tộc rất ít người, và một số nội dung có tính cấp thiết khác.

Còn theo ông Hà Việt Quân, Chánh Văn phòng Chương trình MTQG 1719 cho rằng, thời gian tới, Hội LHPN Việt Nam cần tham gia đánh giá, hiệu quả lồng ghép từ các dự án, tiểu dự án khác góp phần giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em. Đồng thời, đề nghị Hội LHPN Việt Nam cần tăng cường điều tra, giám sát việc triển khai thực hiện Dự án được hiệu quả hơn.

Để thúc đẩy bình đẳng giới vùng DTTS và miền núi cần lộ trình dài hơi
Để thúc đẩy bình đẳng giới vùng đồng bào DTTS và miền núi cần lộ trình dài hơi

Từ việc triển khai thực hiện Dự án 8 có thể nhận thấy, để đạt được các mục tiêu bình đẳng giới theo Nghị quyết 88 đã đề ra cần thời gian, nguồn lực và cách tiếp cận về bình đẳng giới.

Theo bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục của Quốc hội, để đảm bảo các mục tiêu, chỉ tiêu bình đẳng giới, điều quan trọng nhất cần thay đổi cách tiếp cận trong quá trình thực hiện. Đồng thời, phải để cho đồng bào DTTS chính là chủ thể thực hiện mục tiêu của chính mình. Những tấm gương tiên phong trong thúc đẩy bình đẳng giới sẽ tạo ra sự lan tỏa để thực hiện bình đẳng giới, cũng như mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS.

Đồng thời, Chính phủ cần tiếp tục rà soát điều chỉnh, sửa đổi bổ sung hoàn thiện các chính sách, để hệ thống các chính sách liên quan đến vùng đồng bào DTTS và vấn đề bình đẳng giới ngày càng hoàn thiện hơn. Qua đó, có những tác động kịp thời để đưa những chính sách vào thực tiễn cuộc sống.

Tin cùng chuyên mục
Sa Thầy (Kon Tum): Người có uy tín, kênh truyền thông hữu hiệu Chương trình MTQG 1719

Sa Thầy (Kon Tum): Người có uy tín, kênh truyền thông hữu hiệu Chương trình MTQG 1719

Những năm qua, đội ngũ Người có uy tín trên địa bàn huyện biên giới Sa Thầy (Kon Tum) đã phát huy vai trò của mình, chung tay, góp sức cùng với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chăm lo phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đặc biệt, Người có uy tín là một “kênh truyền thông” hữu hiệu Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025 (Chương trình MTQG 1719) đến với Nhân dân.