Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Thúc đẩy bình đẳng giới và giáo dục cho trẻ em gái ở vùng DTTS

Thúy Hồng - 09:00, 29/03/2023

Chiều 28/3, tại Hà Nội, đã diễn ra Lễ công bố dự án "Chúng tôi Có thể" giai đoạn 2 - Thúc đẩy bình đẳng giới và giáo dục cho trẻ em gái ở các vùng DTTS Việt Nam”. Lễ Công bố do Văn phòng UNESCO tại Việt Nam tổ chức, phối hợp với Ủy ban Dân tộc, Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Tập đoàn CJ, cùng các đại diện các tỉnh thuộc dự án, Tạp chí Ngày Nay và các đối tác khác của UNESCO.

Bà Justine Sass, Trưởng ban Giới và Hòa nhập trong Giáo dục của Trụ sở chính UNESCO tại Paris phát biểu tại lễ công bố
Bà Justine Sass - Trưởng ban Giới và Hòa nhập trong Giáo dục của Trụ sở chính UNESCO tại Paris phát biểu tại Lễ công bố

Tại Việt Nam, các vùng DTTS thường gặp nhiều khó khăn hơn so với các vùng dân số khác bởi các định kiến và rào cản văn hóa. Mặc dù đã có những tiến bộ trong phổ cập giáo dục cơ bản, trẻ em DTTS, đặc biệt là trẻ em gái vẫn có nguy cơ bỏ học cao hơn các nhóm trẻ em khác. Dự án Chúng tôi có thể (We are ABLE) được khởi xướng nhằm góp phần giải quyết vấn đề này. Với khẩu hiệu “Hướng đến mức sống và giáo dục tốt hơn” viết tắt là "ABLE" (có thể) khẳng định niềm tin vào năng lực vượt qua thử thách, khó khăn của trẻ em DTTS, đặc biệt là trẻ em gái.

Phát biểu tại Lễ công bố dự án, bà Justine Sass - Trưởng ban Giới và Hòa nhập trong Giáo dục của Trụ sở chính UNESCO tại Paris nhấn mạnh, giáo dục là một công cụ trao quyền mạnh mẽ bởi giáo dục có thể giải quyết được những rào cản, sự kỳ thị và phân biệt đối xử dựa trên cơ sở giới đang cản trở người học thực hiện quyền được giáo dục và các cơ hội trong cuộc sống, công việc, định hướng trong tương lai. “Chúng ta phải khai thác sức mạnh của giáo dục để khơi sáng những tiềm năng của người học và tôn trọng sự đa dạng của họ cũng như việc chuyển đổi các tổ chức giáo dục để đạt được công bằng xã hội, bình đẳng và hòa nhập”, bà Justine Sass nhấn mạnh.

Theo UNESCO, giai đoạn I của Dự án do UNESCO thực hiện từ năm 2019 - 2022, phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban Dân tộc, được tài trợ bởi Quỹ Malala UNESCO về Quyền giáo dục cho trẻ em gái với hỗ trợ tài chính và kỹ thuật từ Tập đoàn CJ. Dự án tập trung triển khai tại 12 huyện ở 3 tỉnh: Hà Giang, Ninh Thuận và Sóc Trăng. Dự án đã đạt được thành công trong việc đáp ứng được các đầu ra mong đợi nhằm tăng cường khả năng tiếp cận giáo dục và duy trì việc học của trẻ em gái, đặc biệt là trẻ em gái DTTS, tạo cơ hội việc làm tốt hơn cho trẻ em gái và phụ nữ DTTS.

Ông Christian Manhart, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam phát biểu tại buổi lễ
Ông Christian Manhart - Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam phát biểu tại buổi lễ

Dự án Giai đoạn I đã tiếp cận được 16.296 học sinh (trong đó có 8.021 nữ sinh). Tại 24 trường dự án, trong số học sinh DTTS, tỷ lệ nhập học tăng từ 62% lên 67%, tỷ lệ bỏ học giảm từ 3,8% xuống 2,9% và tỷ lệ chuyển tiếp lên THCS tăng từ 69,7% lên 76,7%. 2.136 giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đã được đào tạo về tư vấn trường học có nhạy cảm giới và hàng nghìn người khác sẽ được tiếp cận thông qua việc triển khai khóa học trực tuyến trên toàn quốc. 120 phụ nữ và thanh niên DTTS đã được đào tạo nâng cao năng lực khởi nghiệp và tiếp tục được hỗ trợ thông qua Hội Phụ nữ xã.

Bà Bế Hồng Vân - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách - Ủy ban Dân tộc, Giám đốc Ban Quản lý Dự án EMPS cho biết: Tại Ủy ban Dân tộc, Ban Quản lý Dự án EMPS được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban giao thực hiện các hoạt động dự án “Chúng tôi Có thể” từ tháng 7/2020 - 8/2022 với 5 hoạt động chính và đã đạt được kết quả cụ thể.

Dự án đã triển khai nghiên cứu, tìm hiểu về khoảng trống chính sách giáo dục cho trẻ em gái và việc làm cho phụ nữ DTTS và một số khuyến nghị chính sách. Đây là tài liệu tham khảo hữu ích cho các cán bộ nghiên cứu cũng như làm công tác quản lý chính sách liên quan đến giáo dục cho trẻ em gái và việc làm cho nữ thanh niên, phụ nữ vùng DTTS. Báo cáo nghiên cứu này sẽ là tài liệu quan trọng trong việc đề xuất chính sách giáo dục đối với vùng DTTS và miền núi.

Bà Bế Hồng Vân, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách- Uỷ ban Dân tộc, Giám đốc Ban Quản lý Dự án EMPS phát biểu tại lễ công bố
Bà Bế Hồng Vân, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách- Uỷ ban Dân tộc, Giám đốc Ban Quản lý Dự án EMPS phát biểu tại lễ công bố

Dự án đã thiết kế Cuốn sách nhỏ “Chúng tôi có thể” gồm 25 câu chuyện cảm động về những tấm gương vượt khó của các em học sinh DTTS cùng với phụ huynh và thầy cô tại 3 tỉnh dự án (Hà Giang, Ninh Thuận, Sóc Trăng). Đây là tài liệu truyền thông hữu ích, thân thiện với cộng đồng, động viên, khích lệ cha mẹ và các em học sinh, đặc biệt là các em gái DTTS tích cực tham gia học tập cũng như truyền cảm hứng cho chị em phụ nữ DTTS vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, vươn lên góp phẩn phát triển cho bản thân, gia đình và xã hội.

Dự án cũng góp phần xây dựng được một Hệ sinh thái hỗ trợ phụ nữ và nữ thanh niên DTTS khởi nghiệp, tạo việc làm với hơn 130 chị em phụ nữ của 5 huyện thuộc tỉnh Hà Giang, được tập huấn, tăng cường năng lực, tự tin vươn lên để khởi nghiệp. Mô hình được tiếp tục duy trì bởi chính quyền địa phương và sẽ có kế hoạch nhân rộng ra các huyện nằm ngoài Dự án.

Đại diện các tổ chức, cơ quan, địa phương cam kết thực hiện dự án tại buổi lễ
Đại diện các tổ chức, cơ quan, địa phương cam kết thực hiện Dự án tại buổi lễ

Như vậy, qua hơn 2 năm thực hiện, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 khốc liệt trên toàn cầu trong đó có Việt Nam, với hỗ trợ tài chính của Tập đoàn CJ Hàn Quốc, sự phối hợp chặt chẽ giữa Ủy ban Dân tộc và UNESCO với các đối tác liên quan, cùng với nỗ lực, quyết tâm, nhiệt huyết vươn lên của các chị em phụ nữ, trẻ em gái DTTS tại các tỉnh dự án, các hoạt động Dự án “Chúng tôi có thể” do Ủy ban Dân tộc thực hiện đã triển khai thành công và được đánh giá cao. Dự án "Chúng tôi có thể" đã giúp Ủy ban Dân tộc cũng như các địa phương có những bài học kinh nghiệm hữu ích cho việc triển khai thực hiện Chương mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030".

Giai đoạn II của dự án “Chúng tôi có thể" sẽ được triển khai tại các tỉnh Cao Bằng, Kon Tum và Ninh Thuận với mục tiêu tiếp tục trao quyền cho thanh niên DTTS,  đặc biệt là trẻ em gái và nữ thanh niên tại các trường PTDT Nội trú THCS và các vùng lân cận, để vượt qua định kiến, lên tiếng và hành động vì ước mơ, hy vọng và nguyện vọng trong giáo dục. Gai đoạn II, sẽ xây dựng các kỹ năng và nền tảng, thúc đẩy một môi trường thuận lợi cho các hoạt động truyền thông và vận động cho học sinh khởi xướng và tăng cường cam kết của Chính phủ về giáo dục cho trẻ em và thanh niên DTTS, đặc biệt là trẻ em gái.

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục là đối tác chính để triển khai dự án cùng với UNESCO, bên cạnh đó Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh - một đối tác mới của Dự án, sẽ hỗ trợ các hoạt động truyền thông và vận động do học sinh khỏi xướng và thúc đẩy giáo dục cho trẻ em gái thông qua tiếp cận cộng đồng, các diễn đàn địa phương và Trung ương. Tạp chí Ngày Nay sẽ củng cố các hoạt động truyền thông của Dự án.

Các đại biểu tham dự lễ công bố chụp anh lưu niệm
Các đại biểu tham dự Lễ công bố chụp ảnh lưu niệm

Phát biểu tại Lễ công bố, ông Christian Manhart, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam chia sẻ "Dự án được kỳ vọng sẽ đóng góp vào Kế hoạch Chiến lược phát triển Giáo dục giai đoạn 2021 - 2030 của Chính phủ Việt Nam. Chiến lược công tác dân tộc và cam kết quốc gia trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt là Mục tiêu 4 về giáo dục và Mục tiêu 5 về bình đẳng giới.

Tại Lễ công bố, Ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) và bà Bế Thị Hồng Vân - Phó Vụ trưởng, Vụ chính sách dân tộc, Ủy Ban dân tộc, đối tác chính trong Giai đoạn I, bày tỏ sự cảm kích đối với tập đoàn CJ, UNESCO và các đối tác khác của Dự án. Ông Vũ Minh Đức đề nghị các Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cao Bằng, Kon Tum và Ninh Thuận tiếp tục chỉ đạo triển khai các hoạt động Dự án để đạt được thành tựu như giai đoạn I".